Địa chỉ : xã An Đạo - huyện Phù Ninh - tỉnh Phú Thọ.
Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT, ngày 19 tháng 01 năm 2001
Tóm lược thông tin về di tích
Theo bia ký trên cây Hương Đá của chùa còn lưu lại, Chùa được xây dựng vào tháng 2 năm Kỷ Sửu niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ V triều vua Lê Dụ Tông năm 1709. Với quan niệm “Chùa là Bùa làng” - là nơi lưu giữ duy trì văn hóa dân tộc, nếp sống đạo đức của cha ông ta, nơi vượng khí của Quốc gia tổng xã, vì vậy khi tìm đất xây dựng chùa các bậc tiền bối cao tăng thạc đức đã chọn nơi đất lành (đắc địa) để xây dựng chùa nhằm mang lại sự hưng vượng cho dân chúng trong vùng.
Thời kỳ đầu chùa được xây dựng theo phong cách mĩ thuật đời Lê, trải qua thời nhà Nguyễn chùa được tu sửa 6 lần, chùa hiện mang hình dáng chữ “công (I)” gồm tiền đường, gian nối (chuôi vồ) và hậu cung với ba cấp bậc nền khác nhau.
Cổng chùa Hoàng Long xưa kia được xây dựng theo kiểu tam quan, nay được sửa theo kiểu vòm cuốn (rộng 1m80 x 2m). Phía trên cửa vòm đắp nổi ba chữ hán “Giới Định Tuệ” bên trên cùng đắp “Hổ phù càm thọ”. Hai bên cổng viết câu đối ca ngợi cảnh chùa, gác chuông được xây theo kiểu hai tầng, 8 mái kiến trúc tứ trụ vững trãi. Hai cây Đại ở hai bên cổng chùa được trồng từ khi bắt đầu xây dựng chùa.
Ở giữa sân chùa dựng cây hương đá hình vuông cao 1m40, vuông cạnh 33cm; Khắc chữ hán bốn mặt ghi lại thời gian xây dựng chùa và ghi lại tên những người chủ công đức xây dựng chùa. Bốn cạnh thân cây hương được chạm khắc trang trí rất đẹp với các hoạ tiết: Tứ linh, Hoa sen, sóng nước, Cá chép...
Toà Bái Đường, Toà Thiên Hương, Toà Chính Điện được xây dựng với cấu trúc cầu kỳ, cổ kính, đồ sộ, chắc khỏe có tính thẩm mĩ cao của công trình kiến trúc cổ và có giá trị hơn cả là trong quần thể kiến trúc ấy, còn bảo lưu được hệ thống tượng phật, tượng thần có giá trị cao với 27 pho tượng, có những pho tượng rất đồ sộ; Tất cả các pho tượng đều được sắp đặt một cách tỷ mỷ, hệ thống công phu, mỗi pho tượng đều gắn với mỗi sự tích tượng trưng cho một sự sáng suốt, thấu triệt toàn năng của Phật và sự thuần khiết của chân lý. Tất cả các pho tượng đều được tạo tác đẹp, kỹ thuật chau chuốt, tỷ mỉ còn được giữ nguyên theo phong cách nghệ thuật thời Lê. Nghệ thuật tạc tượng vô cùng đặc biệt không giống các chùa khác trong tỉnh, mang đúng phong cách Phật giáo Đại thừa “ Phật Pháp bất ly thế gian” Thành tựu đó không chỉ có giá trị về lĩnh vực tôn giáo mà còn có giá trị nhân văn.
Hiện tại, Chùa Hoàng Long là một ngôi chùa cổ còn bảo lưu được truyền thống văn hóa - nghệ thuật - mỹ thuật - kiến trúc, đặc biệt là phong cách tạo tượng cổ còn giữ được hầu như nguyên vẹn. Chùa được xây dựng nơi đất địa linh nên vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay, so với các chùa cổ khác trong địa bàn huyện và tỉnh hầu như đã bị mai một theo năm tháng. Trải qua các thời kỳ lịch sử ngôi chùa được nhân dân và chính quyền địa phương giữ gìn như một di sản văn hoá quý báu, tâm linh của cha ông để lại.
Kiến trúc cổ kính của chùa được người xưa lựa chọn ở địa thế “Sơn thuỷ hữu tình” hoà trong khung cảnh trời đất bao la nên Chùa Hoàng Long còn là khu di tích văn hóa tâm linh - sinh thái, là trung tâm văn hoá làng xã thu hút được du khách thập phương, Chùa còn là nơi quy ngưỡng tâm linh, giáo dục đạo đức cho mọi lứa tuổi, sống tốt đời đẹp đạo hướng con người về tâm thiện từ bi phù hợp với định hướng giáo dục của Đảng và nhà nước, nêu cao tinh thần đoàn kết tương thân tương ái.
ST