Địa chỉ : Tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Tóm lược thông tin về di tích
Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 06/2000/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2000
Danh Tướng - Triệu Thị Khoan Hoà thuộc di duệ họ Triệu. Từ khi họ Triệu mất nước, bà phải trốn tránh quân Hán, sống lưu lạc rồi đến cư ngụ ở chùa Quảng Hưu, xã An Lãng, huyện Chu Diễn; nay là xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên.
Bà vốn là người con gái xinh đẹp tài sắc vẹn toàn. Bà có 5 người con trai, cả 5 đều có sức tài hùng dũng, chí khí hơn hẳn người thường, lại tinh thông võ nghệ, giỏi văn chương, ý chí như biển rộng. Tương truyền, 5 người con của bà được sinh ra cùng một bọc do giấc mộng tình với vị thần Vịt ở xứ này, nở ra từ 5 quả trứng. Cũng bởi vậy, Bà đặt tên cho 5 con đều có chữ “áp Lang”, nghĩa là chàng Vịt.
Đến tuổi trưởng thành, cũng là thời kì Hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa, năm anh em đều đến hội với Bà Trưng ở cửa sông Hát, đem theo hơn 1000 người là quân bản bô, được Bà Trưng thu dùng ở trong quân và phân rõ danh tính, chức vị. Một người được phong làm Triều đình áp Lang tướng quân. Một người được phong là án sát vụ tướng quân. Một người được phong là Quý Minh đại vương. Một người được phong làm Điều Lương tướng quân chuyển vận hướng mễ. Một người được phong làm Cương Đoán tướng quân hướng tiền đại lộ.
Cùng trong đại quân của Hai Bà Trưng, 5 vị tướng quân đốc xuất quân thuỷ, quân bộ thẳng tiến đến thành Tô Định giao chiến. Thắng bại chưa phân, một số quân sĩ của Hai Bà Trưng không quen thuỷ thổ, phần lớn mắc chứng thương hàn, trở ngại đến công cuộc hành quân. Áp Lang tướng quân tìm được vị thuốc để chạy chữa, số quân mắc bệnh mau chóng khoẻ mạnh trở lại. Trong quân vô cùng hoan hỉ, đồng lòng như một, xông lên đánh thành. Quân của Tô Định chết nhiều vô kể, thây chất đầy đồng, tràn ngập lối đi, chỉ có Tô Định là thoát được. Bà Trưng thu hồi hết đất đai bờ cõi, được tất cả 65 thành ở Lĩnh Nam, xưng Vương.
Ba năm sau, thất bại ở Cấm Khê, Hai Bà Trưng hy sinh, 5 vị tướng từ trong vòng vây của quân thù đã mang được thi hài Hai Bà an táng ở Hi Sơn (thuộc làng He, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên).
Mai táng cho Hai Bà xong xuôi, cùng dẫn quân nhằm thẳng vào quân giặc, chém được hơn 200 đầu giặc. Rồi vừa đánh vừa rút. Tướng Hán truyền lệnh cho quân sĩ không được bắn lén để bắt sống, nhưng năm vị vương nhờ thế mà thoát nạn, rút chạy về quê hương (An Lãng), thu thập sĩ tốt để chống lại quân giặc. Tuy nhiên, phía trước không có quân cứu viện, phía sau không có tiếp ứng, mà quân Hán lại ra sức truy bức, tiến lui đều khó. Đến nửa đêm, 5 vị vương chạy đến giữa đồng xứ Cổ Lộ. Biết không còn đường thoát, 5 vị Vương mới ngửa mặt lên trời mà than: "Cúi mong trời cao xét đến, sau khi chết có thiêng liêng nguyện được cùng Hai Bà Trưng gặp gỡ, không thẹn trong đời mình không gặp được người hợp ý, ơn ấy không còn hối tiếc gì nữa”. Sau đó tự vẫn, đó là ngày mồng 10 tháng Năm năm Nhâm Dần (42 sau CN). Dân làng An Lãng lập đền thờ ở đây và đến cúng tế hàng năm.
Đến đời Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293), nhân đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 (năm 1288), bắt sống tướng Ô Mã Nhi, nhận được lời khai của dân xã An Lãng, mới gia phong Phúc thần bậc thượng đẳng. Các triều đại về sau đều có sắc phong bách thần, tặng các “mĩ tự”, cho thờ cúng. Vị thần Ô Mễ đại vương Đốc vận hướng mễ tướng quân được xã Xuân Lãng thờ cúng. Hiện trong đền còn có 2 câu đối ghi công trạng:
Xướng nghĩa Trưng triều khai xã tắc
Hiển linh trần đại tráng sơn hà.
Đền Xuân Lãng được xây dựng vào thời Hậu Lê. Mễ Đại Vương là con trai thứ ba Quốc Hoàng Hậu công chúa Triệu Thị Khoan Hoà người tham gia cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng đánh quân Hán xâm lược giành thắng lợi. Người có công lớn được bà Trưng phong Đại vương.
Đền Xuân Lãng có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật văn hoá, có tác dụng trong sự nghiệp giáo dục truyền thống dân tộc.
ST