Cập nhật: 16/09/2016 08:57:00
Xem cỡ chữ

Ngọc Thanh là xã miền núi duy nhất của thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Xã có hơn 12 nghìn dân, trong đó phân nửa là người dân tộc Sán Dìu. Do có vị trí thuận lợi: Phía Bắc và Đông Bắc của xã giáp huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên); phía Nam giáp xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên; phía Tây giáp huyện Bình Xuyên; phía Đông Nam giáp huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Từ Ngọc Thanh có các tuyến giao thông nối liền với các vùng Thái Nguyên, Tam Đảo, Vĩnh Yên bằng đường được mở từ thời kháng chiến qua khe núi Quân Bong. Bởi vậy, Ngọc Thanh không chỉ là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội mà còn là một địa bàn chiến lược rất quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc – một trong những cái nôi của phong trào yêu nước. Nơi đây là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ở thời kỳ lịch sử nào, nhân dân xã Ngọc Thanh cũng anh hùng, bất khuất. Từ khi có Đảng lãnh đạo, địa bàn xã Ngọc Thanh sớm trở thành cơ sở cách mạng bí mật, là địa bàn hoạt động của nhiều đồng chí như: Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Nguyễn Lam, Nguyễn Trọng Duệ. Ngọc Thanh là một tiêu bản quý về xây dựng căn cứ địa trong thời kỳ chiến tranh nhân dân “lấy ít địch nhiều”. Khắp địa bàn chiến khu, các hoạt động thời chiến đã diễn ra hết sức sôi nổi. Mỗi tấc đất, cành cây, ngọn cỏ Ngọc Thanh đều ghi dấu những sự kiện lịch sử hào hùng một thời.

Chiến khu Ngọc Thanh - hay Chiến khu I thuộc Liên khu Việt Bắc, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Phúc Yên (cũ). Sở dĩ được gọi là Chiến khu Ngọc Thanh vì những căn cứ địa chính, các cơ quan đầu não chiến khu đều đóng ở địa bàn này. Như đã nói ở trên, Chiến khu Ngọc Thanh nằm ở vị trí bản lề giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng, án ngữ con đường giao thông huyết mạch giữa Vĩnh Yên – Phúc Yên với Thái Nguyên, Việt Bắc. Ở vào vị trí chiến lược hết sức lợi hại, ta dễ hoạt động mà địch khó tiến công lấn chiếm nên chiến khu này có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Đây không những là vọng gác tiền tiêu của Việt Bắc mà còn là một trạm trung chuyển, đường giao liên có tính chất huyết mạch giữa vùng trung du miền núi phía Bắc – nơi đặt Trung ương kháng chiến với Thủ đô và các tỉnh đồng bằng châu thổ. Căn cứ địa Ngọc Thanh là một chiến khu khá điển hình, được xây dựng toàn diện, phát triển đều về các mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Đóng ở chiến khu lúc bấy giờ gồm các cơ quan đầu não của trung ương và địa phương như: Kho bạc Nhà nước, trạm quân y dược, kho lương thực, xưởng quân giới, ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và ủy ban các xã: Sơn Lôi, Bá Hiến, Tam Canh, Phúc Thắng, Cao Minh; cùng nhiều đơn vị bộ đội như: Đại đoàn 308, đại đoàn 312, trung đoàn 2, trung đoàn 46, đại đội Hoàng Văn Thụ, đại đội Trần Quốc Tuấn thuộc tỉnh đội Phúc Yên và một số đội du kích các xã lân cận. Những hoạt động hữu hiệu của các cơ quan đơn vị này đã tạo nên một diện mạo khá hoàn chỉnh về một chiến khu cách mạng; một hình ảnh tiêu biểu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, anh dũng và tự lực cánh sinh của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.

 

Ngọc Thanh nằm ở cuối dãy Tam Đảo, có núi non trùng điệp, sông suối uốn khúc quanh co, phong cảnh nên thơ. Vùng phía bắc chiến khu có rừng rậm rạp, quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu trong lành, cây cối xanh tốt, xen kẽ là những đầm hồ, hang động (hang Dơi), thung lũng, khe suối. Phía nam và tây nam chiến khu có sông Mạn Lan, sông Ba Hanh, đặc biệt là hồ Đại Lải – một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng có thương hiệu của Vĩnh Phúc. Tuy địa hình phức tạp, diện tích rộng song mạng lưới giao thông tại Ngọc Thanh được bố trí liên hoàn giữa các thôn xóm. Đặc biệt, Ngọc Thanh có một hệ thống các địa danh lịch sử  như Núi Thằn Lằn, đình Thanh Lộc, rừng Móc Sơn, Khu vực nhà cụ Lý Thị Hai, Khe núi Đá Đen, Thung lũng Đá Bia... những địa danh này gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Tất cả những yếu tố trên là những tiềm năng lớn để Ngọc Thanh phát triển thành khu du lịch sinh thái – tham quan di tích lịch sử./.

ST