Nghề làm gốm của người Hương Canh đã hình thành hơn 300 năm trước, với những sản phẩm nổi tiếng khắp cả nước. Những năm gần đây, gốm Hương Canh đang dần bị mai một. Tuy nhiên, vẫn còn những nghệ nhân nặng tình với nghề gốm, trong đó có nghệ nhân Trần Văn Hải, ở Tổ dân phố Lò Cang, thị trấn Hương Canh(Bình Xuyên).
Nghệ nhân Trần Văn Hải tạo hình cho sản phẩm gốm của mình
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề gốm, ngay từ khi 4 tuổi, Trần Văn Hải đã được làm quen với những miếng đất sét. Năm 1972, ông Hải vào làm ở Hợp tác xã gốm Hương Canh. Vừa làm, ông vừa học hỏi và chắt chiu kinh nghiệm của những người đi trước. Ông Hải cho biết: “ Lúc ấy, thị trấn Hương Canh nổi tiếng với nghề làm chum, vại, nồi niêu, ấm chén có độ bền cao, mang nét đặc trưng riêng nên được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt rộng rãi trên khắp cả nước. Nhưng, không phải ai cũng làm được gốm, bởi ngoài sự hiểu biết về gốm, còn đòi hỏi người thợ phải hết sức kiên trì, mày mò, sáng tạo và đặc biệt là lòng yêu nghề. Để làm ra một sản phẩm gốm phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Trước tiên là phải nhào đất thật kỹ cho ra nhựa. Công đoạn tiếp theo là tạo hình trên đất. Sau khi hoàn thành thì đem đi phơi nắng. Và cuối cùng, khâu quan trọng nhất là nung gốm, người thợ phải điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp với từng loại sản phẩm”.
Vốn được thừa kế kỹ thuật làm gốm từ người cha, cùng với sự chịu khó mày mò, tay nghề của ông nhanh chóng được nâng cao. Năm 1973, ông Hải được cử làm thầy dạy nghề gốm cho những người khác mới vào Hợp tác xã. Năm 1987, do sự cạnh tranh gay gắt của đồ nhựa và đồ kim loại, khiến cho đồ gốm Hương Canh khó tiêu thụ, HTX gốm Hương Canh phải tuyên bố giải thể, nhiều người chuyển hướng làm nghề khác,nhưng, với quyết tâm gắn bó với nghề, ông Hải vay mượn tiền của bạn bè và gia đình mở xưởng sản xuất gốm tại gia đình. Đầu ra khó khăn, nguyên liệu sản xuất thiếu thốn nhưng với kinh nghiệm sẵn có cùng với quyết tâm khắc phục khó khăn, đến nay, sản phẩm của gia đình ông Hải tuy chưa phong phú về mẫu mã nhưng được thị trường đánh giá là có chất lượng và sang trọng, lò gốm của gia đình ông lúc nào cũng đỏ lửa. Với công suất trung bình từ 3 – 4 ngày cho một vòng lò, sản phẩm làm ra đều đạt chất lượng loại 1, gia đình ông thu lãi từ 200 – 250 triệu đồng/năm. Ông Hải phấn khởi cho biết: “Tôi yêu cái nghề truyền thống này, nên mới quyết định gắn bó với nó đến ngày hôm nay. Hiện tại, đầu ra sản phẩm cũng bắt đầu ổn định. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, tôi không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao tay nghề, tập trung vào chất lượng sản phẩm. Nhưng điều tôi muốn nhất là nghề này tiếp tục phát triển, người gắn bó với nghề như tôi được tạo điều kiện để giữ gìn truyền thống của đất Hương Canh”.
Sau 42 năm gắn bó với nghề, sản phẩm của ông đã có mặt ở khắp mọi miền trong cả nước. Nhiều sản phẩm đã có tên tuổi như: Rồng thời Lý, Trần và các sản phẩm gốm mỹ nghệ ở Khu văn hoá Văn Lang (Phú Thọ), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), vườn Quốc Gia Ba Vì (Hà Nội)...Năm 2006, ông Hải được UBND tỉnh trao danh hiệu “Thợ giỏi cấp tỉnh”. Năm 2015, ông là một trong 15 người được vinh danh nghệ nhân của tỉnh .
ST