Khi nhắc đến thị trấn Thổ Tang đa phần mọi người sẽ ấn tượng với một địa phương phát triển kinh tế, trung tâm giao thương lớn của cả vùng phía Bắc. Tuy nhiên tại nơi đây còn có cả một nền di tích văn hóa đặc sắc với hệ thống các công trình tâm linh nổi tiếng: đình Thổ Tang, đình Phương Viên, miếu Trúc Lâm, chùa Tùng Vân. Ngày 09/12/2015, đình Phương Viên và miếu Trúc Lâm được Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 4250 và số 4251 về việc xếp hạng Di tích quốc gia. Hai công trình tâm linh được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật này thờ Lân Hổ Đô Thống Đại vương và Thánh Mẫu Phùng Thị Dong
Ngày 09/12/2015, Bộ VHTT& DL đã xếp hạng đình Phương Viên và miếu Trúc Lâm là Di tích quốc gia
Xưa đức Thánh Mẫu là Phùng Thị Dong vốn người xã Đồng Bảng, huyện Mai Nghĩa, nhà ở góc ao Hàm Rồng có 1 mẫu 7 sào ruộng, ngày ngày vui việc đồng áng và lên rừng kiếm củi. Một hôm, khi đang trong rừng nhặt củi bỗng thấy một đám mây hồng phủ kín thân mình và nghe thấy tiếng hùm kêu vang dội khắp núi rừng, bà hoảng hốt về nhà, đến đêm hôm đó thì thấy trong người có mang. Mười bốn tháng sau thì chuyển dạ sinh ra một người con trai, khôi ngô tuấn tú, mang dáng dấp của bậc thần minh đặt tên là Lân Hổ Đô Thống. Người con trai lớn nhanh như thổi, mình cao 10 thước, sức mang được trăm cân lại có tài thao lược.
Bấy giờ về thời nhà Trần có giặc Nguyên Mông phương Bắc sang xâm lược, Vua Trần ra chiếu cầu người hiền tài đánh giặc giúp nước, Lân Hổ Đô Thống yết kiến nhà vua xin đánh giặc. Ngài uy dũng cưỡi lên ngựa, tay cầm côn sắt vượt qua bến đò Tiên Phong sang tổng Thạch Các huyện Sơn Vi rồi lại qua cầu về làng Dục Mỹ. Đi đến đâu Ngài đánh cho giặc tơi bời đến đó, quân giặc chết đầy dọc hai bờ sông, thanh thế của ngài lẫy lừng khắp nơi, nhân dân vui mừng khôn xiết. Thắng trận trở về, vua Trần mở tiệc khao quân ban cho ngài 8 chữ: “Nam phương tráng khí, Bắc khấu hàn tâm”, cho đứng vào hàng có công lao thứ nhất và nhiều bổng lộc khác. Những nơi mà Ngài đánh giặc đi qua, nhân dân ghi nhớ công đức đều lập đền, miếu vọng thờ. Nhân dân Phương Viên tôn Ngài làm thành hoàng làng, dựng đình để thờ, ngày ngày hương khói.
Từ đó ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày thánh hoá) là lễ hội chính của nhân dân Thổ Tang, lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 9 đến ngày 12 tháng Giêng. Chiều ngày 9 những năm tiệc lệ, nhân dân tổ chức rước sắc từ miếu Trúc Lâm ra đình Thổ Tang cáo tế, còn cứ 5 năm tổ chức một lần đại tiệc thì tổ chức rước long ngai, bài vị Thánh ra đình cáo tế. Sáng mồng 10, dân làng rước thánh ở miếu Trúc Lâm qua đình Phương Viên nghinh chào rồi sang đình Thổ Tang, sau khi đoàn rước của Phương Viên đến thì tiến hành nghi thức tế Thánh ở đình Thổ Tang. Tiếp đó là tổ chức phần hội với các trò chơi, sinh hoạt văn hoá nghệ thuật. Ngày 12 tháng Giêng thì dân làng rước Thánh về miếu Trúc Lâm tế tạ và an vị Thánh.
Đình Phương Viên
Đình Phương Viên vốn được xây dựng từ lâu đời, đến ngày nay đình mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX). Thông qua kết cấu kiến trúc và các mảng trang trí, chạm khắc thể hiện tài năng của người thợ dân gian phản ánh nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc. Đến đình Phương Viên, bước qua nghi môn sẽ tiếp cận ngay toà đại đình. Trước cửa đình là sân rộng, lát gạch Bát Tràng vuông màu đỏ, những dịp làng tổ chức lễ hội sân đình được sử dụng để tiến hành những nghi lễ chính. Tòa đại đình có 3 gian 2 chái, mặt nền tòa đại đình có kích thước 16,5m x 7,9m, 3 gian giữa có bề rộng là 3,5m, mỗi gian chái có bề rộng là 2,5m. Bộ mái xòe rộng ra 4 phía và kéo dài xuống thấp. Toà đại đình là kiểu kiến trúc được phát triển theo chiều ngang, có xu hướng dàn chải sang hai bên. Bộ mái đình rất bề thế, hai mái chính xoè rộng ra và thấp dần xuống, hai mái hai đầu che kín hai chái, chiều cao của mái chiếm khoảng 2/3 chiều cao của đình. Hai mái chính và mái hồi gặp nhau thành đường bờ dải gấp khúc, rồi nhè nhẹ uốn cong về bốn phía như hoa nở làm cho mái đình như nhẹ đi, bay bổng trong không gian. Bộ mái cong hình thuyền ở đây chính là dấu ấn đặc biệt của kiến trúc bản địa Việt Nam, căn cứ để so sánh với kiến trúc của Trung Quốc, Nhật bản, Triều Tiên...
Hậu cung xây nối phía sau gian giữa đại đình, mở rộng ra thêm ở 2 bên tạo thành 2 lối đi vào. Kích thước 4,5m x 5,4m, gồm 2 gian thờ dọc, gian ngoài nâng sàn gỗ lên 0,8m, đặt sập thờ và mâm ấu, là nơi đặt lễ trong ngày tế tiệc; gian trong cùng được nâng cao hẳn lên thành một gác lửng cao 2m làm khám thờ, 3 mặt bít ván, trước có cửa bức bàn 4 cánh sơn then, bên trong đặt long ngai.
Ban thờ Thành Hoàng làng
Đình Phương Viên được đánh giá cao ở nghệ thuật điêu khắc gỗ được bảo tồn tại nơi đây :
- Bức cốn mê phía trên khám thờ trong hậu cung đình được làm theo kiểu giá chiêng, ở chỗ ván lá đề đã được thay bằng một tấm ván trơn, phía dưới đó, chỗ giá chiêng gác lên câu đầu có một tấm ván nong với 3 bức chạm gỗ với đề tài tứ linh sinh động. Bức bên phải chạm hình long mã, mình thon có vẩy, chân choãi, lông đuôi tạo thành xoáy âm dương đang ẩn hiện trên nền vân xoắn và đao mác. Bức chính giữa chạm hình sen rùa, rùa vàng đang bơi trong nước gợn sóng giữa đám lá và hoa sen đang nụ và mãn khai, phía trên điểm xuyết các cụm vân xoắn. Rùa là con vật sống lâu nên thường dùng để biểu thị lời chúc trường thọ. Bức bên trái chạm hình lân đang vờn múa uyển chuyển trên nền mây xoắn thành những cụm lớn. Theo tín niệm cổ, Lân xuất hiện là điềm báo có thánh nhân xuất hiện, cuộc sống được thái bình.
- Ở đầu tất cả các con rường nơi đỡ các hoành mái đều có chạm khắc hình vân xoắn, lá cúc cách điệu, đường nét chắc khỏe kéo qua cả các đấu vuông thót đáy tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho phần tiếp xúc giữa kết cấu khung gỗ và bộ mái. Từ xa nhìn vào chúng ta hình dung đây là các đầu rồng cách điệu, thân chui từ thân cột cái vươn mình ra đỡ lấy hoành mái.
-Trên thân các bẩy hiên ở đình Phương Viên đều được chạm khắc cho dù đề tài trang trí còn đơn giản. Hai bẩy hiên gian giữa được trang trí cầu kì nhất với mặt bẩy phía ngoài là vân mây, hoa lá cách điệu tạo thành hình sóng nước, mặt bẩy phía trong là đề tài “long vân khánh hội” với thân rồng có bờm lửa, chân có 5 móng ẩn hiện trong mây (mô-tuýp rồng đặc trưng thời Nguyễn). Các bẩy còn lại trang trí đơn giản với hoa văn “hồi văn”, ở đầu các bẩy được chạm “chữ Thọ” cách điệu.
Kiệu bát cống trong đình
- Bộ kiệu bát cống (cuối Thế kỷ XVIII), dài 440cm, rộng 280cm, cao 150cm, bành kiệu có kích thước: 130cm x 100cm x 80cm. Toàn bộ phần thân và đòn kiệu đều được trang trí bằng nhiều loại hình nghệ thuật chạm như: chạm lộng và chạm thủng, chạm nông tài tình của các nghệ nhân dân gian. Tám đòn kiệu được chạm các hình đầu rồng với mũi hếch, mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm tóc dài bay vút ra sau, có những con rồng nhỏ mình uốn yên ngựa theo đòn kiệu. Bành kiệu kiểu ngai, phía sau chạm nổi hình “tứ linh chầu hổ phù” với long, ly, quy, phượng cùng chầu về hổ phù ngậm chữ Thọ, hổ phù miệng há mắt lồi, trán có vảy, tay dang rộng sang 2 bên, trông dữ tợn, chim phượng xòe cánh, đầu ngoảnh lại, chân chống thẳng, 4 móng bám vào đường gờ…. Nghệ thuật trang trí trên kiệu mang phong cách chạm khắc cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn với các đề tài đề cao tư tưởng của nhà nước Phong Kiến - Nho giáo như rồng, phượng, tứ linh, chữ Thọ…. Kiệu được sơn son thếp vàng rất đẹp.
Bên cạnh chức năng là cơ sở thờ tự đình Phương Viên còn lưu giữ một số lượng khá lớn các cổ - di vật có giá trị (chủ yếu là đồ thờ với nhiều chất liệu, hoành phi câu đối, sắc phong). Cùng với đó là không gian chứa đựng các giá trị văn hóa phi vật thể rất đặc sắc. Ngày nay miếu còn là nơi sinh hoạt văn hóa của người cao tuổi của địa phương. Thông qua các hình thức này góp phần nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tình yêu quê hương - đất nước của lớp lớp thế hệ người dân Thổ Tang.
Miếu Trúc Lâm
Miếu Trúc Lâm được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), đến thời Nguyễn trùng tu lớn và về sau có nhiều lần tu sửa lớn nhỏ khác. Theo lời kể của các cụ cao niên của địa phương thì trước đây ở làng có 2 ngôi miếu, miếu Trúc là thờ Lân Hổ Đô Thống đại vương chỉ có một toà nằm dọc (nay là phần hậu cung) và miếu thờ đức thánh Mẫu cách miếu Trúc Lâm khoảng 300m . Về sau đưa ngai thờ của thánh Mẫu về miếu Trúc Lâm và cũng di chuyển luôn ngôi miếu này về làm tiền tế như hiện nay. Điều này phù hợp với bình đồ kiến trúc và đặc điểm kiến trúc của miếu Trúc Lâm hiện nay bởi hầu hết kiến trúc miếu thời Hậu Lê đều không tách biệt giữa các đơn nguyên “tiền tế” và “hậu cung” mà chỉ có một toà nhà dọc khá đơn giản có khám thờ (gác lửng) bít bức bàn, “đảm nhiệm” luôn chức năng của thượng cung.
Miếu Trúc Lâm tọa lạc trên một khu đất có diện tích 2.497m2, có nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Riêng các đơn nguyên kiến trúc lại được xây dựng ở vị trí cao hơn nền đất xung quanh khoảng gần 2m, khiến chúng ta liên tưởng đến hình tượng miếu được đội trên lưng một con rùa. Đi qua bậc tam cấp và bậc hèm bó vỉa bằng đá xanh của cổng chính là vào đến tòa tiền tế của miếu Trúc Lâm. Tòa tiền tế được đặt trên mặt nền lát gạch bát có kích thước 8,9m x 6m, gồm có 3 gian, gian chính giữa bày án gian và các đồ thờ khác. Hai gian cạnh đặt giá để đồ lễ và ngựa thờ. Xung quanh không xây tường bao. Mái lợp ngói mũi, trên đường bờ nóc có đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”, đầu kìm là 2 đầu rồng hướng ra phía ngoài kết hợp với bờ nóc tạo thành kiểu đòn kiệu. Tàu mái của miếu lại được nằm trên của thân 16 bẩy và 4 kẻ góc, các bẩy này được ăn vào phần trên của các cột quân [hiên], đuôi bẩy (nghé bẩy) tì vào các xà nách. Phía trên xà nách là các kẻ kiểu “cổ ngỗng” với thân mình uốn cong mềm mại, một đầu đỡ ván nong, một đầu ăn vào thân cột cái, phần nghé kẻ tì vào phía dưới câu đầu.
Hậu cung miếu Trúc Lâm được xây dựng cách tiền tế bởi một khoảng sân trời rộng 2m, bề rộng là 6,1m, chiều sâu của hậu cung là 7,8m chia thành 3 gian. Đây chính là phần kiến trúc nguyên gốc của miếu Trúc Lâm, với một đơn nguyên kiến trúc nằm dọc theo kiểu “ nhất gian nhị hạ” với một gian chính giữa đảm nhiệm là “trục thần đạo” và là nơi diễn hành các nghi thức, nghi lễ. Phần mái ở hai bên được kéo dài xuống tạo thành một dạng hành lang ở hai bên tả hữu, hai bên bít gỗ kín đáo, mặt đốc có tường bao bằng gạch. Phía trước cửa vào có 2 bức cánh gà hai bên đắp nổi phù điêu hình rồng bay, phượng múa được tô màu sặc sỡ với 3 màu chủ đạo là xanh, vàng, trắng. Sở dĩ ở miếu Trúc Lâm thường xuất hiện đề tài trang trí rồng (dương - tính nam), kết hợp với phượng (âm - tính nữ) một phần cũng là vì nơi đây thờ đức thánh Cả và đức thánh Mẫu.
Muốn vào bên trong miếu, ta phải bước qua bậc hèm cao 40cm được tạo bởi xà ngưỡng nhằm ngăn cách giữa thế giới thần linh và thế giới trần tục, khi bước qua xà ngưỡng này chúng ta như bước vào một không gian huyền bí, linh thiêng. Hệ thống cửa miếu được chia làm 3 phần, cửa chính gian giữa là cửa bức bàn 4 cánh kiểu “cánh lật, chốt góc”, chỉ mở vào những ngày đại lễ, 2 gian bên chỉ có 2 cánh nhỏ. Bước qua cửa là gian ngoài đặt hương án, đồ thờ. Gian giữa với chức năng gần giống như “ống muống” trong bình đồ kiến trúc hình “chữ Công - 工”, ở gian này có giật cấp sàn gỗ cao 0,5m để trống theo kiểu “sân chầu”. Gian trong cùng có khám thờ gác lửng, cao hơn mặt nền 1,5m tạo thành thượng cung, đây là nơi đặt long ngai, bài vị của các Thánh. Khám thờ được bưng kín bằng gỗ, phía mặt trước là cửa bức bàn 4 cánh.
Miếu Trúc Lâm ngày hội
Giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ được thể hiện trong miếu Trúc Lâm thông qua:
- Bức chạm trên cốn đốc phía trước hậu cung với nghệ thuật “chạm kênh bong”. Toàn bộ bức chạm được thể hiện trên các thân gỗ nguyên khối, được đục chạm tinh xảo phần ngoài tạo trang trí với đề tài “rồng ổ” [cửu long]. Chính giữa bức chạm là hình đầu rồng, bộ mặt hiền lành với 2 tai thú to, vểnh, mắt tròn lồi, mũi to nở, miệng rộng nhe hai hàm với các răng đều nhau, bờm tóc tỏa ra 2 bên tạo thành các đao mác, vân mây cách điệu, chân có 3 móng nhọn sắc. Xung quanh rồng lớn có 8 hình rồng thân rắn trơn, nhỏ, đầu nhô lên, mình ẩn trong các đao mác. Đề tài, phong cách trang trí này xuất hiện khá nhiều trong trang trí ở các kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII).
- Chạm trên các đầu dư ở hậu cung: Các đầu dư vốn không mang nhiều chức năng chịu lực mà chỉ mang tính chất trang trí là chủ yếu. Nghệ thuật chạm khắc ở các đầu dư là nghệ thuật “chạm lộng”, đầu rồng được chạm nhiều mặt trên thân gỗ tròn ở phần nhô ra của các con rường phía dưới câu đầu. Không giống như trang trí rồng ở cốn, các đầu dư được thể hiện là những đầu rồng dữ tợn như để kiểm soát mọi người khi đã bước vào “cung cấm”. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của trang trí kiến trúc thời Hậu Lê.
- Chạm khắc trên các thân bẩy ở tiền tế: hầu hết các bẩy tại tiền tế đều có một mô - tuýp trang trí khá giống nhau với đề tài “long tàng cúc diệp” tức là rồng ẩn trong lá cúc hay “cúc diệp hóa long” là lá cúc hóa rồng.
Bên cạnh đó, các cốn nách trong hậu cung đều được chạm khắc trang trí thành các thân rồng lượn sóng cách điệu đỡ lấy mái, các dép hoành đều chạm “chữ Thọ” như làm nhẹ đi sức nặng của mái. Các nghé bẩy bên ngoài tiền tế cũng được chạm khắc thể hiện thành phần đuôi của con rồng, còn đầu và mình chính là các thân bẩy.
Đình Phương Viên, miếu Trúc Lâm cùng với đình Thổ Tang, chùa Tùng Vân tạo thành quần thể di tích lịch sử văn hoá - kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và của cả nước nói chung. Mặt khác quần thể di tích này lại nằm trong một địa phương có bề dày truyền thống và năng động trong phát triển kinh tế. Tin tưởng rằng thị trấn Thổ Tang cũng như huyện Vĩnh Tường sẽ là một địa chỉ hấp dẫn về văn hoá - lịch sử từ đó phát triển du lịch, dịch vụ thu hút du khách thập phương về nơi đây.
Sưu tầm