Cập nhật: 14/10/2016 09:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đình Hoàng Chung, thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích (Lập Thạch) thờ Tam vị Đại vương và Ngự sử Triệu Thái là người bản xứ đỗ đạt Tiến sỹ lưỡng quốc, làm đến chức quan Ngự sử và là người định ra Luật lệ thời Lê sơ.

Theo các cụ cao tuổi ở thôn Hoàng Chung kể lại: Đình Hoàng Chung được xây dựng vào thời Hậu Lê, khi xây dựng đình khá quy mô gồm đại đình 5 gian; xung quanh xây tường bao loan; 2 bên đầu đường có xây 2 cổng kiểu 3 mái trên có chữ “Tịnh hạ mã”. Đình được xây dựng ở vị trí giữa làng, kề bên trục đường chính, nay chỉ còn 1 cổng và dấu vết của bức tường xưa cùng những phiến đá kê chân cột đại đình. Sang thời nhà Nguyễn có làm thêm phần hậu cung 3 gian làm nơi thờ thành hoàng làng vừa kín đáo và thâm nghiêm. Di tích từ khi xây dựng đến nay vẫn ở nguyên vị trí cũ và đã được tu sửa một số lần song các công việc tu sửa chỉ là đảo ngói, xây lại cột tứ trụ… Năm 1981, do gian đại bái bị đổ, chính quyền xã đã dỡ ra làm trường học, vì vậy, di tích chỉ còn lại hậu cung. Trên thượng lương của đình còn ghi lại năm xây dựng hậu cung của đình đình như sau: Kiến phúc nguyên niên, thất nguyệt sơ thập nhật Nhâm Tý thân khắc phạt mộc đại cát (Phạt mộc vào giờ thân, ngày Nhâm Tý mùng 10 tháng 7 năm đầu Kiến Phúc 1884); một bên ghi: Tuế thứ Giáp Thân, thập nhất nguyệt sơ tứ nhật thân Thìn Tý khắc thụ trụ vương (Bắc nóc vào giờ Thìn khắc Tý ngày Thân mùng 4 tháng 11 năm Giáp Thân).

Đình Hoàng Chung có kiến trúc kiểu lòng thuyền với 2 hàng cột cái cao 5m, tất cả các sà cột đều được gia cố cẩn thận. 2 bức chạm trên đầu kè ở gian chính giữa hậu cung được chạm trổ rất công phu như: Bức thứ nhất tả cảnh rùa đội thư sách, rồng uốn đang hút nước; bức thứ 2 cũng chạm rồng nhưng ở tư thế khác, đầu rồng có nhiều tóc và vươn gần như đứng hút nước và theo dòng nước có 2 con cá chép đang theo dòng nước bay lên; cạnh đó là những cảnh sen rùa. Hai bức chạm này được thể hiện khá điêu luyện và miêu tả thành công các đề tài đã định trước. Tại 2 bức cuốn có chạm cảnh “Long vân đại hội”, trên cùng là chạm đầu rồng với tư thế nhìn thẳng…Hiện nay, đình Hoàng Chung còn lưu giữ được 1 bộ chấp kích bát bửu gồm 8 chiếc sơn son thếp vàng; 1 án thờ được chạm trổ công phu 3 mặt  với các hình “Long, Ly, Quy, Phụng”; 7 mâm bồng gỗ, 6 mộc hòm sắc; 3 ngai thờ; 1 bản đạo trúc có chạm đầu phượng; 3 cỗ kiệu; 3 nâm rượu bằng sứ, một bát men có ghi chữ “Nội phủ”; 5 đạo sắc của các thời vua chúa: Ngày 1-4 Tự Đức năm thứ 11, ngày 24-11 Tự Đức năm thứ 33, ngày 1-7 Đồng Khánh năm thứ 2, ngày 11-6 Duy Tân năm thứ 1, ngày 25-7 Khải Định năm thứ 9.

Ngày nay, đình Hoàng Chung là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của  nhân dân địa phương và là địa chỉ tham quan cũng như nghiên cứu sử học của các học giả trong và ngoài địa phương.

 

ST

Tệp đính kèm