Địa Điểm: Đền Mẫu Đồng Đăng tọa lạc ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Ngày Lễ Chính: Ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Đền Mẫu Đồng Đăng còn có tên gọi khác là “Đồng Đăng linh tự”. Đồng Đăng không chỉ nổi tiếng bởi phố Kỳ Lừa, nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh, nơi đây còn thu hút du khách bởi đền Mẫu, một ngôi đền cổ kính uy nghi nằm trên đỉnh núi.
“Đồng Đăng có phố Kì lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…”.
Câu ca dao da diết trong lòng bất cứ du khách nào đã từng đôi lần đặt chân đến Lạng Sơn. Đền Mẫu là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử, là nơi nhân dân các dân tộc trong tỉnh, du khách tới đây nguyện cầu sự che chở của các đấng linh thiêng cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Xưa kia, nơi đây là một ngôi chùa. Đồng Đăng linh tự gồm có 5 gian thờ: Phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm gian kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ; tiếp theo là gian thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, hai bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín; gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục; gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu…. Đây là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Ngoài ra, nơi đây còn lưu truyền câu chuyện gặp gỡ cảm động giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong “Tứ bất tử” trong văn hóa tâm linh của người Việt) và Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ Trung Quốc trở về.
Tương truyền, Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tên là Quỳnh Hoa. Do có duyên nợ với trần gian nên bà thường hiển linh giúp đỡ nhân dân, được triều đình (thời Hậu Lê) sắc phong là công chúa Liễu Hạnh và là Thượng đẳng Phúc thần. Ngoài việc hiển linh giúp đỡ nhân dân, bà còn hay ngao du sơn thủy đến các thắng cảnh của nhiều vùng và đã nhiều lần gặp gỡ, họa thơ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan, trong đó có lần hai người gặp nhau tại Đồng Đăng linh tự.
Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng được tổ chức vào mồng 10 tháng giêng hằng năm, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến đây thưởng ngoạn nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Lạng. Đến với nơi đây, du khách còn được đắm mình trong văn hóa tâm linh, thắp hương cầu mong sức khoẻ, cầu tài, cầu một năm phát lộc, cầu cho quốc thái dân an.
Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng
Vào ngày chính hội, hàng chục nghìn du khách từ khắp nơi (đặc biệt là khách Trung Quốc) cùng đến đây để dự lễ, tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống, nhiều du khách trong nước nhân dịp này đã kết hợp tham gia các tuor du lịch quốc tế (Trung Quốc).
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thời nào đền Mẫu Đồng Đăng cũng được nhân dân góp công, góp của tôn tạo. Đến nay, ngôi đền đã mang diện mạo khác hẳn, tường bao hoa văn đẹp mắt; cây cối xanh rì tỏa mát cả sân đền, ghế đá, biển chỉ dẫn được sắp đặt gọn gàng, khoa học. Du khách khi đến thắp hương, vãn cảnh không phải bận tâm, bực mình vì gặp cảnh ăn xin đeo bám, không có cảnh xem quẻ, bói toán lộn xộn như ở một số đền chùa khác.
Thấp thoáng phía sau Tam bảo, một tòa tháp tráng lệ đang được hoàn thiện, như một minh chứng cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa của vùng đất miền biên ải. Ngày nay, đền Mẫu Đồng Đăng còn là một điểm dừng chân trong tuor du lịch từ các tỉnh đến Lạng Sơn, đi cửa khẩu Tân Thanh và chợ Đông Kinh…
Di tích đền Mẫu Đồng Đăng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng đặc sắc đã thực sự trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh nơi cửa ngõ phía Bắc nước ta mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Xứ Lạng.
ST