Ai là người làng Cánh, đã từng một lần biết tới các giếng cổ trong làng, ắt cũng tự đặt câu hỏi như người đời xưa từng thắc mắc
“Giếng khơi chín chiếc ai đào?”
Quả thực cho đến nay không ai biết rằng các giếng đá cổ ở Hương Canh có tự bao giờ và ai đã đào những chiếc giếng ấy cho dù rất đỗi quen thuộc. Theo tương truyền xưa kia chín chiếc giếng này cùng mười chùa được Cao Biền sai người đào và xây tại các huyện mạch để yểm bùa và triệt long mạch của làng, người ta gọi là “Thập Tự- Cửu Tỉnh” . Vì thế sau này người Hương Canh dù học giỏi đến mấy cũng không có ai đỗ đạt làm quan, truyền thuyết ấy được người làng kể lại trong bài vè như oán trách:
Trách Cao Biền xem đất cưỡi diều
Thấy đất ta sơn thuỷ chi giao
Quá tay đặt thập tự, cửu tỉnh
Ba làng Hương Canh có cả thảy 9 giếng cổ, chín chiếc giếng có hình dạng và cách thức xây gần giống nhau. Thành giếng là 6 phiến đá xanh được lắp ghép bằng mộng vừa khít tạo nên một hình lục giác cân đối, vững chãi. Đường kính lòng giếng khoảng hơn một mét rưỡi thước tây, đủ rộng cho mỗi người đứng ở một thành giếng cùng nhau múc mà gầu không va chạm vào nhau. Từ đáy giếng trở lên thành, giếng dưới được kè bằng những hòn đá hình bầu dục thon dài được chọn lựa hoặc đẽo gọt để có như hình quả bầu đều tăm tắp. Để chống trôi trượt, người xưa xếp những hòn đá bầu dục ấy theo từng lớp, cứ hết một lớp lại được rải thêm một lớp thân cây dương xỉ hoặc cây guột già phơi khô. Mặt khác lại chèn kỹ phía sau bằng những hòn cuội nhỏ, nhồi chặt bằng đất sét vàng. Phía ngoài cũng là một lớp cát vàng nhồi chặt, cứ thế cao dần lên tới tận mặt đất.Vì thế lòng giếng thường có cây dương xỉ mọc xanh um mỗi khi giếng có ít người dùng.
Giếng Treo nằm sát bờ sông Cánh gần cổng cầu treo, giếng Gợ có thành hình vuông, giếng Chùa trong điếm chùa, giếng Hạ ngay bên cạnh điếm Hạ, giếng Dộc nằmở đầu đình Ngọc, Giếng Mướp có cây bàng cổ thụ bên cạnh, giếng Trong nay vẫn còn, Giếng giữa ở gần cổng giữa, giếng Nội ở đầu đình Tiên.
Chín giếng đá ấy là nơi cung cấp nước sạch cho cả làng tự ngàn xưa đến mãi những năm hợp tác xã phát động phong trào đào giếng tại nhà vì thế nhà nào cũng có một giếng sử dụng nên ít người dùng giếng làng nữa, nhưng cũng có nhiều người vẫn hay sử dụng do thói quen xưa hoặc nhà sát gần giếng mà không đào thêm giếng cho nhà nữa.
Giếng làng Cánh nổi tiếng nước rất ngon và nhiều nước, quanh năm không bao giờ cạn. Người làng bảo nước ngon nhất là giếng Chùa và Giếng Giữa, nếu nhà ai đã làm tương thì nhất định phải đến tận nơi lấy kỳ được nước giếng để làm thì tương mới ngon. Duy có giếng Nội ở đầu đình Tiên, từ dạo giặc Cờ Đen giết trẻ con trong làng vứt đầy xuống giếng hồi năm Giáp Thân, nước tự nhiên hóa màu đỏ mỗi khi đến ngày giỗ trận và không ngon còn ngon như trước nữa.
Những trưa hè nắng to, khi mặt trời trên đỉnh đầu, người ta như nhìn thấy rõ mồn một đáy giếng. Đáy giếng không bằng phẳng mà có hai tầng, một cái giếng con hình vuông được đào sâu hơn ở chính giữa như hình đồng tiền xu cổ, vài ba con cá rô chẳng thấy ăn gì mà vẫn sống đang lững lờ bơi.
Vào các buổi chiều mát, giếng làng là nơi hội ngộ của dân làng sau buổi làm đồng vất vả, người tắm gội, người gánh nước cùng tiếng nói chuyện râm ran xen lẫn tiếng những tiếng cười làm sôi động của một góc đường làng. Thanh niên, đàn ông thì cứ kín nước rầm rập rồi cứ cả gáo nước mà ào ào từ đầu mà xuống, các bà các cô ai nấy cũng mỗi người một đôi quang gánh với hai chĩnh sành to, gánh về nhà nấu cơm và tắm gội, chỉ cần hai lượt gánh về đổ chum nước dưới gốc cây cau là đủ dùng cho cả nhà. Trẻ con thì cởi truồng từ nhà ra giếng làng mà tắm, lũ trẻ cùng đùa giỡn, té nước trêu nhau, chạy lăng xăng, hò hét inh ỏi mãi tối mịt mới chịu về.
Những đêm trăng sáng , giếng làng cũng là nơi hẹn hò của các đôi trai gái đến tuổi yêu, cũng từ ấy bao đôi trai gái ba làng đã kết duyên nhau thành đôi nên vợ nên chồng.
Giếng Trong- Ảnh Nguyễn Khánh Hùng
Vì là giếng chung nhưng ai cũng giữ gìn và bảo vệ cho nên hàng trăm năm giếng vẫn như xưa chẳng thay đổi gì. Hàng năm vào mùa cạn, các xóm góp tiền thuê thợ vét giếng nên bao giờ đáy giếng cũng sạch. Khi nạo vét giếng mất khoảng mất hai ngày để nước về và trong trở lại nên phải lấy nước về tích trữ hoặc dùng nhờ giếng xóm cạnh mấy hôm. Khi ấy người ta gọi hơn chục trẻ con của xóm, cùng nhau nắm dây thừng của chiếc thùng to đã được vắt qua một xà ngang được bắc qua mặt giếng mà cùng kéo. Chả mất nhiều thời gian chỉ độ non buổi chiều kéo liên tục là giếng cạn nước, có thể vét hết bùn đất hay vật dụng rơi xuống đáy giếng
Có lần vét giếng xóm Gợ khi khi kéo gần cạn giếng, người ta thấy trong mạch nước tự dưng đùn ra một chiếc lá cọ đã ngả màu. Vì thế người ta càng tin rằng giếng nước ở Hương Canh đều có mạch nguồn thông từ Suối Tiên trên Tam Đảo chảy về.
Thơi gian thấm thoát trôi đi .Khi mà phong trào đào giếng tư lên cao thì nhà nào cũng có giếng, vì thế người ta ít ra giếng làng lấy nước. Giếng làng vắng bóng người, rêu mốc loang lổ, lòng giếng những cây dương xỉ mọc um tùm. Chẳng còn ai vét giếng như xưa, mặt giếng đầy lá khô, nước lờ lờ đục..
Những năm làng làm ngói, người ta đã lấp hầu hết các giếng của làng, tang giếng bằng đá bị đập vỡ hoặc bị lấy về, giếng bị đổ đầy rác và xỉ lò, ngói vỡ. Một số khác gần sát nhà dân bị quây lại của riêng, rồi cũng lấp đi. Vì thế đến nay Hương Canh chỉ còn giữ lại một chiếc còn có dáng vẻ ban đầu là Giếng Trong ở khu Trong Ngoài hiện nay.
Bây giờ nhiều nhà cũng không còn giữ dùng giếng đào mà dùng giếng khoan hoặc dùng nước sạch thì ký ức về những chiếc giếng làng xưa càng nhạt nhòa trong cuộc sống thường ngày. Người làng đã quên cả tên những giếng xưa và nơi giếng làng năm ấy nơi đâu. Giờ đây mỗi trưa hè qua chiếc giếng cuối cùng của làng, chợt nhớ câu thơ của một người hoài cổ
“Bây giờ quạnh quẽ bơ vơ
Còn đâu tắm mát em thơ nô đùa
Đêm trăng trai gái hẹn hò
Xóm thôn nếp cũ bất ngờ đổi thay
Làng đô thị hóa giờ đây
Bỏ rơi cái giếng ắp đầy hồn quê
Người xưa thấp thoáng trở về
Giếng soi hình bóng mà nghe chạnh lòng ”
(ST)
Giếng Trong- Giếng Cổ cuối cùng làng Cánh
Giếng được kè bởi những hòn đá hình bầu dục
Giếng Gợ -Lòng giếng mọc đầy cây dương xỉ
Giếng Rộc – Đất đã lấp tràn miệng giếng
GIẾNG QUÊ
Giếng cổ quê mình ken đá xanh
Cho dân nguồn nước ngọt, trong, lành
Trẻ già tắm mát tâm hồn khoái
Trai gái soi mình đôi mắt lanh
Nước máy mời chào quên đến giếng
Đường làng rộng mở xóa đi vành
Ngoái nhìn quá khứ thêm suy ngẫm
Nhớ giếng quê mình nước mát xanh .
ST