Cập nhật: 10/10/2016 09:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, nhưng bén duyên với nghề mộc từ nhỏ, cùng sự kiên trì, không ngừng học hỏi, giờ đây anh Đại Tuấn Hưng ở thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) đã là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất vào loại khá trong vùng, không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất Hải Lợi ở thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) của anh Đại Tuấn Hưng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 6 lao động thường xuyên với mức lương từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng nơi anh sinh sống lại có truyền thống làm nghề mộc hàng trăm năm nay. Được sống trong môi trường làng nghề từ nhỏ, chứng kiến những người thợ đục đẽo để tạo ra những sản phẩm độc đáo, nên anh Hưng sớm có tình yêu với nghề mộc. Mặc dù vậy, anh vẫn thuận theo ý muốn của bố mẹ là hoàn thành xong nhiệm vụ học tập như các bạn cùng trang lứa. Năm 2008, nhận trên tay tấm bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, anh Hưng cũng thử đi tìm cho mình một công việc phù hợp ở đất Hà Thành. Nhưng, với một cậu sinh viên vừa mới ra trường, kinh nghiệm làm việc thì không có, điều đó quả thật rất khó khăn. Vì vậy, anh quyết định về quê học thêm nghề mộc vừa để thỏa mãn niềm đam mê, vừa muốn có nghề tay trái để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Sau một thời gian vừa học vừa làm tại các xưởng mộc, anh Hưng nhận gỗ về nhà làm để tăng thêm thu nhập. Khi tay nghề đã vững, cùng với nguồn vốn tích lũy được sau 4 năm vừa học vừa làm, năm 2012, anh Hưng quyết định mở xưởng mộc.

Thời gian đầu mới mở, xưởng mộc của anh gặp phải không ít khó khăn do quy mô nhỏ, thiếu máy móc, thiết bị nên đơn đặt hàng rất ít chủ yếu là của họ hàng và một số người dân trong vùng. Tuy nhiên, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” thu lãi về đến đâu, anh Hưng đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắm máy móc đến đó. Ngoài ra, anh còn không ngừng tìm tòi, học hỏi để tạo ra những sản phẩm chất lượng và đặc sắc nhất. Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm của anh ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng tìm đến đặt mua. Trung bình mỗi tháng cơ sở nhận được từ 5 - 10 hợp đồng, sản phẩm của cơ sở không chỉ tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được xuất đi các tỉnh khác như: Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh, thậm chí là cả Thành phố Hồ Chí Minh, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ, với mức thu nhập trung bình từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, tùy theo tay nghề. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cơ sở của anh Hưng thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng.

Tâm sự về bí quyết thành công trong nghề, anh Hưng chia sẻ: “Nghề mộc là nghề khá vất vả. Vì vậy, để có được thành công, người làm nghề phải có lòng nhiệt huyết và đam mê đặc biệt với nghề. Bên cạnh đó, phải luôn tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, chất lượng của gỗ đầu vào là rất quan trọng. Các cụ ngày xưa có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, cho nên, các loại gỗ đưa vào sản xuất tại xưởng phải là những loại gỗ chất lượng cao, không bị cong, vênh và có hoa văn tinh xảo. Có như vậy, sản phẩm tạo ra mới thu hút được khách hàng”.

 

ST

Tệp đính kèm