Nằm trong cái nôi của nền văn hóa Đồng Đậu, nền văn minh lúa nước Sông Hồng, Yên Lạc có hệ thống di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc với những làn điệu hát xoan, trống quân, hát chèo; các di tích lịch sử, lễ hội, trò chơi dân gian…
Theo thống kê, Yên Lạc có 204 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 77 di tích cấp tỉnh, 11 di tích cấp quốc gia, 55 chùa, 63 đình, 14 đền, 29 miếu, 16 nhà thờ họ, 10 Điếm, 01 Nghè, 01 Văn Chỉ, 06 bia lịch sử cách mạng và tượng đài. Trong đó, có những di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu như: Đền Bắc Cung (Đền Thính), xã Tam Hồng, nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh, theo truyền thuyết là con rể Vua Hùng thứ XVIII, vị thần được nhân dân thờ phụng; căn cứ Cẩm Khê (Cẩm Viên, Đại Tự) nơi Hai Bà Trưng quyết một phen sống thác với kẻ thù. Đình Nghinh Tiên (Nguyệt Đức) thờ Vĩnh Hoa công chúa nữ tướng của Hai Bà Trưng;..
Cùng với hệ thống di tích lịch sử là các lễ hội dân gian, trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ,… gắn liền như: Lễ hội Đền Bắc Cung (xã Tam Hồng), được bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng hàng năm; Lễ hội Đình chùa Thiệu Tổ (xã Trung Nguyên) được tổ chức trong hai ngày, mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng; Lễ hội Đền Gia Loan (Thị trấn Yên Lạc);… Trên địa bàn huyện Yên Lạc có 74 lễ hội dân gian, các lễ hội không chỉ gắn liền với sắc thái tín ngưỡng, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân mà còn thể hiện được tinh thần đoàn kết, thượng võ, rèn luyện sức khỏe. Đặc biệt nhiều trò chơi dân gian trong các lễ hội có xuất xứ từ các nhân vật lịch sử hay mô phỏng từ các môn được dùng vào việc rèn luyện quân sĩ ngày xưa như: Cướp cây bông, Kéo co, Kéo kẹo, Cờ người, Chạy hóa trang,...
Trong những năm qua, ngành Văn hóa - Thông tin huyện Yên Lạc luôn xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng. Từ năm 2005, huyện Yên Lạc tiến hành kiểm kê toàn bộ các di sản văn hóa; ghi chép lại các thông tin về những lễ hội, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thu hút được số lượng lớn sự đóng góp về tài sản và ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Các di tích đều được chính quyền địa phương thành lập ban quản lý, có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích. Quán triệt NQ TW5 (khóa VIII), các hoạt động văn hóa, văn nghệ thông tin của huyện luôn hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, lễ hội. Các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh nhằm thu hút khách thập phương, tôn vinh các danh nhân, địa danh văn hóa, những danh lam thắng cảnh của địa phương.
Trong thời gian tới ngành Văn hóa Yên Lạc sẽ tiếp tục công tác kiểm kê, lập hồ sơ để bảo tồn các di tích lịch sử, các gía trị văn hóa phi vật thể; tăng cường hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn.
ST