Đình Ngọc Canh xưa ở trung tâm Ngọc Canh, được khởi xây từ đời Lê và hoàn thiện vào những năm Minh Mạng đời nhà Nguyễn. Trải qua thời gian và chịu nhiều tác động của ngoại cảnh ngôi đình vẫn còn giữ lại được nhiều bức điêu khắc mang đậm nghệ thuật khắc cuối Lê đầu Nguyễn rất có giá trị lịch sử và thẩm mỹ.
Nếu như ở đình Hương Canh tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi đông người tạo nên không khí vui nhộn thì ở đình Ngọc Canh lại thiên về tả cảnh lao động, những thú vui hàng ngày trong nông thôn. Nếu chạm trổ ở đình Hương Canh đẹp trong không khí nhộn nhịp vui tươi thì chạm trổ ở đình Ngọc Canh đẹp trong không gian trầm lắng, suy tư liên tưởng trước thực tế cuộc sống của nhân dân ta nửa cuối thế kỷ 17, như các bức chạm: “dựng cột buồm”, “uống rượu”, “chơi cờ”, “đến hát nhà quan”. Với lối bố cục chặt chẽ, hài hoà, đường nét phóng khoáng tự do, chú ý khắc hoạ từng chi tiết thể hiện rõ tình cảm, cá tính của từng nhân vật trong bức chạm để rồi có một tác phẩm hoàn hảo, mang nội dung tư tưởng sâu sắc, thể hiện cao độ đề tài định trước. Đó là những thành công nổi bật trong chạm gỗ ở đình Ngọc Canh.Hiện nay (2012) đình Ngọc Canh đang đi vào giai đoạn cuối cùng của công việc trùng tu và sẽ sớm hoàn thiện trong thời gian tới.
Căn cứ vào biên bản khảo lược di tích đình Ngọc Canh (năm 1983) và những bức ảnh do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kự (chụp năm 1997) xin giới thiệu độc giả nghệ thuật điêu khắc đình Ngọc Canh qua những bức cốn.
Bức cốn nách số 1:
Bứcchạm này nằm giữa hai hàng cột lớn và cột nhỏ ở bên phải gian chính giữa tiền tế. Mặt trái còn có một ô hình vuông mỗi cạnh 0.5m. Bức này chạm một con thỏ dài 25cm đang ở tư thế vồ mồi, phía bên dưới là một con thỏ bé đang ngẩng lên.
Con chồng phía dưới nhỏ hơn con chồng phía trên có đục một con lân tóc bay ngược ra sau gáy, mình có vay như vảy rồng, đuôi xòe ra như đuôi cá. Ở các khoảng trống giữa các hình chạm, người nghệ sĩ dân gian đã khéo léo điểm vào các hình hoa lá, mây bay sóng nước khiến cho bức chạm được bố cục chặt chẽ và thêm sinh động.
Bức cốn nách số 2:
Đối diện với bức cốn số 1 có kích thước 1m20x0.60m. Mặt trái để trơn, còn mặt phải ở con chồng trên cùng chạm một con phượng ngậm hoa sen đang bay, con chồng dưới chạm nổi hai con thỏ ngồi đối diện nhau. Góc bên phải bức cốn chạm một con rùa đang bò. Con chồng phía dưới giáp xà nách chạm một con long mã miệng ngậm ngọc, chân trái giơ ra phía trước vờn quả cẩu. Bên trái là một đầu kìm, miệng ngậm chữ “THỌ”. Đầu kìm được chạm nổi, hai mắt tròn to lồi râu mép vểnh sang hai bên trông dữ tợn.
Bức cốn nách số 3:
Nằm giữa hai hàng cột cái và cột con ở phía trong thuộc bên phải gian chính giữa có kích thước 1m25x0.90m với đề tài tứ linh (Long- Ly- Quy- Phượng).Bức chạm được bố cục chặt chẽ và sinh động.
Trên cùng là một con phượng miệng cắp túi thơ đang sải cánh bay. Ở chính giữa bức chạm là “rồng cuốn thủy”. Một ngọn nước đang được hút cuồn cuộn vào miệng rồng, trong dòng nước có nhiều chú cá chép đang ngoi lên. Góc trái bức cốn là một con rùa đang núp dưới khóm sen, góc phải là một con lân đứng nghểnh lên nhìn rồng. Lấp những khoảng trống là những hình mây bay sóng nước.
Bức cốn nách số 4:
Đối diện với bức cốn số 3, có kích thước 1m25x0.90m mặt trái chạm nổi một con phượng càm chữ THỌ mặt phải chạm cảnh “mẫu long huấn tử hành vân” (rồng mẹ dạy rồng con đi trên mây). Bức chạm gồm: đầu rồng được chạm nổi hẳn lên, ria mép hình lưỡi mác chĩa sang hai bên trong dữ tợn, phía dưới là một rồng con mình lẩn khuất trong mây….
Bức cốn nách số 5:
Đây là bức chạm tiếp giáp tiền tế và trung tế thuộc gian chính giữa bên phải gồm hai phần:
– Phần dưới là bức phù điêu chạm nổi hình con lân ngồi và hoa lá.
– Phần trên là một bức tranh mầu có kích thước 2m70x1m25 vẽ cảnh làng quê sơn thủy hữu tình với ngôi nhà và lũy tre làng bên sông nước. Dưới sông là một chiếc thuyền câu, một người đứng chèo, một người đang ngồi câu (Bức tranh này bị bong sơn, nhiều nét không được rõ lắm).
Bức cốn nách số 6:
Đối diện với bức chạm số 5 có kích thước như bức số 5 (2m70x1m25) khắc gỗ cảnh TÙNG- LỘC. Một cây thông trước gió, dưới gốc thông là hai con hươu nhỏ đang nô đùa. Góc bên trái là cảnh MAI –ĐIỂU trên cây hoa mai có hai con chim đang hót.Bên dưới bức tranh, chạm nổi hai con rồng hai bên chầu vào một con rồng ở giữa càm chữ THỌ. Hai bức tranh ở đây được bố cục và trang trí màu sắc rất hài hòa tươi mát.
Bức tranh số 5 và số 6 mang màu sắc nghệ thuật thời Nguyễn, song phần dưới bức tranh là phần chạm nổi rồng lân nghệ thuật thời Lê. Một sự khéo léo của hai phong cách nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn đã để lại hai bức tranh đẹp và độc đáo mà chúng ta thấy hiếm có ở các ngôi đình giai đoạn này.
Bức cốn nách số 7:
Có kích thước 1m10x0.30m Bức chạm này ở bên trái gian cạnh. Mặt trái bức chạm chạm phượng càm chữ Thọ đang bay, những chiếc lông đuôi lả lướt như hành lá. Mặt phải chạm một con kìm miệng ngậm hai chữ THỌ. Một chữ gãy lại đè lên lưng một con long mã. Long mã đang đi về phía trước đầu ngoảnh lại như muốn đỡ lấy hai chữ THỌ.
Bức cốn nách số 8:
Nằm giữa hai hàng cột phía trước bên phải kích thước 1m10x0.60m. Mặt trái chạm tứ linh. Mặt phải chạm cá hoá rồng vờn ngọc, miệng ngậm hai chữ “THỌ”.
Bức cốn nách số 9:
Nằm giữa hai hàng cột phía trước bên phải chính giữa có kích thước 1m10x0.60m. Mặt trái chạm tứ linh. Mặt phải chạm một con phượng miệng ngậm hai chữ KHANG- THỌ đang bay. Mặt trái chạm nổi 8 người cao khoảng 15cm, bố cục như sau.
Một người đội mũ cánh chuồn ngồi trên ghế bành nét mặt uy nghiêm, hai bên có hai người áo thụng đứng hầu, bên phải có một người cầm loa thổi. Chính giữa là một đầu rồng. Ở phần dưới góc trái bức cốn có hai người đứng dáng điệu như đang chỉ đường cho người đi sau cưỡi ngựa, đi sau người cưỡi ngựa là một người vác đàn tranh theo hầu. Bức chạm này có một con rắn bị uốn khúc đầu ngoảnh về bên phải hướng về chỗ thân đang bị một con rồng quắp.
Bức cốn nách số 10:
Bức này thuộc gian chính giữa đối diện với bức số 9 có kích thước 1m10x0.60 bên phải trên cùng đục 4 chữ Hán “Minh Xã Hưng Thịnh”. Con chồng nách phía trong chạm nổi 4 người cao khoảng 15-20cm. Một người đội mũ cánh chuồn tay cầm quạt ngồi trên ghế bành, dưới ghế là một người mặc áo thụng tay cầm đàn như đang gẩy cho người ngồi trên ghế nghe. Phía ngoài chạm một người mặt quần áo nai nịt gọn gàng đầu đội mũ hai tay dang ra trông như võ tướng, bên cạnh là một người đang thổi sáo
Con chồng phía ngoài bức cốn đục một con rồng có những nét vây cụm mây hình đao mác. Bên trên là một người to lớn đầu đội mũ rủ chấm tai. Hai tai có đeo đồ trang sức, hai tay giơ lên ngang đầu, bên dưới là một trẻ em đầu trọc cởi trần đóng khố hai chân quỳ xuống hai tay giơ lên chụm lại như đang cầu khẩn người kia một việc gì đó.
Mặt trái bức cốn đục chữ “HƯNG” và ba chữ “VI TỰ QUÂN” với các nét chạm hình đao mác. Góc trái bức cốn chạm phượng cắp túi thơ đang bay.
Bức cốn nách số 11:
Bức này nằm giữa hàng cột cái và hàng cột con hàng hai bên phải đằng sau gian chính giữa, có kích thước 1m10x0.45, mặt trái chạm khắc đơn giản con chồng phía trên đục một đầu kìm, bên trên là lân ngậm ngọc. Mặt phải để trơn.
Bức cốn nách số 12:
Có kích thước 1m10x0.60 nằm giữa hàng cột cái và cột con bên phải gian cạnh. Tầng trên cùng chạm phượng cặp thư đang bay. Phía dưới chạm cảnh giữ trong lòng thuyền có ba cột chụm lại và 6 người được bố trí ở khoảng trống các cột. Một người đứng phía trên góc phải giơ tay kéo một người khác từ dưới lên, ở góc phía trái có một người nằm tựa lưng vào khoang thuyền chân vắt chữ ngũ rất thoải mái, chính giữa lòng thuyền là một đôi trai gái cười rất vui vẻ đang cùng nhau ôm giữ cột buồm. Cũng trong bức cốn này ở con chồng phía ngoài đục một người ngồi trên tòa sen như Phật bà hai tay giơ lên ngang đầu phía trái bức cốn có 4 người cao 15cm, hai người phía trong ngồi đối diện nhau, ở giữa để mâm quả. Con chồng phía ngoài chạm hai người trông như võ tướng hai chân dạng ra, một người ở tư thế rút kiếm nhìn người đối diện.
Bức cốn nách số 13:
Bức này nằm phía trong của gian cuối bên trái đại bái có kích thước 1m35x1m25 nội dung bức chạm được chia thành 4 phần như sau:
Phần 1: Chạm hai đô vật đang đánh vật bên ngoài có hai người đang xem vật
Phần 2: Góc bên phải chạm một con lân ngoảnh đầu vào… hai người ở giữa bức cốn. Phía bên phải cạnh cột là một ông lão đang ngồi câu cá.
Phần 3: Cạnh cột chốn có một người to béo đang ngồi uống rượu, tiếp đó là hai người khiêng một con dê béo, chân buộc túm vào đòn khiêng đi đi, sau là một con chó sủa, một người cưỡi ngựa, bốn người đi theo hầu,hai người đi trước giang hai tay như múa, hai người di sau cầm dao. Tất cả mọi người mặt đều vui vẻ sau một cuộc đi săn thắng lợi trở về.
Phần 4: Chạm nổi một con lân, cưỡi trên lưng lân là một người mặc áo thụng, cạnh đó có một con kìm trên lưng cũng có một người cưỡi, tiếp đến là một con rồng, một con phượng cõng trên lưng một người đang thổi sáo.
Bức cốn nách số 14:
Nằm giữa hàng cột cái và cột con hàng bên phải phía ngoài gian cạnh gần gian chính giữa, ai 1m rộng 0m40, bức này chỉ chạm mặt trái. Con chồng phía trong bị mất. Con chồng phía ngoài chạm hai người ăn mặc như võ tướng tay cầm đao, một người cầm sách đọc, đầu ngoảnh xuống phía dưới nhìn con rồng đang nghểnh đầu lên.
Bức chạm số 15:
Đây là bức cốn nách nằm giữa hang cột cái và cột con bên phải đại bái có kích thước 1m30 x 0m45, bức chạm gồm 6 người cao từ 15 đến 20 cm. Con chồng giáp cột cái có chạm một mâm vuông ở giữa, trên là một mâm bồng nhỏ để một bát nước, một bát cơm, một be rượu. Ở hai bên có hai người đứng đối diện nhau, tay để vào mâm, bên dưới là một đứa trẻ cởi trần đóng khố khom lưng. Đối diện với em bé này là một người ngồi xếp bằng tay cầm quạt. Con chồng nách phía trong đục hai người đối diện nhau, người phía trong đội mũ cánh chuồn mặc áo thụng, người phía ngoài đầu chit khăn tay giơ lên đầu.
Bức chạm số 16:
Bức cốn này nằm phía trong của gian cuối, bên phải toà trung tế. Bức này có kích thước 1m35 x 1m25. Bức chạm chia làm 4 tầng từ trên xuống như sau:
Tầng 1:
Chạm một người ngồi, đầu đội mũ quan văn hai bên có hai người hầu.
Tầng 2:
Chạm một người ngồi thẳng hàng.
Tầng 3:
Chạm một đầu kìm miệng há rộng, bờm gáy toả ra như lưỡi mác hai bên đầu kìm có đục hai con lân chầu vào giữa, ……về phía bên phải có đục 1 người đội mũ tay cầm gậy vung lên, một chân giơ ra phía trước.
Tầng 4:
Phần dưới cùng giáp xà ngang chạm 8 người, một người ngồi khoanh tay ngoảnh mặt ra ngoài về sau nhìn một người mặc áo thụng vai gánh hai hòm sách. Tiếp đó là một người cởi trần đóng khố quỳ hai đầu gối xuống hai tay giơ lên, sau đó là một người gánh đồ tay dắt ngựa đi.
Bức chạm số 17:
Bức này ở phía ngoài bên phải trung tế có kích thước có kích thước 1m65 x 1m25, cũng bố cục làm 4 phần:
Phần 1: Chạm một người mặc áo cà sa ngồi niệm Phật.
Phần 2: Chạm một đầu kìm ở giữa hai bên có hai người.
Phần 3: Chạm một người đứng dang chân, hai tay giơ lên như múa. Ở hai bên có chạm một con lân và trúc hoá rồng. Bên trái chạm hai người đang vật nhau, cạnh đó có một người đang đánh trống.
Phần 4: Một người đội mặt nạ như đang múa, tiếp đến là một con người chân cuốn xà cạp, tay cầm gậy mặc áo giáp đứng sau một con ngựa đang ở tư thế chuẩn bị cưỡi.
Ngoài ra ở tiền tế và trung tế còn có các bức chạm nhỏ ở đầu kẻ, xà nách, chạm đầu rồng, hoa lá, song nước, mây bay vv…
Hầu hết những bức chạm của đình Ngọc Canh, đều mang nội dung từ cuộc sống lao động, vui chơi giải trí của nhân dân ta thế kỷ 18 như đánh vật, múa lân, giữ cột buồm, đi săn….những bức chạm này mang đậm nét đặc sắc thái của nền nghệ thuật chạm trổ và điêu khắc thời Hậu Lê.
Đình Ngọc Canh được trùng tu và sửa chữa nhiều vào đời Nguyễn cho nên cũng ảnh hưởng ít nhiều nét nghệ thuật của đời Nguyễn như những bức chạm long cuốn thuỷ, tứ linh, bức tranh sơn thuỷ, mai điểu.v.v..
Ở đây chúng ta thấy một sự kết hợp và pha trộn hài hoà của hai phong cách cuối Lê đầu Nguyễn.
Hậu cung không có bức chạm nào mà toàn bộ đều bào trơn đục nhẵn đơn giản, chỉ có ở đầu bẩy chạm hoa lá, sóng nước. v.v…
ST