Biển Đông đang phải đối mặt với thách thức về tự do hàng hải và hàng không liên quan tới hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc.
Giới phân tích đều có chung nhận định cho rằng, các thực thể Trung Quốc xây dựng trái phép sẽ không giúp cho nước này trong việc khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông. (Ảnh: CSIS)
Nhìn lại chiều dài của lịch sử, vấn đề đảm bảo tự do hàng hải từ lâu đã được các quốc gia dành cho sự quan tâm đặc biệt bởi nó gắn bó với sự phát triển của nhân loại, điều này càng trở nên quan trọng hơn trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định rõ rằng, quyền tự do hàng hải phải luôn được đảm bảo. Ngay trong vùng nội thủy - vùng biển mà một quốc gia có chủ quyền tuyệt đối tương tự như lãnh thổ trên đất liền thì UNCLOS 1982 vẫn bảo lưu quyền tự do hàng hải.
Theo đó, nếu như vùng nội thủy của một quốc gia trước đây có tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua thì quốc gia ven biển đó có trách nhiệm đảm bảo quyền tự do đi qua vô hại giống như trong lãnh hải. Điều này cho thấy, quyền tự do hàng hải là vấn đề cực kỳ quan trọng.
Biển Đông không chỉ đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng về môi trường, tài nguyên biển mà còn phải đối mặt với thách thức về tự do hàng hải và hàng không liên quan tới hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trên thực tế, kể cả thời gian trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) lẫn sau khi Tòa ra phán quyết, hoạt động của các tàu thuyền thương mại qua khu vực Biển Đông chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đang được đảm bảo.
Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông bị đe dọa
Về mặt lý thuyết, phán quyết của tòa án sẽ tạo ra một môi trường ổn định hơn ở Biển Đông nhưng đó là khi các bên tuân thủ theo quyết định của tòa. Thực tế những diễn biến ở Biển Đông lại không đi theo chiều hướng đó, khi Trung Quốc không ít lần lên tiếng bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài Quốc tế và không tuân theo phán quyết.
Điều đáng nói là sau phán quyết từ PCA, những lo ngại về việc đảm bảo tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông lại ngày càng gia tăng, tất cả bắt nguồn từ cách hành xử của Trung Quốc.
Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế về “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” diễn ra tại Hải Phòng ngày 11 - 12/10, ông Go Ito, Giáo sư Quan hệ quốc tế trường Đại học Meiji (Nhật Bản) cho rằng, Nhật Bản dù không có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông và Nhật Bản cũng không phải là quốc gia ven Biển Đông nhưng điều đó không có nghĩa là Tokyo không có tiếng nói trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.
Giáo sư Go Ito nói: “Trung Quốc thường nói rằng Mỹ và Nhật Bản là các bên nằm ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố này không được chấp nhận nhìn từ góc độ tự do hàng hải”.
Theo ông Ito, quan niệm về an ninh trong hàng hải có thể được chia làm ba yếu tố gồm: tự do hàng hải, khu vực đặc quyền kinh tế và quyền sở hữu lãnh thổ chứ không chỉ bị gói gọn trong cách nói về quyền sở hữu mà Trung Quốc vẫn “vin vào” để gạt Mỹ và Nhật Bản ra khỏi vấn đề Biển Đông.
Giáo sư Go Ito cho rằng: “Tuyên bố về đường 9 đoạn của Trung Quốc nếu trở thành hiện thực sẽ gây ra tác động lớn đối với an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực, vì vậy, khi đã có phán quyết của Tòa trọng tài, các bên liên quan sẽ có căn cứ để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông mặc dù không có chế tài buộc Bắc Kinh phải thực thi”.
Giáo sư Eric David, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tự do, Bỉ.
Giáo sư Eric David đến từ Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tự do, Bỉ cho rằng: “Dù Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế thì thực tế toàn bộ khu vực vẫn không phải là một không gian thiếu vắng các luật lệ. Biển Đông là một không gian được quản lý theo pháp luật chứ không phải ‘luật rừng’ như Trung Quốc suy nghĩ”.
Theo Giáo sư Eric Davis, dù Trung Quốc nhiều lần lên tiếng bác bỏ nhưng tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Tiến sĩ Alberto Encomienda, cựu Tổng thư ký Trung tâm các vấn đề đại dương và hàng hải thuộc Bộ Ngoại giao Philippines thì nêu quan điểm: “Tự do hàng hải chưa bao giờ bị phá vỡ ở Biển Đông nhưng luôn tiềm ẩn mối đe dọa ở vùng biển này. Theo tôi, những nguy cơ này có một phần nguyên nhân do đây là tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới”.
“Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế không được tôn trọng khi Trung Quốc tiếp tục là mối đe dọa với các hoạt động trên Biển Đông”, ông Encomienda nhấn mạnh.
Tiến sĩ Alberto Encomienda, cựu Tổng thư ký Trung tâm các vấn đề đại dương và hàng hải thuộc Bộ Ngoại giao Philippines.
Đồng quan điểm với ông Encomienda, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Đại học RMIT cho rằng: “Nội dung phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế không có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực tự do, an toàn hàng hải nhưng với thực tế Trung Quốc gây ra không ít các vụ cố tình đâm va với các tàu thuyền của những quốc gia khác trong khu vực thì rõ ràng đây là vấn đề có liên quan đến an toàn hàng hải trong khu vực”.
“Tự do hàng hải là quyền cơ bản khi các tàu thuyền được qua lại vô hại ở những vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế. Hiện tại những hành động của Trung Quốc đã và đang gây ra những lo ngại cho tất cả mọi người. Nó ảnh hưởng đến giao thương hàng hải mà giao thương hàng hải lại liên quan trực tiếp đến quyền qua lại vô hại.
Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế đã chỉ ra rằng, bất kỳ quốc gia nào cũng không có quyền ngăn cản việc qua lại vô hại và thế giới cần phải ghi nhớ điều đó”, Giáo sư – Tiến sĩ Devinder Grewal, Chủ tịch quản lý cảng Ấn Độ, Đại học Hàng hải Thế giới cảnh báo.
Giải pháp nào để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông
Khuyến nghị giải pháp giúp đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc Trung Quốc không ngừng tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông có nguy cơ dẫn đến việc mất an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
Chính vì lý do đó, các nước liên quan cần phải có nghĩa vụ cam kết tôn trọng tự do hàng hải, chấm dứt hoặc “đóng băng” tất cả các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Giáo sư – Tiến sĩ Devinder Grewal cho rằng, không một nước nào có quyền ngăn cản việc qua lại vô hại của tàu thuyền ở các vùng biển luật pháp quốc tế quy định.
Để ngăn chặn xung đột, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các học giả cho rằng, dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, các quốc gia cần tham gia tích cực hơn trong vấn đề ở Biển Đông.
Ngoài việc các bên tự kiềm chế, các tổ chức có liên quan, chẳng hạn như ASEAN cũng cần phải có tiếng nói về vấn đề Biển Đông. Theo đó, ASEAN cần thúc đẩy nghiêm túc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đẩy nhanh quá trình hướng tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Một số nhà khoa học thậm chí còn kiến nghị có thể đưa vấn đề ở Biển Đông ra Đại hội đồng hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vận dụng điều 3 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trong đó quy định, các quốc gia ven biển nửa kín có nghĩa vụ phải kiềm chế và hợp tác để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.
PGS-TS Nguyễn Thanh Thủy nói: “Điều quan trọng nhất là các quốc gia cần ủng hộ quan điểm về sự trung lập đối với không gian hàng hải và hàng không ở Biển Đông thông qua các cam kết về tự do hàng hải và hàng không giữa các nước. Thứ hai, cần phải sớm đạt được và áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đối với các quốc gia trực tiếp và gián tiếp liên quan”.
Các học giả cũng đồng ý với ý kiến cho rằng, không nên để căng thẳng ở Biển Đông đi quá giới hạn trở thành một cuộc xung đột bởi nếu điều này xảy ra, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói: “Chúng ta nên viết tiếp câu chuyện phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế bằng con đường chính trị và ngoại giao, tạo ra môi trường chính trị ổn định ở Biển Đông, buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề một cách hòa bình”./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN