Xưa kia cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm là đến mùa nước lớn, nước sông Cánh dâng cao sát luỹ tre làng. Khắp một vùng từ Bến Ươm,Cầu Sổ, Cầu Treo, Đồng Mong, Đồng Máy là một bể nước mênh mông, cũng là lúc người Hương Canh cày cấy vụ chiêm đã xong xuôi. Dân ba làng nghỉ cày bừa, chợ búa để tổ chức hội bơi chải.
Trong bài vè làng Cánh, cụ giáo Phan kể lại:
“Ba hôm gắng sức đua tài
Khi thi giải dật, khi bơi giải đào.
Thuyền con đây đó dập dìu
Quanh gò Miếu lại cầu Treo những người”
Bơi chải- Chạm khắc đình Hương Canh
Bơi chải- Chạm khắc đình Tiên Canh
Theo lệ xưa vào mùa nước lớn khắp Bến Ươm, Cầu Chợ, Cầu Sổ, Đồng Mong, Đồng Máy, Cầu Treo, cả một dải sông Cánh uốn lượn quanh làng, nước dâng lên mênh mông, là lúc người Kẻ Cánh nghỉ cày bừa chợ búa để tổ chức lễ hội thi bơi chải.
Ba làng Kẻ Cánh gồm Ngọc Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh gộp lại. Về mùa nước, quần thể ba làng nổi lên như một hòn đảo, tre bọc kín mít. Mỗi địa phận tha gia lễ hội phải chuẩn bị hai chiếc chải. Họ luyện tập từ hơn một tháng trước ở Cầu Treo.
Toàn bộ cánh đồng khu vực Cầu Treo mênh mông nước, nối liền với Tân Phong, Thanh Lãng bây giờ, thủa ấy thông suốt tới cống Lồ, hội lưu với sông Nguyệt Đức chảy về xuôi.
Lúc đó Cầu Treo được cấu tạo theo kiểu “thượng gia, hạ trì” có mái lợp ngói vẩy rồng, lồi đi giữa ngựa xe qua lại được. Hai bên cầu đóng bệ cao, dựa vào lan can. Khi mở hội cầu Treo biến thành khán đài, nơi chấm giải của ban giám khảo. Lúc hết hội, cầu ại là nơi đi lại nối liền hai bờ, vừa lại được sử dụng làm quán bán hàng chủ yếu là hàng xén, với những vật phẩm lạ mắt, xinh xinh rẻ tiền.
Một số thái lão cho rằng ngày xưa vua thưởng công cho cả làng có công. Hương trưởng được phép rắc trấu xuống sông, trấu trôi đến đâu, dân được nhận ruộng đến đấy.Người ta dùng chải bơi đuổi trấu theo, cũng là một mẹo để lùa trấu trôi nhanh mà cắm mốc định ranh cho rộng ra. Một số túc nho lại cho rằng ba làng Cánh có thuỷ lưu bao bọc, mùa mưa lũ hay gây ngật lụt, giặc cỏ thừa cơ quấy nhiễu, cướp bóc. Nếu dân không thạo nghề sông nước thì khó lòng trụ nổi với thiên tại, đich hoạ.
Chải là một loại thuyền đóng bằng gỗ Nhừ hoặc chò chỉ, hình thoi, phần giữa thân rộng 1.5m. Dọc theo lòng chải nối từ mũi đến lái là một xà gỗ hình hộp, mỗi mặt dầy 25cm như xương sống cá chia làm 16 khoang. dầm gắn chặt vào hai bên mạn chải, hệ thống xà và dầm này đều làm bằng gỗ sa mu cho nên chải rất kiên cố, chịu được va chạm mạnh.
Mũi chải làm bằng gỗ mít hoặc gỗ thừng mực, thớ mịn và xoắn, khó nứt vỡ. Làng Tiên Canh làm chải đầu rồng, mũi vút lên lướt rất nhẹ. Ngọc Canh làm chải đầu phượng, mỏ nhọn và sắc. Hương Canh làm chải đầu kỳ lân rất oai phong.
Chải có 32 thuỷ thủ, chia làm 16 cặp, ngồi ở 16 khoang, cần giầm bơi đều tăm tắp. Tất cả đều cởi trần đóng khố chít khăn trên đầu.
.Nghe trống chiêng khua, rồi pháo lệnh nổ, các chải lao vút ra giữa dòng sông Cánh. Giầm bơi khua rào rào, bọt nước tung toé. Mỗi làng có hai chải thi đấu. Các chỉ huy giỏi dùng chải thứ nhất cắt đường bơi của đối phương, ép chặt không cho đi thoát để mở lối cho chải thứ hai của bên mình có đường bơi ngắn nhất không gặp vật cản phăng phăng về đích, giật lấy giải thắng cuộc do ban giám khảo là các cụ Trùm nước từ cầu Treo thả xuống.
Nói về lễ hội này người Hương Canh xưa để lại câu ca dao
“ Có cầu Treo hình như bán nguyệt
Ở trên cầu trai gái vui chơi
Ở dưới sông hơn mười chải bơi
Quan Chánh khảo ra tay cờ phất
Lúc đang thi ai biết nhì nhất”
Ngày hết hội chải được khiêng về kê trên mễ cao đặt ở gian chái đình, làng Ngọc thì cất ở chùa Ngọc Sơn, đến mùa thì sơn thếp lại cho mới để chuẩn bị vào hội. Đến đầu thế kỷ XX thì làng bỏ lễ hội này. Không biết rõ vì sau làng bỏ lễ hội bơi chải. Theo cụ Nguyễn Khắc Miễn có kể:
“Mỗi làng còn có 2 cái chải, mỗi cái dài độ 10 mét, trai tráng thi bơi rất vui . Có một năm hội Tây, bọn quan lại bắt dân ta phải lên phục vụ chúng tại Đầm Vạc, rất tốn kém và vất vả .thế là các cụ về bỏ chải nát không sửa chữa nữa. Lứa tuổi tôi (sinh năm 1919) chỉ biết cái chải chứ không được xem bơi.”
Có người lại cho rằng, từ những năm 1920 , hệ thống thuỷ lợi người Pháp làm đã làm cho lượng nước dồn về sông Cánh không còn nhiều như xưa. Lễ hội bị bỏ nhưng chải vẫn được giữ lại để ghi nhớ về phong tục này.
Mãi những năm sau này chải mới bị mất. Chải làng Hương bị giặc Pháp phá mất năm tạm chiếm, chải làng Tiên thì bị đốt cùng với hạc thờ thời hợp tác Chải làng Ngọc bị mất thời đình làm sân kho. Vì thế ngày nay không ai còn biết chải ba làng hình dáng như thế nào. Hình ảnh duy nhất có ấn tượng ngày nay là ở đình Hương Canh và đình Tiên Hường đều có các bức chạm miêu tả cảnh bơi chải ở Hương Canh rất tinh xảo
Bơi chải- Đình Hương Canh
ST