Cập nhật: 01/10/2016 09:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cho đến ngày nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều công trình lăng tẩm của các vua triều Nguyễn được UNESCO công nhận là những di sản của thế giới. Đóng góp vào kho tàng mỹ thuật chung của nhân loại là các công trình lăng tẩm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo mang nhiều phong cách khác nhau thể hiện tính cách của bậc đế vương.

Trong 13 đời vua thì chỉ có 8 vua là có lăng tẩm. Tuy nhiên, trải qua biến thiên của thời gian, hiện nay chỉ còn lại 6 lăng là Lăng Gia Long, Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Dục Đức. Trong đó lăng của Vua Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng được xây dựng tốn nhiều công sức và tiền của nhất, và thời gian để xây dựng cũng lâu nhất, kéo dài 11 năm trong một khu quần thể chưa đến 1 hecta (chiếm diện tích khiêm tốn so với các đời vua trước).

 

Lăng Khải Định thuộc xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm cách thành phố Huế 10km và là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn - Khải Định (1885-1925).

Bước lên ngai vàng giữa tuổi 31, Khải Ðịnh say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, Cung An Ðịnh, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Ðức và đặc biệt là Ứng Lăng.

Ứng Lăng được xây dựng trên triền núi Châu Chữ, có núi Chóp Vung và Kim Sơn lần lượt nằm bên tả và hữu, có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải gọi là “thủy tụ” và “minh đường”. Lăng có hình khối chữ nhật với 127 bậc tam cấp và Cung Thiên Định là trọng tâm. Vật liệu để xây dựng lăng bao gồm sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise… được Vua Khải Định mua từ Pháp và để trang trí nội thất ông cho mua đồ sành sứ, thủy tinh màu… tận Trung Hoa và Nhật Bản để phục vụ công trình.

Kiến trúc của Lăng Khải Định không tuân theo tôn chỉ một trường phái kiến trúc nhất định nào, mà là một sự kết hợp táo bạo nhiều trường phái kiến trúc từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Gothique đến Roman… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể, những cổng trụ hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Ðộ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây Thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể. Sự kết hợp đó thể hiện rõ nét về những ảnh hưởng mang tính chất thời cuộc đến tư tưởng của Vua Khải Định, khi nền văn hóa Đông - Tây có sự giao thoa trong thời điểm giao thời của lịch sử. Có lẽ chính vì vậy mà lăng Khải Định có cái lạ, có phần ngông nghênh, phô trương và độc đáo so với các công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam..

Công trình kiến trúc chính của lăng Khải Định chính là cung Thiên Định. Cung Thiên Ðịnh ở vị trí cao nhất gồm 5 phần liền nhau: hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là Ðiện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung Khải Ðịnh; chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua bằng đồng đúc với tỷ lệ 1/1 và mộ phần ở phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của vua khi quá cố. Toàn bộ nội thất của ba gian giữa trong cung Thiên Ðịnh đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Ðó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... Những vật liệu cứng, biệt lập, qua bàn tay vàng khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mềm mại, sống động và vô cùng rực rỡ. Ðặc biệt chiếc bửu tán bên trên pho tượng đồng trong chính tẩm với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác nó được làm bằng nhung lụa, có thể xao động trước gió mà quên đi rằng nó đích thực là một khối bê tông cốt thép nặng gần một tấn.

Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Ðịnh là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của ba bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam. Ba tấm phù điêu này được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Theo đánh giá của những nhà chuyên môn thì lăng Khải Định thực sự là biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.

 

Với 11 năm xây dựng cùng sự đầu tư nguyên vật liệu hết sức kỹ lưỡng, Ứng Lăng được xem là một trong những công trình lăng tẩm tốn kém nhất thời đó. Tuy nhiên sự tốn kém và công phu này đã hình thành một công trình kiến trúc khá đặc sắc, mà bất cứ ai đến thăm cũng không khỏi trầm trồ.

Ở một phương diện nào đó, sự đầu tư thái quá của Vua Khải Định vào công trình lăng tẩm của ông khiến người đời chê trách, nhưng nhìn vào giá trị nghệ thuật kiến trúc, lẫn trang trí nội thất còn nằm nguyên vẹn ở từng cái cột, hàng rào, nhà bia, hay những bức khám sành sứ tinh tế, những bức phù điêu kết hợp sành sứ thủy tinh khá sắc sảo… người ta cũng phải thán phục thay, bởi chính cá tính ngạo nghễ của ông đã góp phần làm cho Ứng Lăng trở nên lạ và khá độc đáo trong lịch sử xây dựng lăng tẩm của các Vua triều Nguyễn./.

ST

Tệp đính kèm