Cập nhật: 22/09/2016 09:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thanh Lãng xưa nổi tiếng với danh tướng Nguyễn Duy Thì và nhiều tao nhân, mặc khách, với trình độ thâm canh sản xuất nông nghiệp và với 3 làng nghề mộc truyền thống không ai không biết đến.

Thị trấn Thanh Lãng nằm phía Nam huyện Bình Xuyên, cách trung tâm huyện 6km, với diện tích tự nhiên 948,21ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 771,91ha, chiếm 81,4%, có 2.784 hộ gia đình với 13.200 nhân khẩu. Thị trấn có đường tỉnh lộ 303 chạy qua nối liền 2 huyện Bình Xuyên và Yên Lạc, có đường liên xã Thanh Lãng – Phú Xuân – Đạo Đức đi quốc lộ 2, thuận tiện giao thông, giao lưu hàng hóa của nhân dân. Thanh Lãng xưa nổi tiếng với danh tướng Nguyễn Duy Thì và nhiều tao nhân, mặc khách, với trình độ thâm canh sản xuất nông nghiệp và với 3 làng nghề mộc truyền thống không ai không biết đến.

Nghề mộc truyền thống

Nghề mộc truyền thống Thanh Lãng có từ vài trăm năm nay. Theo các bậc cao niên kể lại: Thanh Lãng xưa gọi là 3 làng Láng: làng Yên Lan, làng Hợp Lễ và làng Xuân Lãng. Thợ Láng Thanh Lãng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với nghề mộc truyền thống được tồn tại và phát triển theo phương thức cha truyền con nối. Với phương châm vừa làm nghề, vừa dậy nghề cho con cháu có tay nghề vững trong sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống, nghề mộc truyền thống đã đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Từ xưa, những sản phẩm đặc trưng của làng nghề chủ yếu là: Lâm đình, chùa, kiệu, án gian, long đình, thiều châu Trưng Nhĩ, đại tự, cuốn thư, câu đối, sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ, gia công nội thất. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thợ Láng có những nét đặc trưng riêng theo kiểu truyền thống, sản phẩm chứa đựng đầy đủ  tâm tư, tình cảm của người thợ, tạo ra những đường nét có hồn, cũng có thể coi đó chính là cái Tâm của người thợ Láng. Đặc biệt chú trọng về sản phẩm, kỹ mỹ thuật, vì thế bàn tay vàng của người thợ luôn được tôn vinh và phát triển. Cũng chính vì vậy, khi nói đến thợ Láng, người ta thường nghĩ ngay đến thợ Láng Thanh Lãng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà lao động của làng mộc này đã rải khắp nơi trong cả nước cùng những sản phẩm mang cái hồn của con người, vạn vật làng quê Thanh Lãng. Thị trường rộng mở từ Bắc vào Nam như: Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Gia Lai… Thậm chí một số sản phẩm đồ gỗ cao cấp đã có mặt ở nước bạn Lào, Campuchia đã mang về nguồn thu nhập cao cho người lao động và cũng tự nó khẳng định nét đặc trưng của Nghề mộc Thanh Lãng.

Khẳng định vai trò trong cuộc sống hiện đại

 

Thị trấn có 1.898 hộ làm nghề với 3.367 lao động. Tại địa phương có 478 hộ trực tiếp đầu tư mở xưởng sản xuất kinh doanh nghề mộc, thu hút 1.167 lao động. Số còn lại đi làm ăn trong và ngoài tỉnh cũng bằng nghề mộc truyền thống này. Giá trị sản phẩm kinh doanh từ nghề mộc truyền thống chiếm trên 50% tổng sản phẩm xã hội ở địa phương. Hiện tại, trên địa bàn thị trấn tập trung 9 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nghề mộc, trong đó có 4 doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả kinh tế cao như: Doanh nghiệp Trường Đức, Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Hải Vân, Công ty TNHH Á Đông và Công ty TNHH Quang Thanh. Nguồn nguyên liệu phục vụ làng nghề được khai thác phong phú, đa dạng, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Cạn và các tỉnh miền Trung, miền Nam, cũng có khi gỗ nhập từ Lào, Campuchia. Cũng với những sản phẩm gỗ truyền thống như: Lâm đình, chùa, kiệu, án gian, long đình, thiều châu Trưng Nhĩ… nhưng với bàn tay khéo léo và những nét chạm khắc tinh xảo của người thợ mộc, các sản phẩm đã mang nét hiện đại, gần gũi với cuộc sống hôm nay. Bên cạnh đó, mộc Thanh Lãng ngày nay còn nổi tiếng với những sản phẩm nội thất cao cấp: sập, tủ chè, giường, bàn ghế mỹ nghệ… Đến Trung tâm dạy nghề chạm khắc gỗ của Thị trấn do Trung tâm khuyến công tỉnh hỗ trợ mở lớp, chúng tôi thấy một không khí học tập và lao động khẩn trương. Lớp học có khoảng 20 học sinh chủ yếu là các em nhỏ, tuổi từ 9 đến 18 tuổi; ai cũng đang say sưa với những đường nét chạm khắc của mình. Theo thầy giáo trực tiếp giảng dạy ở đây, lớp học thường xuyên có khoảng 25 học sinh, nửa buổi đến trường còn nửa buổi các em dành thời gian cho nghề mộc. Khi hỏi về tay nghề của các em, thầy cho biết chỉ cần được trực tiếp giảng dạy và thực hành trong khoảng 6 tháng thì các em có thể chạm khắc được một số sản phẩm thông dụng nhất; còn với những sản phẩm cần kỹ nghệ cao thì phải cần thêm thời gian và kinh nghiệm. Tuy nhiên, nghề mộc cũng cần những người thợ có tố chất cẩn thận bởi đây là công việc thật công phu và tỉ mỉ. Thợ giỏi Nguyễn Ngọc Quế, thôn Hồng Bàng, làng Yên Lan cho biết, thu nhập của gia đình ông từ nghề mộc mỗi tháng khoảng 3 triệu đến 4 triệu đồng; đây là một nghề công phu nhưng do chưa mở rộng sản xuất được nên ông chỉ dừng lại ở việc vừa dạy vừa làm nghề cho khoảng 4 đến 5 lao động. Mong muốn lớn nhất của người thợ này là được chính quyền quan tâm cho vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình. Ông còn khẳng định: “Thợ giỏi mà thỉnh thoảng không có sản phẩm gì đóng góp cho xã hội thì buồn lắm! Tuy nhiên, nghề mộc cũng chọn người, nhà báo ạ! Phải có cái Tâm, biết hy sinh cho nghề thì mới đạt được những thành quả như mong muốn…”

Thợ giỏi Nguyễn Ngọc Quế, thôn Hồng Bàng, làng Yên Lan (TT Thanh Lãng)

Xác định rõ nghề mộc chiếm trên 50% tổng sản phẩm xã hội của địa phương, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Thanh Lãng đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch và xây dựng cụm làng nghề với diện tích 8,2ha khu vực Tại Gia. Dự kiến đến đầu năm 2008 cụm công nghiệp này sẽ hoàn thành hệ thống điện, đưa 300 hộ tập trung sản xuất kinh doanh, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và giải quyết việc làm ổn định cho đông đảo nhân dân địa phương.

 

ST

Tệp đính kèm