Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của Đền Ngự Dội (thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường) và nhằm tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của ông cha ta để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, UBND huyện Vĩnh Tường đã có quy hoạch tổng thể đầu tư, tôn tạo di tích Đền Ngự Dội.
Tôn tạo, hoàn thiện đồng bộ khu di tích Đền Ngự Dội là việc làm cần thiết, cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của du khách, nhân dân
Đền Ngự Dội thuộc địa phận thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường được xây dựng từ năm 603 trên cánh đồng bãi La Phiên xưa (nay là thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh). Đền được lập để thờ Tam vị Đại vương là Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, năm 1989, Đền được khởi công tôn tạo và bảo tồn. Năm 1994, Đền Ngự Dội được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, Đền Ngự Dội đã xuống cấp nghiêm trọng. Các hạng mục phụ trợ như chùa, nghi môn đã xuống cấp; mái đền ngấm dột, ẩm mốc; các hạng mục khác xây tạm để phục vụ nhu cầu sử dụng; phía ngoài Đền có 1 nhà cấp bốn, 3 gian trước là nhà trẻ của thôn, nay đã bỏ hoang, hư hỏng hoàn toàn; hệ thống điện, hệ thống cấp nước đều sử dụng của nhân dân xung quanh... Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Đền Ngự Dội đã được phê duyệt dự án tôn tạo.
Theo báo cáo phương án thiết kế, dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Đền Ngự Dội tại xã Vĩnh Ninh được quy hoạch trên tổng diện tích 2,986 ha. Các hạng mục sử dụng kiến trúc truyền thống kết hợp kiến trúc đương đại, mang tính vùng miền, tôn vinh được giá trị truyền thống, đáp ứng công năng sử dụng, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thành một quần thể kiến trúc đồng nhất, liên hoàn. Dự kiến kinh phí đầu tư xây dựng công trình khoảng trên 28 tỷ đồng, trong đó, đầu tư giai đoạn 1: gần 25 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện dự án được huy động từ vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, việc tôn tạo di tích lịch sử Đền Ngự Dội đang gặp phải một số vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và thiếu vốn. Ông Nguyễn Hữu Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết: Việc tôn tạo và phát huy giá trị di tích Đền Ngự Dội là việc làm cần thiết và cấp bách. Diện tích cần phải mở rộng thêm gần 2,6 ha, trải dài trên phần đất của 2 thôn là Kim Xa và Duy Bình. Đa số người dân thuộc thôn Duy Bình đồng ý trả lại đất cho chính quyền xã và nhận tiền đền bù hoa màu; cấp ủy Đảng, chính quyền đang vận động 72 hộ dân, với diện tích hơn 1,1 ha, thuộc xứ đồng Gốc Trượng, thôn Kim Xa chấp nhận phương án đền bù để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Ông Đặng Trung Đoàn, Bí thư Chi bộ thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh cho biết: Dự án tôn tạo và phát huy giá trị di tích Đền Ngự Đội là một chủ trương lớn, được đa số người dân trong thôn tán thành. Đây là một việc làm cần thiết nhằm hoàn thiện đồng bộ khu di tích Đền Ngự Dội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của du khách, nhân dân. Tuy nhiên, thu nhập của người dân trong xã chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp, diện tích đất canh tác rất ít và không có nghề phụ nên việc bàn giao mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ dự án, thôn sẽ đẩy mạnh công tác vận động nhân dân hiến đất, sớm bài giao mặt bằng cho Nhà nước; tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của việc tôn tạo đền, có hướng phát triển việc làm cho các hộ bị thu hồi đất.
Đồng chí Nguyễn Hữu Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết: Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Ninh tập trung tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất giải phóng mặt bằng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện thông qua quy hoạch xây dựng công trình, lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Đơn vị tư vấn thiết kế, dự toán từng hạng mục công trình để vận động kêu gọi ủng hộ, hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt và hoàn thiện các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công trong tháng Giêng năm 2017.
ST