Chạm khảm Mỹ XuyênTrong các nghề thủ công tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế phải kể đến nghề chạm khắc gỗ làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km về phía Bắc.
Đó là một ngôi làng được hình thành khá sớm so với xứ Đàng Trong (vào khoảng giữa thế kỷ XV). Ở đây có nghề chạm khắc gỗ khá nổi tiếng. Theo gia phả họ Nguyễn Văn ở làng Mỹ Xuyên, nghề này có mặt tại đây vào thế kỷ XIX do Nguyễn Văn Thọ (truyền nhân xuất sắc của ông Trần Văn Cao nổi tiếng về nghề mộc, chạm khắc phục vụ triều đình) vốn gốc người Thanh Hóa vào lập gia đình tại làng Mỹ Xuyên và truyền nghề lại cho dân làng. Từ đó về sau, nghề chạm khắc gỗ với đội ngũ thợ điêu khắc ngày càng phát triển.
Điêu khắc gỗ ở Mỹ Xuyên mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế; thể hiện giá trị mỹ thuật với kỹ xảo nghề nghiệp, trình độ chạm khắc và sự phối hợp thuần thục với cảm quan thẩm mỹ được thông qua đôi tay người thợ bằng những chiếc đục tạo nên trên các chất liệu bằng gỗ.
Nghề chạm khắc gỗ ở Mỹ Xuyên chiếm vị trí và có giá trị khá cao về trang trí nên có nhiều dạng khác nhau như chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm lồng, chạm chấm phá, chạm cạn, chạm sâu, nét trầm phù, chạm khảm. Nó đã điểm tô, tạo nét thẩm mỹ, thượng lưu hóa, trang trọng hóa sản phẩm của nghề chạm khắc. Ở đây không chỉ phổ biến dạng điêu khắc tượng tròn mà còn chạm khắc gỗ dưới dạng phù điêu rất phong phú thể hiện trong các công trình kiến trúc nổi tiếng trong các điện của kinh thành Huế, trên các tường, vách đố bảng, kèo, đòn tay của ngôi nhà rường và trên những đồ dùng sinh hoạt như bàn ghế, tủ, giường... theo phong cách thể hiện tính độc đáo, đặc thù của văn hóa Huế.
ST