Cập nhật: 24/10/2016 09:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gần 7 năm qua, đội ngũ cán bộ nghiên cứu về ung thư ở Việt Nam vẫn chưa có một điều tra mới nào về căn bệnh này.

Bệnh viện K Trung ương quá tải bệnh nhân

Ung thư đang là đại dịch tại Việt Nam với trung bình khoảng 315 người chết vì căn bệnh này mỗi ngày, cao gấp 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông. Trong khi người dân đang hết sức lo lắng thì gần 7 năm qua, đội ngũ cán bộ nghiên cứu về ung thư vẫn chưa có một điều tra mới nào.

Công tác phòng chống ung thư đang thiếu một chiến lược ngăn ngừa, nhằm giảm thiểu căn bệnh này.

Tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư diễn ra mới đây, trong khi hàng chục tham luận cập nhật những kỹ thuật hiện đại điều trị ung thư thì những số liệu tổng quan về căn bệnh này của Bệnh viện K Trung ương và Hội Ung thư Việt Nam vẫn dựa vào kết quả điều tra từ năm 2010.

Điều này khiến nhiều người vốn đã lo ngại về tình trạng bệnh ung thư có xu hướng tăng ở nước ta càng thêm “sốt ruột”. Năm 2010, số bệnh nhân ung thư tăng gần 2 lần so 10 năm trước đó; còn hiện nay, con số này chưa biết chính xác là bao nhiêu?

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam thừa nhận, trong khi trên thế giới cứ 5 năm lại công bố kết quả điều tra về ung thư một lần thì tại nước ta gần 7 năm qua vẫn chưa có điều tra mới. Số liệu điều tra về ung thư ở Việt Nam rất cũ và tản mạn.

Năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới công bố kết quả điều tra về bệnh ung thư trên toàn cầu và chuẩn bị công bố kết quả mới nhất vào năm 2017. Nhưng chúng ta từ năm 2010 đến nay chưa tiến hành điều tra lại, vì không có tiền.

Dựa vào kết quả điều tra năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư của toàn cầu, tức là tỷ mắc và tử vong ung thư ở nước ta xếp vị trí thứ 78/172 quốc gia. Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ này, đến nay, vẫn chưa thể có câu trả lời, khi ngành y tế chưa tiến hành một cuộc điều tra mới.

Trước đây, do không có những tổng hợp, nghiên cứu kịp thời về bệnh ung thư, ngành y tế chưa đưa ra được những khuyến cáo và giải pháp cần thiết, đặc biệt không đáp ứng được nhu cầu điều trị của người dân. Tình trạng quá tải bệnh nhân xảy ra trầm trọng tại các cơ sở điều trị ung thư trong một thời gian dài và đến nay chưa thể giải quyết triệt để.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: “Trong thời gian tới, trách nhiệm của chúng tôi còn rất nặng nề. Phải có chiến lược, cách làm bài bản, khoa học để phòng chống ung thư hiệu quả cao hơn nữa”.

Theo kết luận của cuộc điều tra năm 2010 thì đối với nam giới, ung thư phổi chiếm tỉ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp đến là ung thư dạ dày, gan, đại trực tràng và ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi. Hiện nay, một số thống kê đơn lẻ cho thấy, tất cả các loại ung thư đều có xu hướng gia tăng ở nước ta, chỉ có ung thư cổ tử cung có xu hướng giảm…

Thực tế đang đòi hỏi một cuộc nghiên cứu quy mô toàn quốc về bệnh ung thư để đánh giá mức độ của đại dịch, số người mắc và tử vong, loại bệnh ung thư nào tăng, giảm và nguyên nhân nào gây nên đại dịch. Từ đó hoạch định được chiến lược phòng chống có hiệu quả và đẩy lùi yếu tố nguy cơ.

Phó Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết: “Hiện tại, số liệu thống kê về bệnh nhân ung thư chúng tôi mới chỉ thực hiện được tại 6 địa điểm chính là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên- Huế, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh và đang trong quá trình hoàn thiện để điều tra tại 3 địa điểm khác là Đà Nẵng, Thanh Hóa và Kiên Giang.

Kinh phí của Chương trình Phòng chống ung thư quốc gia không nhiều và giảm hàng năm, đây là trở ngại chất cho việc điều tra, ghi nhận về bệnh nhân ung thư. Chúng tôi đang cố gắng huy động mọi nguồn lực của các tổ chức để cùng chung tay góp sức trong cuộc chiến phòng chống ung thư”.

Việc chờ kinh phí để tiến hành điều tra định kỳ về bệnh ung thư đã cho thấy, cần có một hệ thống quốc gia về thống kê y tế nói chung và bệnh ung thư nói riêng được kết nối từ trạm y tế xã đến các bệnh viện tuyến Trung ương để cập nhật dữ liệu hàng năm. Đòi hỏi phải thực hiện bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu trên toàn quốc.

Giải pháp này mới chỉ bước đầu được ứng dụng trong quản lý, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cần được mở rộng trong các lĩnh vực khác như thống kê, tổng hợp về bệnh nhân ung thư để đáp ứng thực tế hiện nay./.

Theo Văn Hải/VOV.VN

Tệp đính kèm