Cập nhật: 28/09/2016 09:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ba làng Cánh ngày xưa gọi là kẻ Cánh thuộc tổng Hương Canh nay là thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc. Ở đây có ba ngôi đình nổi tiếng là đình Hương Canh, đình Tiên Hường và đình Ngọc Canh đều đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Cả ba đình đều thờ vợ Ngô Quyền và hai người con trai của ông là Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập.

Tương truyền lúc sinh thời Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập một lần dẫn quân đi tuần thú và săn bắn đã ghé qua làng dừng chân ở gành Hạ rồi lên hạ trại ở gành Thượng để khao quân. Các bô lão trong làng hay tin đã ra tận nơi đón rước nhưng các ngài không muốn vào làng vì sợ làm phiền hà tới trăm họ. Các cụ liền ngỏ ý xin được lập sinh từ hai Ngài ở cả ba làng để được thường xuyên bái vọng và đã được chấp thuận.

Tới khi Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập đã quy tiên, các sinh từ được thay bằng ba ngôi đình, cả hai nơi các Ngài dừng chân hạ trại cũng được lập miếu thờ, đó là miếu Hạ và miếu Thượng. Những nơi thờ cúng lúc đầu cũng chỉ nhỏ hẹp nhưng rất trang nghiêm, dân số cả ba lafngt hời đó cũng chỉ có vài trăm khẩu. Ba ngôi đình và ngôi miếu Thượng ngày nay đã qua nhiều lần tôn tạo trùng tu. Đình Hương Canh được trùng tu sớm nhất cũng vào năm 1708 thời vua Lê Dụ Tông. Đình Tiên Hường dựng lại vào năm Bính Thân 1776 thời Lê Cảnh Hưng. Đình Ngọc Canh mới trùng tu vào đời vua Gia Long. Riêng miếu Hạ ở vùng đất trũng, để tránh ngập lụt, các cụ đã di chuyển vào làng Hương Canh nay là Môn tự sở. Đình Hương Canh cũng được nâng cao gần 2m vào năm 1921. Được Bộ Văn hóa đầu tư hơn 11 tỷ đồng, ngày 25/11/2007 đình Hương Canh được dỡ ra đại tu. Đến 11/3/2009 khánh thành. Tiếp theo năm 2010 đình Ngọc Canh, chùa Kính Phúc cũng được dỡ ra để xây dựng lại theo đúng như khuôn mẫu cũ. Đến cuối năm 2011, cả hai công trình này đã hoàn thành. Năm 2012, đến lượt đình Tiên Hường cũng được dỡ ra làm lại trong vòng hai năm mới xong. Đồng thời ba hồ lớn của cả ba đình cũng được nạo vét xây bờ đá để cải tạo sinh thái: dưới nước trồng sen, ven hồ trồng cây cảnh, tôn thêm vẻ đẹp uy linh của ba ngôi đình.

Lệ xưa, ngoài những ngày sóc vọng hàng tháng đèn nhang thờ phụng, mỗi năm cả ba đình đều có ba ngày lễ trọng: đại lễ vào ngày 15 tháng Hai, lễ Thượng điền 15 tháng Bảy, lễ Hạ điền 15 tháng Mười. Thường gọi là tiệc làng. Những năm được mùa hoặc có sự kiện đại hỷ, tiệc chính của làng có thể kéo dài đến ba ngày liền, nhà nhà đều làm cỗ, trước là đem cúng tiên tổ, cúng đình miếu sau là mời bạn bè xa gần đến chung vui.

Nghi lễ tế lễ cả ba đình ở đây cũng giống như các nơi khác. Riêng lễ vật phải giữ đúng “hèm” riêng. Ngoài thủ lợn mâm xôi, mà phải là xôi trắng không có đỗ, còn phải có một con lợn thui chín. Con lợn này không cần to lắm nhưng phải là lợn đen tuyền chỉ nặng chừng 30kg trở xuống, vẫn đang thả rông cho giống như lợn hoang càng tốt. Trước khi dâng tế đình, lợn đem ra miếu Hạ chọc tiết rồi khênh lên miếu Thượng làm lông thui vàng mổ moi hết nội tạng, rửa sạch sẽ rồi nướng quay trên bếp than hồng cho thật chín vàng. Sau đó trịnh trọng đặt lợn vào mâm đồng khênh rước vào tế đình.

Cỗ tiệc ở đình mang tính nghi thức là chính lại là cỗ đại trà nên rất giản đơn. Bình quân mỗi người dự tiệc kể cả quan viên, chức sắc, khách mời đều nhận chỉ một nắm xôi to, vài miếng thịt thái mỏng chấm muối. Cũng có vài đĩa rau, củ, quả xào với lòng gan thưa thớt, đôi bát canh loãng nhưng tuyệt đối kiêng hành tỏi.

Lúc vào mâm, các vị trưởng lão, chức sắc, thực khách được mời lên chiếu trên rồi lần lượt mọi người nhìn nhau mà ngồi vào các chiếu dưới, cứ bốn người một mâm. Các trai đinh còn ít tuổi có thể ngồi ăn cùng nhau trong các nhà tả, hữu vu, nhà giải vũ phía ngoài.

Đặc biệt không ai phục dịch ai. chỉ có anh mõ làng phục vụ các mâm trên mà thôi. Tiệc đình làng thời xưa không có phụ nữ. Các cụ, các bà đã có Chùa Cả để giao lưu với nhau.

Tuy cỗ bàn đạm bạc nhưng tiệc đình rất trang trọng và vui vẻ vì “một miếng giữa làng bằng một sàng nơi xó bếp”. Các mâm rượu ở đình lại rất dồi dào vì có nhiều nguồn cung cấp do các quan khách đến lễ bái thường kèm theo mỗi thẻ hương lại thêm vài chai rượu trắng. Những ngày này các gia đình đều làm cỗ tiệc làng, nhiều nhà đội cỗ ra cúng đình để vầu tài lộc; cúng xong mâm cỗ đội về còn rượu thì để lại, vì thức nhắm thì ít mà rượu lại nhiều nên những ai không biết giữ mình tuy khem ăn nhưng lại tục uống cũng sẽ bị say ngã đổ giữa chốn đình trung để rồi sẽ phải ân hận suốt đời.

Riêng một nửa cái thủ lợn, mâm xôi và con lợn thui đặt trên bàn thờ, ông chủ tế sẽ giao cho anh mõ và chỉ dẫn anh ta có nhiệm vụ chia đều phần và phải đem biếu đến tận nhà các vị chức sắc, trưởng lão, kể cả các vị vắng mặt. Đây là việc tuy nhỏ nhưng rất hệ trọng. Nếu không nhắc nhở và kiểm tra anh mõ sơ ý để thiếu phần của vị nào đó sẽ phát sinh ra khá nhiều mâu thuẫn, từ bé xé ra to rất khôn lường. Bởi vì ngồi giữa chốn đình trung ai cũng bình đẳng như ai về miếng ăn lời nói, chỉ hơn nhau cái chỗ ngồi và gói phần mang kính biếu tới tận nhà. Vì thế vai trò của anh mõ là khá quan trọng. Mỗi làng ở đây đều có từ một đến hai anh mõ, anh nào cũng phải tỏ ra mẫn cán để được lòng tất cả làng, thật khó hơn cả làm dâu trăm họ, nếu không sẽ bị “cách” cả cái “chức mõ”.

Tiệc làng Cánh vào những dịp Thượng điền, Hạ điền thường là tiệc chay. Lễ vật cúng lễ đình chỉ là xôi chè hoặc bánh dày chè kho. Xôi vẫn là cỗ xôi trắng và chè cũng là chè con ong nấu bằng xôi nếp với mật ngọt. Bành dày cúng đình là loại bánh giã bằng xôi cứng và nặn to bằng cả lòng mâm đồng. Bánh cứng rắn như nắm cơm to và không có nhân. Chè kho cũng nấu cho thật khô bằng đỗ đãi cùng mật cái rồi đổ khuôn bằng bát hoặc khay lớn. Bánh dày và chè kho đều có thể cắt miếng mỏng xếp chồng lên nhau, các miếng không dính vào nhau. Dù để lâu hàng tuần sau cũng không sợ bị ôi thiu. Lát bánh dày để khô đem nướng bếp than hồng sẽ trở thành bánh phồng rất thơm ngon.

Dự tiệc chay, sau khi thụ lộc ở đình, các quan viên ngồi chiếu trên cũng được anh mõ đem kính biếu phần lộc thánh đến tận nhà mặc dù có thề đến chậm vài ba ngày vì “lộc chay” dễ bảo quản hơn “lộc mặn”.

 

Ngày nay việc cúng tế ở ba đình Hương Canh vẫ được giữ theo lệ cũ. Các thủ tục rườm rà lạc hậu đã được loại bỏ. Tiệc đình ngày nay không chỉ có các lão ông mà còn có cả các lão bà tham dự. Mọi người cùng vui vẻ, cùng nâng chén để thụ lộc thánh giữa chốn đình trung, cùng bàn việc làng việc nước. Không còn cảnh chia phần lộc tận nhà vì anh mõ cũng không còn nữa. Mọi người cùng chung tay “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

 

 

ST

Tệp đính kèm