Ở xứ Đồng Long có ngôi đền Đuông, Đền được xây dựng trên một gò cao ở phía Nam xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường. Đền thờ Đông Hải Long Vương, con thứ 25 của Lạc Long Quân và âu Cơ, vì kiêng uý chữ Đông, nên dân gian mới gọi tên đền là Đuông. Đền được suy tôn “ Nam Quốc Linh Từ’, có nghĩa là đền thiêng của nước Nam. Với không gian yên tĩnh và thoáng đãng, đền Đuông thích hợp là điểm du lịch tâm linh vào những ngày đầu xuân.
Đền Đuông - Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Đông Hải Long Vương được Hùng Vương giao cho cai quản cả vùng Bồ Sao, trị thuỷ sông hồng, thu nạp dân phiêu tán vì lụt lội về khai phá trại ấp, giữ yên bình cho các làng chạ suốt vùng châu thổ, từ ngã ba Hạc ra tới cửa biển. Hiện nay, trong đền thờ 3 pho tượng dòng thánh tâm, là Đông Hải Long Vương, người con thứ 25 trong số 100 con trai sinh cùng trong bọc bách noãn giữa Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Cung phi hoàng hậu Qúy Thanh là phu nhân của Đông Hải Long Vương và thượng Hoa công chúa là con gái của Đông Hải Long Vương. Đền Đuông vinh dự được bộ VH-TT và DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Đông Hải Long Vương là người đã có công trị thủy ở các dòng sông và giữ an ninh cho địa phương.
Đền Đuông không chỉ mang đậm sắc màu tâm linh mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo, tuy chưa xác định được đền xây dựng từ đời nào, nhưng qua nhiều lần trùng tu, đến nay đền vẫn giữ được một số di vật cổ có niên đại sớm nhất từ đời vua Lê Thành Hưng (1740- 1786), còn lại đa phần kiến trúc được kiến thiết từ thời Nguyễn TK XIX. Đền được xây dựng trên một đồi cao, xung quanh có tường bao bọc, từ ngoài vào đền có cổng chính và cổng phụ được xây bằng gạch, tiếp theo là sân đền với chiều dài 30m, rộng 10m, qua sân đền đến nhà Tiền Tế, Lầu Trống rồi vào Đại Điện. Đền có kiến trúc kiểu chữ công, đó là những ngôi nhà 3 gian được nối với nhau bằng một cầu nối. Toàn bộ kiến trúc đền có 40 cột gồm 4 hàng, tất cả được làm bằng gỗ tốt được đẽo tròn, bào nhẵn. Nét độc đáo của đền Đuông là Lầu Trống nối giữa Tiền Tế và đền chính, Lầu Trống gọi theo tên chữ là Phương Đình, được cấu trúc thành 2 lầu mái, có 2 cột gỗ, mỗi hàng có 4 chiếc cột, 2 mái được lợp ngói mũi hài uốn công mềm mại ở góc, 8 góc mái có đầu đao cong vút, nâng toàn bộ mái gói tạo cảm giác bay bổng, thánh thoát, các đầu đao được gắn với đầu rồng rất cầu kỳ. Tạo nên một công trình kiến trúc bề thế, chắc chắn, khang trang có quy mô đứng hàng đầu về kiến trúc trong vùng.
Đền Đuông còn lưu giữ được nhiều di vật cổ quý giá từ thời Hậu Lê (2 bát nhang cổ), 2 cột đá ghi công trạng của các nhân vật lịch sử, 1 chiếc chuông nặng trên 80 kg, 16 đao sắt phong cổ của các triều đại phong kiến, 1 kiệu bát cống… Đáng chú ý là trong đền có 11 pho tượng Đông Hải Long Vương và phu nhân cùng các võ sỹ. Đền Đuông có 4 lần tiệc vào các tháng 3, tháng 5, tháng 9, tháng 11, tháng 5 là tiệc chính trong năm diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15. Ngày tiệc là dịp để người dân trong và ngoài vùng nhớ về cội nguồn, tạo nên sức mạnh đoàn kết cộng đồng dân tộc.
Đền Đuông là biểu tượng về khả năng trị thuỷ sông Hồng của nhân dân Vĩnh Phúc, khả năng khai phá đồng bằng, làm nên diện mạo Bầu Sao và Vĩnh Tường trù phú như ngày nay.
ST