Đầm Ao Châu
Đầm Ao Châu mênh mông phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ soi bóng trời mây, điểm tô những hòn đảo nhấp nhô phủ xanh cây cối, quanh đầm là núi đồi lượn sóng, các rừng cọ, đồi chè trải rộng bạt ngàn... tạo nên cảnh quan non nước hữu tình, thơ mộng.
Đặc điểm Đầm Ao Châu
Đầm Ao Châu có diện tích mặt nước khoảng 300ha, lòng đầm có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ được bao phủ bởi thảm thực vật đa dạng và phong phú, cùng với 99 ngách nước đan cài vào các khe núi. Xung quanh đầm là dãy núi cao, điển hình như: núi Ông, núi Vằn, và núi Buộm cao đến 665m so với mực nước biển.
Mực nước trong đầm Ao Châu có độ sâu trung bình khoảng 3m, có nơi sâu tới 35m, xanh biếc quanh năm không cạn, có nhiều loài thủy tộc trú ngụ như: giải, rùa vàng, ba ba... và cá to hàng chục cân cũng không hiếm, sẽ là điếm đến câu cá lý tưởng. Mặt đầm còn tỏa hơi mát mẻ, giúp không gian thêm trong lành, khoáng đạt.
Giữa đầm Ao Châu có một trại giam cũ, và Đài thờ các bậc anh linh với tấm đại tự "Từ hàng quảng tế" mang ý nghĩa: con thuyền từ bi luôn tế độ rộng rãi cho sinh linh thoát khỏi những cái xấu và tốt đẹp hơn. Hai bên quả đồi xây Đài có các dải đồi khác, trước mặt là bình phong và 5 cửa nước tụ về, tạo thế phong thủy đẹp.
Những ngôi nhà xây bên bờ đầm Ao Châu còn có các dáng kiến trúc cổ như nhà chuôi vồ, nhà tám mái, nhà tròn đỉnh mái vuốt nhọn như những ngôi tháp cổ... soi bóng xuống mặt nước xanh trong. Đặc biệt, người dân địa phương còn trồng nhiều loại cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải, khế... cho trái thơm ngon, hấp dẫn.
Lịch sử Đầm Ao Châu
Tương truyền vào thời dựng nước, các vua Hùng đi chọn đất lập kinh đô đã đến vùng đất này, nơi có 99 ngọn đồi và 99 ngách nước, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Trong lúc vãn cảnh, vua Hùng và các quần thần đã bắt gặp cuộc giao đấu quyết liệt bất phân thắng bại giữa hai con trâu vàng, sau đó lặn xuống đầm nước mất tăm. Từ truyền thuyết này, đầm Ao Châu còn được gọi là Hồ Kim Ngưu nghĩa là Hồ Trâu Vàng.
Còn theo người dân nơi đây kể lại thì: để hình thành nên đầm là do chủ đồn điền là Lê Thượng Quát đã cho đắp đập Lửa Việt, mục đích tưới tiêu cánh đồng Minh Hạc vào những năm đầu thế kỷ 20. Về sau nhân dân tiếp tục đắp nối từ Vũ Cầu đến Vũ Ẻn để lấy nước tưới ruộng cho 6 xã của huyện Hạ Hòa, giúp mùa màng tươi tốt cho cả hàng trăm hécta, quý chẳng kém gì châu báu. Vì vậy mà đầm có tên gọi là Đầm Ao Châu.
Du lịch Đầm Ao Châu
Đến với Đầm Ao Châu, du khách có thể bồng bềnh trên những chiếc thuyền nan để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trời mây non nước, thả hồn vào khung cảnh thiên nhiên nên thơ... dừng chân ở những hòn đảo xanh tươi, dạo bước dưới tán cọ xòe mát dịu, nghe tiếng hót trong trẻo của những chú chích chòe, chèo bẻo... và đến thăm những khu vườn trĩu quả, thưởng thức hương thơm vị ngọt của trái cây miền trung du... hay buông cần thả câu bên bờ nước tĩnh lặng...
Sau chuyến du ngoạn Đầm Ao Châu, bạn hãy thử những món ăn dân dã như: xôi gạo nếp hoa vàng được đồ với những quả cọ béo ngậy chấm với thịt chim băm, trám đen ỏm chấm muối vừng, trám chua kho cá, măng sặt nấu thịt gà đồi… đậm chất chân quê nhưng lạ và ngon. Thêm nữa, đến đây bạn có thể kết hợp thăm Ao Giời - Suối Tiên (cách khoảng 15km) và Đền Mẫu Âu Cơ (cách khoảng 16km) cùng nằm trong tuyến du lịch Hạ Hòa, Phú Thọ.
ST