Đình Hương CanhHình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã trở nên quen thuộc trong nếp văn hóa của người dân Việt. Trải dài trên dãy đất hình chữ S là các ngôi đình mang đặc điểm kiến trúc nghệ thuật tinh xảo và gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân từng địa phương. Đình Hương Canh là một di tích như vậy. Nếu có cơ hội, du khách nên một lần đi du lịch tìm về Vĩnh Phúc, tham quan mái đình nổi tiếng này, để hiểu rõ hơn các giá trị văn hóa làng quê Việt từ thời xa xưa.
Đình Hương Canh
Câu ca: “Ai về mua vại Hương Canh/ Cho Mai lấy Trúc, cho anh lấy nàng” như nhắc với biết bao du khách khi ghé đến đình Hương Canh rằng, bạn đang đến tham quan một làng nghề nổi tiếng với nghề truyền thống gốm, chế tác ra các sản phẩm vại sành và ngói. Thật vậy, nổi tiếng cả thời xưa cho đến nay, đình Hương Canh luôn là một trong những địa điểm tham quan Vĩnh Phúc lý tưởng cho nhiều du khách muốn đến trải nghiệm, khám phá bao điều làm nên danh tiếng của “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh” một thời. Nằm ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 45 Km, đình Hương Canh được xây dựng vào thế kỷ XVII dưới thời Hậu Lê. Đây là ngôi đình có kiến trúc độc đáo với từng đường nét điêu khắc tinh tế, mang đầy cảm hứng nghệ thuật. đình Hương Canh có cấu tạo theo bố cục 3 tòa kiến trúc có hình chữ “Vương”. Phần tiền tế của đình gồm 3 gian, có mái được xây dựng theo kiểu 2 tầng 8 mái; tòa đại đình gồm 5 gian 2 dĩ với chiều dài chừng 26 m, rộng 13,5 m, có 4 mái. Dưới bàn tay của các nhà thiết kế lúc bấy giờ, một bộ khung chắc chắn được chế tạo để nâng đỡ phần mái nặng đến cả chục tấn này. Thêm đó, các xà ngang dọc được sắp xếp hợp lý để tập trung tất cả lực về ngọn cột chịu lực. Không chỉ vậy, kỹ thuật chạm trổ của các nghệ nhân cũng đã khắc họa nên các tác phẩm nghệ thuật sinh động, ấn tượng thu hút nhiều người xem. Mỗi hình tượng như là một biểu tượng văn hóa với tầng tầng lớp lớp ý nghĩa nhất định: người cưỡi rồng, bát tiên, con kìm, voi…, có khi đó là khung cảnh miêu tả đời sống sinh hoạt của xã hội thời Lê trung hưng. Vào những ngày hội làng, đình Hương Canh trở nên sôi động hẳn lên bởi những trò chơi đông vui, thu hút nhiều người tham gia. Từ đó, sự gắn kết của người dân với truyền thống văn hóa đã trở thành một tục lệ quen thuộc, hướng họ đến các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp hơn.
Được xem là một công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, đình Hương Canh dần dần đã trở thành điểm đến ấn tượng trong chuyến du lịch Vĩnh Phúc của các du khách trong và ngoài nước. Ngoài có cơ hội chiêm ngưỡng những đường nét kiến trúc điêu luyện, du khách còn được hiểu thêm về đời sống sinh hoạt xã hội Việt Nam vào thế kỷ trước.
ST