Di tích chùa/tháp Kim Tôn, nằm trên ngọn đồi Chùa có tọa độ địa lý 10502527 vĩ độ Bắc, 105032 kinh độ Đông thuộc địa phận thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành thám sát và khai quật với diện tích 114 m2 trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2009. Kết quả khai quật đã cho thấy số lượng hiện vật khá phong phú với các loại hình vật liệu trang trí kiến trúc đều là bộ phận của tháp Kim Tôn bao gồm: gạch đúc thành khối vuông, hình chữ nhật, chữ L, phào đỡ mái tháp … đáng chú ý mặt sau đều có dấu vết kỹ thuật để liên kết mộng/chốt hình chuôi én, rìa cạnh các viên gạch khắc các ký tự bằng chữ hán nhằm định vị kiến trúc tầng, vị trí hàng. Trên gạch có trang trí đắp nổi hoa văn trang trí hình rồng; cánh én; hoa chanh; hoa cúc (với các biến thể 1, 2, 3 lớp cánh, nở mãn khai hoặc 6 cánh nhỏ tỏa đều ra xung quanh và xếp trong một khung hình tròn).
Lá đề: chiếm số lượng rất lớn với 57 tiêu bản và rất nhiều các mảnh vỡ, trên lá đề trang trí hình 3 ngon tháp biểu tượng tam tổ: Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Pháp Loa phản ánh rõ tính chất thiền tông của phật giáo thời Trần.
Ngói trang trí kiến trúc: chủ yếu là các loại ngói mũi, ngói ống đầu ngói trang trí đắp nổi hình bông hoa cúc trên có lỗ để lá đề. Ngoài ra còn có các đầu đao hình rồng còn khá nguyên vẹn điều này ít thấy trong các di tích thời kỳ này ở Vĩnh Phúc. Đặc biệt trong đợt khai quật còn phát hiện một phần pho tượng kim cương bằng gốm. “Kim Cương là một vị thần có pháp lực lớn có nhiệm vụ hộ vệ phật pháp và thường đứng ở hai bên cửa tháp. theo kết quả nghiên cứu hiện nay, tháp Lý Trần thường có 4 cửa, mỗi cửa có hai kim cương đứng Ở hai bên.” Hoàng Văn Khoán (chủ biên): Văn hoá Lý Trần kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc chùa tháp, Nxb Văn hoá Thông tin, H.,2000, tr.28
Qua lần thám sát và khai quật đã góp phần chứng tỏ tại khu vực này từ thời Trần đã có một hệ thống các chùa tháp rất lớn và đã từng tồn tại ở đây một ngôi tháp cổ cùng thời kỳ với tháp Bình Sơn tại chùa Vĩnh Khánh và tháp chùa Thiên ân tại khu di tích danh thắng Tây Thiên. Những sưu tập hiện vật trên đã góp phần phản ánh sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam thời Trần như Quế Đường Lê Quý Đôn đã từng nhận xét trong Kiến Văn Tiểu Lục thế kỷ XVIII: “tăng đạo đầy dân gian, chùa quán, khắp trong nước … nào là chép kinh Tam Tạng , nào là khánh thành pháp hội, trong sử không chép sao cho hết được”. Lê Quý Đôn: Kiến Văn Tiểu Lục (bản dịch), Nxb Khoa học Xã hội, H.,1977, tr. 387.
Hiện nay một số hiện vật tiêu biểu của đợt khai quật đang được lưu giữ tại Thiền viện Trức Lâm Tuệ Đức. Những hiện vật trên được trưng bày sẽ cho ta thấy được phần nào giá trị lịch sử-văn hoá của khu di tích này. Đi tích chùa, tháp Kim Tôn bên cạnh các địa điểm du lịch đã và đang được biết tới như : rừng cò Hải Lựu, thác Bay, núi Sáng … trong tương lai Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn về cội nguồn, đóng góp tích cực cho sự phát triển du lịch văn hoá của huyện sông Lô trong thời kỳ công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước .
ST