Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
Đảng và Nhà nước đã khẳng định, chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển đạt mức bình quân gấp 1,3 lần mức tăng chung của cả nước, nâng tỷ trọng GDP kinh tế biển lên 1/3 tổng GDP cả nước vào năm 2020. Khai thác tài nguyên khoáng sản mà điển hình là dầu khí là một trong những mũi nhọn nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Biển Đông của Việt Nam có 2.779 hòn đảo, trong đó có 1.295 đảo chưa có tên và hai vịnh lớn là Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái-lan ở hai đầu Tổ quốc cùng hai tiểu lục địa quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.
Quần đảo Hoàng Sa có 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Hoàng Sa nằm giữa một khu vực có tiềm năng cao về hải sản và trữ lượng dầu mỏ nhưng xưa kia không có dân bản địa. Ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (Ất Mùi 1835), nhà Nguyễn đã phái một đội thuyền gồm ba chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo này.
Về phương diện kinh tế và quân sự, không thể phủ nhận vai trò quan trọng ngày càng gia tăng của Biển Đông đối với nhiều quốc gia trong vùng Đông - Nam Á.
Biển Đông có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng vì đó là thủy đạo nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua eo biển Ma-lác-ca. Mọi di chuyển bằng hàng hải giữa các quốc gia thuộc Vòng đai Thái Bình Dương với vùng Đông-Nam Á, Ấn Độ, Tây Á, Địa Trung Hải và xuống tận châu Úc, đều thường xuyên đi qua vùng biển này. Biển Đông là nguồn cung cấp hải sản, dầu thô, và khí đốt rất lớn.
Các tranh chấp căng thẳng trên biển Đông cho thấy, chủ quyền của Hoàng Sa là then chốt trong việc nắm quyền kiểm soát đường hàng hải quan trọng bậc nhất của Đông - Nam Á và bậc nhì của thế giới. Tại phiên họp toàn thểHội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) cuối tháng 11 năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: EAS cần tăng cường hợp tác hơn nữa về an ninh, an toàn hàng hải vì đây chính là mối quan tâm và lợi ích chung của khu vực và thế giới, Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực chung vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông; ủng hộ ASEAN thực hiện Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông nhằm bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Biển Đông là một trong những vùng có mật độ hàng hải đông đúc nhất trên thế giới. Hơn một nửa số tàu chở dầu siêu cấp của thế giới chạy qua vùng biển này hằng năm. Lượng tàu chở dầu chạy qua Biển Đông lớn gấp ba lần lượng tàu chạy qua kênh Su-ê và gấp năm lần lượng tàu qua kênh đào Pa-na-ma; gần 20% lượng dầu thô trên thế giới được chuyên chở ngang qua Biển Đông.
Quần đảo Trường Sa gồm khoảng 148 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm rải rác trên một diện tích gần 410.000 km² ở giữa Biển Đông có đường bờ biển dài 926 km. Quần đảo này vốn không có đất trồng trọt và xưa kia không có dân bản địa với hai mươi đảo, trong đó đảo Ba Bình có diện tích lớn nhất, được coi là nơi cư dân có thể sinh sống bình thường.
Năm 1968, người ta tìm thấy dầu mỏ trong vùng lòng chảo trầm tích của Trường Sa. Theo số liệu gần đây vùng này có chứa trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên rất lớn, lên đến 17,7 tỷ tấn (1,60 x 1010 kg), so với 13 tỷ tấn (1,17 x 1010 kg) của Cô-oét và được xếp vào danh sách một trong bốn vùng có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới.
Trữ lượng khai thác cá thương mại của vùng biển quần đảo Trường Sa chiếm 8% tổng số lượng đánh bắt hải sản của thế giới, một con số chắc chắn còn có thể tăng lên. Như vậy, trữ lượng hải sản và các nguồn dầu mỏ, khí gas tự nhiên ở vùng biển này có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đô-la.
Đảng và Nhà nước đã khẳng định, Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển đạt mức bình quân gấp 1,3 lần mức tăng chung của cả nước, nâng tỷ trọng GDP kinh tế biển lên 1/3 tổng GDP cả nước vào năm 2020. Khai thác tài nguyên khoáng sản mà điển hình là dầu khí là một trong những mũi nhọn nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
“Ý Đảng lòng Dân” đã thuận. Còn ý Trời thì thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước ta, có Thượng Gia là nếp lồi kiến tạo Trường Sơn - ngôi nhà vĩ đại vĩnh hằng của đại gia đình các dân tộc Việt Nam định cư trường tồn và phát triển bền vững cùng tạo hóa muôn đời; và Hạ điền là Biển Đông Thái Bình Dương giàu tài nguyên khoáng sản, tài nguyên năng lượng dầu khí và quần cư các hệ sinh thái động thực vật đại dương phong phú và quý hiếm. Dựa vào Đất Mẹ Trường Sơn với những đặc thù của địa kiến tạo thạch quyển mà thế núi Trường Sơn có hình thể bình đồ kiến trúc sơn thủy hữu tình, tự nhiên hài hòa mà uy nghi đường bệ, hiên ngang sánh bước cùng các dòng sông: Hồng Hà - Cửu Long thẳng tiến ra Biển Đông hướng về phía Mặt Trời.
Cả 21 tỉnh duyên hải quyết một lòng xây dựng thành công hệ thống hạ tầng cơ sở kỹ thuật biển để thức dậy tiềm năng vô cùng to lớn của Biển Đông phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TS NGUYỄN XUÂN THẮNG
Báo Nhân dân điện tử