Cập nhật: 24/10/2016 09:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo nhiều chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam muốn phát huy tiềm năng để phát triển bền vững, rất cần sự liên kết giữa các bên tham gia làm nông nghiệp.

Việt Nam cần tăng thu hút đầu tư công nghệ vào làm nông nghiệp để gia tăng giá trị nông sản (Ảnh minh họa: KT internet)

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mới đây khuyến nghị rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam “đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa”. Đây không phải lần đầu tiên giới chuyên gia khuyến nghị ngành nông nghiệp phải đổi mới mạnh mẽ cách làm để có thể phát triển trong bối cảnh mới. Vấn đề đặt ra là, đổi mới thế nào để phát triển bền vững, trong đó các bên tham gia làm nông nghiệp đều thắng?

Cần tháo nút thắt về sở hữu đất đai

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD), TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cho rằng trong tương lai ngành nông nghiệp phải đảm bảo “tăng giá trị, giảm đầu vào". Tức là phải tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân và người tiêu dùng đồng thời sử dụng ít hơn tài nguyên, nhân công và hóa chất độc hại. Tăng trưởng sẽ dựa chủ yếu trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và tạo thêm giá trị mới.

Đồng tình quan điểm ngành nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới cách làm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nông nghiệp đang đối mặt áp lực mới, không thể không chuyển đổi sang cách làm mới, sự chuyển đổi là không thể chần chừ. Bởi vì Việt Nam đã ra khỏi ngưỡng nghèo rồi, nông nghiệp đã hoàn thành vai trò lịch sử sau chiến tranh, không thể bắt nông nghiệp cứ là chỗ dựa cho kinh tế Việt Nam. Ngành nông nghiệp cần phát triển cách mới gắn với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phù hợp với yêu cầu mới của toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam, phù hợp với sự già hóa dân số và sự gia tăng tầng lớp trung lưu, công bằng xã hội….

Để ngành nông nghiệp có thể tăng giá trị mà giảm đầu vào, rất cần tăng vai trò kiến tạo của Chính phủ, giảm chỉ đạo. Theo bà Lan, cải cách thể chế của Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, trong đó để phát triển nông nghiệp cần quan tâm hơn đến chính sách đất đai.

Cùng với đó, vai trò của khu vực tư nhân phải là động lực chính cho tăng trưởng. Muốn thu hút doanh nghiệp tư nhân vào nông nghiệp thì quyền sử dụng đất phải là quyền tài sản được đảm bảo. Khi chưa điều chỉnh được sở hữu về đất đai thì quyền tài sản phải được đảm bảo làm tiền đề để doanh nghiệp đầu tư lâu dài vào nông nghiệp.

Phải liên kết để cùng phát triển

Liên quan đến hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Việt, mới đây, khi trả lời phỏng vấn của VOV, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group, cũng lưu ý rằng, nông nghiệp có còn là ưu thế nữa hay không không phải do chúng ta quyết định mà do cái chợ của thế giới còn xem nông nghiệp là một ưu thế nữa hay không. Cần phải nghiên cứu biến đổi nền nông nghiệp của chúng ta như thế nào để thích hợp với các tính chất thời đại, các giá trị thời đại.

Ông Bạt đặc biệt lưu ý rằng, khi nông dân mà lạc hậu thì nông nghiệp không thể thành thế mạnh. Cho nên nông nghiệp có “thế” gì là do thị trường quyết định, còn chúng ta có nắm bắt được thời cơ không, có thu được thành tựu gì không phụ thuộc vào việc ta có một lực lượng đủ linh hoạt, đủ thông thái, có một bộ máy lãnh đạo đủ đúng đắn để hỗ trợ nó hay không.

Tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016, bà Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh rằng, thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Toàn cầu hóa làm cho kinh tế nông nghiệp cũng phải thay đổi, trong đó có việc hình thành chuỗi giá trị. Theo đó, doanh nghiệp, nhà nông, ngân hàng, nhà khoa học…phải tham gia chuỗi. Dù lớn dù nhỏ cũng đều phải liên kết lại để phát triển. Nông dân nhỏ, doanh nghiệp nhỏ phải liên kết để mạnh hơn; doanh nghiệp lớn cũng không thể đứng một mình.

Theo bà Phạm Chi Lan, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông nghiệp hiện nay thay đổi nhiều. Nông dân, doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của họ, nếu không sẽ bị loại. Đây là vấn đề lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế giữa các bên, đồng thời yếu tố công nghệ cũng sẽ chi phối mạnh mẽ đến chất lượng và giá trị nông sản.

Muốn phát triển bền vững, theo bà Lan, “chúng ta phải đi từ từ, chứ không nhất thiết xóa bỏ ngay nông dân nhỏ. Dần dần đưa nông dân vào Hợp tác xã. Nông dân nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác khai thác thị trường chứ không nhất thiết cứ phải là các tập đoàn lớn. Đó phải là cuộc chơi các bên sẽ cùng thắng”.

Chính phủ cần kiến tạo vào 3 nhóm nội dung gắn với nông nghiệp

Theo bà Phạm Chi Lan, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, Chính phủ cần kiến tạo 3 nhóm nội dung: Thứ nhất, Chính phủ phải kiến tạo chính sách, tạo không gian sân chơi công bằng, thông thoáng cho các nhà cùng vào cuộc chơi kinh doanh nông nghiệp.

Thứ hai, phải có một cơ chế chính sách đất đai khác đi để nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất; bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, doanh nghiệp. Chính phủ kiến tạo chính sách tín dụng. Phải bỏ nhiều tín dụng hơn cho nhà khoa học nghiên cứu, cho nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất. Thời gian qua, chúng ta đã bỏ ra quá nhiều tín dụng cho các ngành khác. Bên cạnh đó, Chính phủ còn kiến tạo chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, thông tin…

Thứ ba, Chính phủ phải thể hiện hiệu quả vai trò giám sát; mở rộng quan hệ quốc tế nhằm gỡ bỏ những rào cản, mà lĩnh vực nông nghiệp nhiều rào cản nhất, đảm bảo các yếu tố hợp tác quốc tế trong khai thác các nguồn tài nguyên như nước…/.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm