Cập nhật: 25/09/2016 14:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tây Thiên là một mảnh trời Thiên quốc lạc xuống trần gian. Ở nơi ấy, mọi lời ngợi ca của thế gian chỉ để nói tới cái hình mà chưa nói được đủ về cái thể của trời đất người xưa để lại. Đó cũng là những vẻ đẹp tâm linh đầy chất thánh thiện mà nay hội lại ở các công trình kiến trúc đã đời nối đời đắp xây cho khu vực này...

Khách thập phương vãn cảnh Tây Thiên. Ảnh Khánh Linh

Chẳng thế mà trong Bài kí bia chùa Tây Thiên, lập năm Long Đức thứ 2 nhà Lê (1733), có đoạn ghi (dịch nghĩa): “Trải xem cổ tích danh lam, chỉ có Tây Thiên là nơi cảnh đẹp. Trăng thiền thửng thửng nghìn dặm chiếu, như xưa cung của đất trời, lòng kia rộn rã bốn mùa vui, gấp gáp chốn quần Tiên ngày tháng. Thu nhặt một bầu thế giới, hồn không bám bụi trần ai, cảnh thanh u, vật cũng thanh u, rộng rãi đường thông hồn đạo. Lòng sâu kín, đạo càng sâu kín, dứt xa thói tục trần gian, xem khắp vườn Tiên ghi dấu. Chỉ thấy rừng ở Tây Thiên là nơi bậc nhất. Rõ ràng là nơi thiêng liêng khác lạ. Quốc đảo, dân cầu, đều cùng ở nơi đó".

Di tích lịch sử đan xen...

Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 (dài 11km, rộng 1km) với cảnh quan hết sức nên thơ, hùng vĩ. Trên nền cảnh ấy, cách đây ngót nghìn năm, nhiều di tích gắn với những vấn đề của lịch sử, tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc đã được cha ông ta dựng nên, như: chùa Chân Tiên, chùa Thiên Ân, chùa Phù Nghì, chùa Đồng Cổ, chùa Tây Thiên, đền Tây Thiên, đền Thõng, am Lưỡng Phong, am Song Tuyền, thang Bộ Vân… Tất cả những di tích này đan xen nhau trên mảnh đất thiêng ở lưng chừng núi Thạch Bàn. Từ miền thánh địa, một dòng sinh lực vũ trụ lấy khí thiêng ở tầng cao, theo khe núi mà tràn xuống trần gian, tạo thành dòng Giải Oan, rồi trên đường đi kết hợp với Thác Bạc, Thác Vàng và nhiều dòng bên lề để kết thành suối Trường Sinh chảy qua cửa đền Cậu và đền chùa Thõng, rồi đem sinh khí làm nên các vụ mùa bội thu cho cánh đồng Thõng và vùng đất chân núi. Ngược lại, con đường hành hương của các tín đồ cũng men theo bờ suối mà lên, với tâm thanh lòng tịnh, chân đi không mỏi, trên con đường mòn tâm tưởng từ đời vào đạo, từ trần gian về miền cực lạc. Mỗi chỗ dừng là một kiến trúc gắn với một niềm tin tâm linh vô bờ bến... Chính vì vậy, Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên được Nhà nước công nhận di tích cấp Quốc gia từ năm 1991; di tích Quốc gia đặc biệt năm 2016.

Đền Thõng là một kiến trúc (mang tính) khởi đầu cho cả hệ thống di tích Tây Thiên. Đền nằm ở chân núi, trên một nền cao rộng, được dựng theo phong cách cổ truyền. Chính điện của đền Thõng nằm tại cuối sân, cân xứng ở hai bên gian thờ là hai cây đại cổ thụ, mà mỗi khi tới mùa đông, chúng không còn một chiếc lá và chúng như mang một vẻ đẹp tâm linh cao thượng.

Ngôi điện chính có kết cấu mặt bằng hình chữ Đinh, gồm tiền bái, với ba gian hai chái lớn, phần “chuôi vồ”, nơi đặt bàn thờ của Thánh Mẫu có ba gian dọc. Tuy mới được tu bổ lớn vào năm 1993, nhưng điện thờ vẫn gần như giữ nguyên được kiểu dáng của tổ tiên để lại, nhất là ở mặt tinh thần của kiến trúc.. Hiện nay, thần thủ điện là Tây Thiên Quốc Mẫu, vì thế, khó có thể gọi đây là đền Trình, mà thực chất là đền Hạ, nơi Quốc Mẫu xuống đời để cứu vớt chúng sinh.

Vượt qua đền Thõng, con đường đá xếp gập ghềnh men theo bờ suối, đưa tâm hồn kẻ hành hương bước dần ra ngoài không gian nhân tạo để nhập vào không gian tự nhiên bao la. Chân bước đi mà lòng hướng tới bản thể của đất trời, khoảng hơn 1,5km tới đền Cậu. Ở Tây Thiên, đền Cô/Cậu ở khá xa đền Quốc Mẫu, với chức năng gắn với rừng và với dòng suối. Đền thờ Cậu như góp phần đảm bảo cho suối Trường Sinh thêm thiêng liêng. Từ xưa tới nay, truyền lại, đền Cậu và Cô còn là nơi để người hiếm sinh tới cầu tự. Với lòng thành kính, nhiều người đã được Thánh Cậu chứng giám và ban phúc. Đền Cô, cách đền Cậu khoảng 2km, gần suối Bạc, Cô đứng đó bên dòng Giải Oan (phần trên suối Trường Sinh), để chúng sinh rũ bỏ bụi trần mà nhẹ tâm tiếp bước lên miền thánh thiện. Từ đền Cô, đường đi chia đôi ngả - Con đường hành hương thường ngày dẫn về nơi Thánh Mẫu và Tây Thiên cổ tự. Con đường thứ hai, kẻ hành hương phải kiên tâm kiến tính mới có thể vượt qua những trắc trở để tới chùa Địa Ngục, chùa Đồng và cả chùa Phù Nghì.

Khu vực đền Thượng là khu vực tâm linh chung của cả tín ngưỡng dân gian và tôn giáo, mà trung tâm là điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Nơi này không nằm ở đỉnh núi cao mà ở địa điểm hội tụ được khí thiêng của trời đất. Điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên không có hậu cung đóng kín, không có cửa thờ. Trên chính điện chỉ một pho tượng Bà ngồi ở trung tâm, với “trướng phủ màn che” tạo sự thâm nghiêm. Tượng Bà mang dáng vẻ uy nghi, sang trọng, ngồi trên bệ, hai chân buông thẳng, hai tay tì trên gối, với tay phải cầm quạt gấp, mang nét quyền quý thuở xưa. Một đặc điểm đáng chú ý là, pho tượng này không có cách ngồi chân khoanh chân chống như các pho tượng Mẫu thông thường ở điện thờ của tín ngưỡng Tứ Phủ - Tam Toà. Phải chăng, do được đồng nhất với “Sơn Trụ Đại Vương” nên cách ngồi của Bà đã buông cả hai chân như tượng Ngọc Hoàng và tượng nam giới được phong tước Vương (?). Tại toà tiền bái, hiện nay chỉ đặt ban thờ của hai thị giả là “Cô và Cậu của rừng núi (đều khoác áo xanh lá cây). Trong đền còn nhiều hoành phi như: “Sơn nhạc chung linh” (núi rừng hun đúc nên thánh/thần); “Quốc Mẫu linh từ” (đền thiêng thờ Quốc Mẫu), “Mẫu nghi thiên cổ” (khuôn phép do Mẫu tạo lập ra còn mãi mãi)…

Chùa Tây Thiên cổ đã được thay bằng một chùa mới, nằm lệch sang trái của vị trí cũ. Hiện nay, dấu xưa chỉ còn lại một ngôi tam quan cổ, khá đẹp, nay còn bức hoành phi ghi tên chùa là “Tây Thiên thiền tự”. Kết cấu tam quan theo dạng tam sơn, với sự kết hợp cả yếu tố Phật và Nho.

Từ chùa, con đường quanh co lượn theo sườn núi đưa khách hành hương tới thăm đền thần núi Tam Đảo. Hiện nay, đền thần vẫn khá nhỏ, được kết cấu theo kiểu một gian hai chái, nền cao gần như vuông, hai tầng tám mái, không chuôi vồ. Đền đứng trong một không gian thông thoáng, nhìn bao quát cả núi rừng, cùng hướng với đền Quốc Mẫu…Đây cũng là một điểm dừng chân lý tưởng của khách hành hương, nơi người ta có thể đứng trong không gian nhân tạo mà tâm hồn vẫn có thể hoà nhập được với không gian thiên tạo, để tâm hồn lãng đãng theo những đám mây hững hờ như tạo cho muôn vàn đỉnh núi hoá thân thành các bồng đảo - nơi ngự của thần tiên. Từ đây tâm đạo được nẩy nở để kẻ hành hương đi ngược dòng “Thanh nguyên” mà nhập vào cõi thường hằng, với đích là chùa Địa Ngục và chùa Đồng....

Tây Thiên- cái nôi của Phật giáo Việt Nam

Như chúng ta đã biết, kinh đô là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế, quân sự của một quốc gia; thường là nơi có mật độ dân cư đông nhất, là nơi giao lưu văn hoá kinh tế với nước ngoài. Do đó, các nhà truyền giáo muốn đạt được mục đích hoằng pháp, thì tất yếu phải đến kinh đô quốc gia để tìm hiểu phong tục, tập quán, căn cơ của nhân dân, từ đó tìm người hữu duyên để gieo duyên, giáo hoá và ngược lại, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của nhân dân tìm nơi tu hành và hành đạo.

Tuy nhiên, với những bậc chân tu theo đạo Phật thường tìm chốn “sơn lâm cùng cốc” để tĩnh tu, để buông xả thân tâm, sống đời “thiểu dục tri túc” và giải thoát… Trong vùng Bắc Bộ, chỉ có vùng Tam Đảo núi non liên hoàn hùng vĩ, cảnh trí u nhã, có suối chảy nước trong, thác ghềnh, non cao, rừng rậm, thâm u tịch tĩnh, thích hợp cho người tu Thiền. Hơn nữa, vào thời Hùng Vương, Tam Đảo ở gần kinh đô nước Văn Lang, nên có thể nơi đây được đoàn hoằng pháp của hai ngài Sona và Uttara lựa chọn để hoằng dương Phật pháp. Đầu tiên các ngài cất am Thiền, thỉnh thoảng đến kinh đô khất thực hoá duyên. Khi số lượng Phật tử đã đông đảo, các ngài xây thành Nê Lê (cũng có nghĩa tương đương với chùa Địa Ngục) và dựng tháp A Dục.

Tiếp nối Sona và Uttara là những đệ tử của các ngài mở mang Phật pháp, từ đó chùa chiền ở Tây Thiên phát triển, dần dần lan toả đi các nơi. Điều này trùng hợp với sử liệu cổ đã ghi vào thời Hùng Vương ở Tây Thiên có 3 ngôi chùa: Hoa Long Thiền Tự, Thiên Quang Thiền Tự, Thiên ân Thiền Tự.

Khi An Dương Vương dời kinh đô về thành Cổ Loa, Phật giáo đã theo tín đồ và nhân dân phát triển xuống vùng đồng bằng Bắc Bộ, trung tâm Luy Lâu được hình thành và phát triển. Đến thế kỷ thứ II, Khương Tăng Hội từ Tây Thiên đến đó thuyết giảng Phật pháp, trước khi ngài sang Trung Hoa giảng đạo và lập chùa Kiến Sơ. Từ đó, Luy Lâu trở thành trung tâm lớn mạnh của Phật giáo.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, thuật ngữ “Tây Thiên” phát xuất từ ý nghĩa “nơi các nhà sư Tây Thiên (sư Ấn Độ) tu hành”. Vì theo trong kinh sách, thuật ngữ “Tây Thiên” để chỉ nước Ấn Độ, cũng như thuật ngữ “Đông Độ” để chỉ nước Trung Hoa...

Từ các sử liệu đã dẫn ở trên, cho phép chúng ta đưa ra nhận định: Đạo Phật truyền bá vào đất nước ta từ thời Hùng Vương. Đoàn hoằng pháp đầu tiên ở nước ta là hai ngài Sona và Uttara do vua A Dục và Đại lão Hoà thượng Moggaliputta Tissa phái đi. Tây Thiên là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Khơi mạch nguồn lễ hội Tây Thiên

Trước nhu cầu phát triển văn hoá tâm linh trong thời kì đổi mới và hội nhập, tỉnh chủ trương khơi dậy mạch nguồn lễ hội Tây Thiên vừa mang sắc thái truyền thống, vừa đáp ứng ước vọng tâm linh trước những thay đổi mới, hiện đại, phát triển mà vẫn giữ đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Bởi vậy, từ năm 2008, kế hoạch tổ chức lễ hội Tây Thiên đã được UBND huyện Tam Đảo đề xuất và được các cơ quan ban ngành chủ quản của tỉnh tham gia góp ý, chỉnh lí; một chương trình lễ hội Tây Thiên mới được sắp xếp phù hợp.

Lễ hội Tây Thiên được thể hiện qua Lễ tế - Lễ rước - Lễ dâng hương vào ngày 15/2 Âm lịch để mọi người đến với Tây Thiên lễ Phật, lễ Mẫu không những cảm nhận được công đức của Quốc Mẫu đối với quê hương đất nước, trong tâm thức bao dung, thánh thiện được hành hương về với Mẹ - Quốc Mẫu được thể hiện qua giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn với ý nghĩa trở về cội nguồn nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam.

Lễ hội Tây Thiên tổ chức từ ngày 13 đến 17/2 âm lịch (hội chính), bao gồm: trò chơi, trò diễn, diễn xướng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước, gắn với tín ngưỡng phồn thực và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Việt và dân tộc thiểu số Sán Dìu định cư ở chân núi Tam Đảo. Các trò diễn trong lễ hội được nhân dân phục dựng lại theo sự tích trong Ngọc phả 18 đời Hùng Vương và các truyền thuyết, truyện kể dân gian ở các làng xã vùng chân núi Tam Đảo. Điển hình như hú đáo; Cướp cây bông; Nấu cơm thi; Vật cổ truyền...

Tây Thiên không chỉ là một vùng sinh thái thắng cảnh thiên nhiên trời phú, mà nơi đây còn là một điểm sáng mang tính khởi đầu của sự dung hội giữa Phật giáo có yếu tố nguyên sơ đầy chất trí tuệ với tín ngưỡng dân gian thông qua vị anh hùng văn hoá (từ thời tiền, sơ sử) là Thánh/Quốc Mẫu Lăng (Thị) Tiêu, cùng sự đắp bồi của lịch sử và một số dòng tín ngưỡng khác thuộc quá trình phát triển của xã hội… mà dệt thành một trong những bản trường ca “giao hưởng” đa sắc màu khá điển hình của di sản văn hoá Việt Nam.

Để bảo vệ và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch chung với các nội dung chủ yếu đó là: Giữ nguyên các công trình di tích, cụm công trình di tích, bảo tồn tôn tạo phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, kết hợp với các giá trị cảnh quan thiên nhiên để tạo các liên kết mềm, tạo hệ thống không gian mở chính kết nối đồng thời làm rõ không gian các khu chức năng trong Khu di tích danh thắng. Tạo các điểm nhìn, hướng nhìn khai thác được tối đa giá trị cảnh quan của hệ thống không gian mở, của khung cảnh quan thiên nhiên. Khai thác có giá trị cảnh quan thiên nhiên (rừng, núi, sông, suối, hồ…) kết hợp với hệ hống cây xanh - mặt nước nhân để tạo khung liên kết mềm, tạo hệ thống không gian mở chính kết nối đồng thời làm rõ không gian các khu chức năng trong Khu di tích. Tạo các điểm nhìn, hướng nhìn khai thác được tối đa giá trị cảnh quan của hệ thống không gian mở, của khung cảnh quan thiên nhiên. Các khu chức năng chính của Khu di tích (khu trung tâm lễ hội Tây Thiên, cụm di tích đền Thượng, các khu du lịch sinh thái, khu đô thị…) được quy hoạch với hình thái kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại, tối ưu hoá công năng sử dụng, tiết kiệm năng lượng và chi phí sử dụng, tạo dựng các không gian trung tâm đặc trưng, điểm nhấn không gian chính cho mỗi khu chức năng, kết nối hợp lý với hệ thống không gian mở chính, tạo dựng không gian liên hoàn, sinh động và phong phú. Các khu dịch vụ du lịch được quy hoạch với hình thái đô thị du lịch sinh thái, không gian thay đổi linh hoạt, mềm mại.

ST

Tệp đính kèm