Ngày 26/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 1/1 đến 15/9 tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Cảnh sát giao thông Hà Nội đang làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đường Hai Bà Trưng - Hà Nội. (Ảnh Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)
Làm rõ những nhiệm vụ quá hạn
Nhắc lại quyết tâm của Chính phủ khóa mới là chuyển mạnh sang Chính phủ phục vụ, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao rất nhiều nhưng có thực trạng giữa nói và làm không đồng nhất, hiệu quả thực hiện chưa cao, còn bỏ sót, bỏ trống, không thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc có thực hiện nhưng thời gian rất dài. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước Tổ công tác tiến hành kiểm tra.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đầu giờ sáng trước khi Tổ công tác làm việc với Hà Nội, Thủ tướng đã yêu cầu Tổ công tác đề nghị Hà Nội làm rõ và rút kinh nghiệm chỉ đạo quyết liệt 4 nội dung, đó là công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, chống buôn lậu hàng giả, an toàn giao thông và việc chỉnh trang thành phố.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua Hà Nội có kiểm tra cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ, hàng hóa bán tại siêu thị... theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên với mong muốn của người dân, cần sự quyết liệt nhiều hơn nữa.
Lấy ví dụ trong những ngày gần đây, có hai người thiệt mạng vì xe chở tôn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng an toàn giao thông ở Hà Nội có những vấn đề rất bức xúc.
Người dân rất băn khoăn, quan tâm khi những xe chở tôn, xe chở vật liệu xây dựng chạy nghênh ngang trên đường. Những bức xúc của người dân là điều cần phải suy nghĩ.
Nhắc đến yêu cầu của Thủ tướng về xem xét lại vấn đề chỉnh trang đô thị, Bộ trưởng cho rằng cần phải có cây xanh, có cắt cỏ, tỉa cây, song, cần có biện pháp quản lý, đưa định mức vào để làm tốt hơn.
Thời gian qua, Hà Nội đã trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan, không gian đô thị. Công tác quản lý của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố là tốt nhưng trước những vấn đề bức xúc cần xem xét điều chỉnh bằng cách sử dụng định mức để quản lý hiệu quả hơn - ông Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Hà Nội báo cáo rõ những nhiệm vụ đã quá hạn, chưa tổ chức thực hiện được, hoặc có tổ chức nhưng chưa hiệu quả, chưa giải quyết đến cùng.
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, hơn 9 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân thành phố 95 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành đúng hạn 34 nhiệm vụ, hoàn thành nhưng chậm so với thời hạn được giao 13 nhiệm vụ, 48 nhiệm vụ đang trong hạn thực hiện và không có nhiệm vụ quá hạn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ trong 48 nhiệm vụ đang thực hiện, có 7 nhiệm vụ quá hạn, trong đó có nhiệm vụ quá hạn đến 76 ngày. Một trong những nhiệm vụ quá hạn là việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.
Về việc này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, công trình sai phạm về số tầng là 1 tầng và sai phạm về chiều cao là 15m. Trong quá trình giao cho chủ đầu tư tự khắc phục có chậm trễ, thành phố đã chỉ đạo cưỡng chế. Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đã phối hợp với các sở, ban, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện.
Theo ông Đỗ Viết Bình, đây là công trình sát với mặt đường, mật độ dân cư đông nên các giải pháp đưa ra phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho dân sinh và cũng phải đảm bảo an toàn cho công trình tiếp tục được sử dụng sau khi cắt gọt, phương án xử lý cắt gọt phải thận trọng và kỹ lưỡng.
Đến ngày 14/9 đã xử lý xong toàn bộ phần sàn, chỉ còn lại hệ thống dầm và cột. Tuy nhiên, do hệ thống dầm cột to, phải dùng trục cẩu tháp bơm hơi nước vào, cắt khúc, hạ chuyển xuống nên tiến độ khắc phục có phần chậm trễ.
Ông Đỗ Viết Bình khẳng định ngày 27/9, Công ty cổ phần hạ tầng Phương Bắc - nhà thầu phá dỡ, sẽ hoàn tất thủ tục với những cơ quan chức năng có thẩm quyền, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cần trục tháp hoạt động.
Dự kiến ngày 28/9, cần trục tháp chính thức hoạt động và cắt toàn bộ hệ thống dầm cột để đảm bảo hoàn thành phá dỡ tầng 19 trong tháng 10/2016 theo đúng chỉ đạo.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân quận tiếp tục đôn đốc đơn vị chức năng hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để xử lý tiếp giai đoạn 2 theo kết luận của Thủ tướng, với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn cho nhân dân khu vực xung quanh và kết cấu tòa nhà sau này tiếp tục sử dụng.
Ông Đỗ Viết Bình cho biết giai đoạn 1 (cắt xong toàn bộ tầng 19) sẽ hoàn thành trong tháng 10/2016.
Còn giai đoạn 2 (xử lý sai phạm về chiều cao), “Thủ tướng giao Bộ Xây dựng cùng Hà Nội có phương án tính toán để đảm bảo kết cấu sau này…; phải tiếp tục thực hiện cùng với các bộ, ngành và thành phố Hà Nội lên phương án, phải có thẩm định, kiểm định, có khoảng giật và khoảng lùi,” ông Bình nói.
Tiết kiệm 708 tỷ đồng duy trì cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa
Giải đáp yêu cầu của Tổ công tác về vấn đề duy tu, duy trì, cắt tỉa cây xanh , Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết 9 tháng qua, ông đã 5 lần trực tiếp họp với các sở, ban, ngành và 24 doanh nghiệp làm công tác duy trì cây xanh, đã rà soát lại toàn bộ kinh phí cho công tác này.
Trong đó, kinh phí năm 2011 là 215 tỷ đồng nhưng đến năm 2016, thành phố dự toán kinh phí để duy tu, duy trì cây xanh, vườn hoa thảm cỏ lên tới 886 tỷ đồng.
Số tiền này hoàn toàn không có tiền cắt tỉa cây xanh, mà là để duy tu, duy trì trồng vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh. Các cây xanh trên đường phố chỉ cắt tỉa khi vào mùa mưa bão, có nguy cơ đổ hoặc khi Công an thành phố có yêu cầu cắt tỉa cây để đảm bảo độ sáng của đèn tín hiệu giao thông, ông Chung làm rõ.
Ông Nguyễn Đức Chung cho hay, khi họp tập thể lãnh đạo, thấy mức kinh phí trên không hợp lý, thành phố đã chỉ đạo đối thoại trực tiếp, gặp gỡ 24 doanh nghiệp (3 doanh nghiệp công ích, 21 doanh nghiệp xã hội hóa nhưng cũng từ tiền ngân sách của thành phố theo cách thức đặt hàng), chấn chỉnh, yêu cầu tính lại đơn giá định mức.
Qua tính toán các phương án, đã giảm từ 886 tỷ đồng xuống còn 178 tỷ đồng, tiết kiệm 708 tỷ đồng.
“Với cách làm như vậy, duy tu, duy trì cây xanh chúng tôi vẫn tiếp tục làm. Trong một tháng vừa qua, thành phố có tạm dừng và yêu cầu các công ty này thực hiện theo quy trình mới. Do vậy, một số tuyến đường chưa cắt kịp thời thì có nhận được phản ánh của một số lãnh đạo, các lão thành cách mạng và rất nhiều người dân cho là thành phố không làm và không làm đẹp,” ông Chung nói.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, thành phố sẽ làm đẹp hơn, trồng nhiều cây xanh hơn. Đến nay, Hà Nội mới chi 20 tỷ đồng đã trồng được trên 10 ngàn cây xanh. Thành phố đang thuê các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp thiết kế các tuyến đường theo 4 tầng, mật độ dày, trồng hoa xen lẫn cây xanh để 4 mùa cây xanh trên đường phố có hoa, giữ được độ ẩm, hạn chế việc tưới nước và tạo dải phân cách xanh, cách được ánh sáng khi xe ôtô và xe máy đi ngược chiều.
Đồng thời, thành phố sẽ hạn chế tối đa việc cắt tỉa cây xanh, cắt tỉa cỏ. Việc cắt tỉa cỏ sẽ được dùng bằng máy để giảm nhân công và chi phí.
“Chúng ta vẫn tiếp tục làm nhưng quy trình và đơn giá định mức được tính toán lại và tiết kiệm hơn,” ông Chung tái khẳng định và nhấn mạnh sẽ bổ sung hơn 1.000 cây xanh tại các tuyến phố cổ, 31.000 cây xanh ở các trường học và trồng cây trên một số tuyến quốc lộ, đại lộ.
Mục tiêu của thành phố trong 5 năm tới sẽ trồng 1 triệu cây xanh, trong đó năm 2016 trồng khoảng 140.000 cây.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ chỉnh trang một số tuyến phố theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm, cơ giới hóa trong thu gom vận chuyển rác thải, chỉnh trang toàn bộ hệ thống chiếu sáng trên các tuyến phố.
Hà Nội đã dỡ bỏ trên 1.000 biển quảng cáo trái phép trên các tuyến phố và đang tiến hành quy hoạch lại hệ thống biển quảng cáo.
Việc đưa cơ giới hóa vào cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh đã giảm công cắt tỉa từ 4 triệu đồng xuống còn 700.000 đồng và từ đầu năm đến nay thành phố đã hạ độ cao trên 30.000 cây xanh.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận Hà Nội đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Ông đề nghị Hà Nội kiểm soát kỹ nguồn thực phẩm, rau, củ, quả, tạo nguồn rau, củ, quả sạch ở các vùng ven; quan tâm kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa, chống hàng giả, nhái, gian lận thương mại; quyết liệt hơn trong vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, nhất là hiện tượng xe cồng kềnh.
Ông cũng ghi nhận việc Hà Nội tiết kiệm chi 708 tỷ đồng cho duy trì hệ thống vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh.
Đối với việc xử lý vi phạm tại công trình nhà số 8B Lê Trực, Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội phải làm rõ vấn đề vi phạm chính ở đây là vi phạm về chiều cao chứ không phải về số tầng, phải lên phương án tổng thể xử lý vi phạm cắt chiều cao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời làm rõ thời điểm hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng./.
CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-giao-thong-cua-ha-noi-van-con-nhieu-van-de-buc-xuc/407908.vnp