Cập nhật: 27/10/2016 08:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đền Ngự Dội (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường) nằm ở đầu thôn Duy Bình trên bãi bồi sông Hồng, quay mặt về hướng Tản Lĩnh. Được xây dựng từ năm 603 trên cánh bãi La Phiên xưa, nay là xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, đền Ngự Dội đã chứng kiến bao mùa đổi dòng thay hướng của sông Hồng mỗi mùa con nước.

Lễ rước Thánh vào Đền Ngự Dội

Lễ hội đền Ngự Dội diễn ra vào các ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm, trong đó chính hội vào các năm Tý, Ngọ, Mão Dần, là một trong những lễ hội cổ truyền tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.

Lễ hội đền Ngự Dội là một lễ hội dân gian đặc sắc, còn lưu giữ được các nghi thức, nghi lễ gắn liền với sinh hoạt, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Lễ hội được hình thành trên cơ sở huyền thoại về Tản Viên Sơn Thánh, một trong Tứ bất tử, người được coi là ông tổ của nông nghiệp Việt Nam.

Cụ Lã Văn Nông, nay hơn 80 tuổi, đã gần 40 năm làm thủ từ ở đền Ngự Dội, gần như thuộc làu về sự tích ngôi đền này kể lại: Tương truyền Đức Tản viên Sơn Thánh cùng đại binh sau khi đánh thắng giặc Thục trên đường về Đông Cung (đền Và - Thị xã Sơn Tây -Hà Nội) có đi qua vùng đất thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường ,Vĩnh Phúc (Trang La Phiên xưa). Khi đến bờ sông Hồng bèn lệnh cho binh sĩ nghỉ chân, còn Ngài ra bờ sông tắm gội. Đến bờ sông thấy hai cô thôn nữ đang cắt cỏ ngoài bãi bồi, Ngài liền truyền hai thôn nữ này xuống sông múc nước để ngự dội tẩy bụi trường chinh.

Theo truyền thuyết, 2 cô thôn nữ gánh nước bằng sọt vui mừng về bến

Vâng mệnh Ngài, nhưng cả hai thôn nữ ấy vô cùng lo sợ vì họ chỉ có đôi sọt tre đựng cỏ làm sao đựng được nước. Biết vậy, Đức Ngài truyền: “Cứ vợi nước đi, khắc được nước”. Thật lạ lùng, đôi sọt tre dân dã ấy gánh được nước sông Hồng không trào ra một giọt, không sánh một ly. Hai người con gái ấy mới biết: Vị tướng oai phong lẫm liệt trước mặt mình là Đức Thánh Tản Viên. Họ vội về làng thuật lại cho mọi người nghe. Thấy vậy, dân làng lũ lượt kéo nhau ra xem thì thấy Ngài đang dùng sọt múc nước tăm gội, biết đây là bậc thánh thần nên họ vội vã về làng mổ lợn, sửa soạn lễ vật để mời Ngài ngự.

Đoàn rước từ đền Và (Sơn Tây) cập bến trong sự chờ đón của hàng ngàn người

Vì phải đi ngay cho kịp, Đức Ngài cho phép dân làng dâng lễ sống để kịp giờ quân trẩy. Để tưởng nhớ ngày Ngài ngự ở trang La Viên (nay là thôn Duy Bình, Vĩnh Ninh) ngày đó vào rằm tháng giếng năm Tý nhân dân lập đền thờ Đức Ngài, gọi là đền Ngự Dội. Vì thế mà lễ vật dâng Thánh hàng năm ở đề Ngự Dội có lợn sống phủ mỡ chài, trên sống gáy còn để sót lại chùm lông, trầu cau têm không quệt vôi (các cụ cao niên lý giải rằng lễ vật do làm vội nên còn có những khiếm khuyết).

Cụ Lã Văn Nông cho biết tiếp: Sau khi Ngài tẩy bụi trường chinh ở trang La Viên, thuộc trấn Sơn Tây thời bấy giờ, Ngài đưa quân lính vượt sông Hồng để kịp ngày hội quân, thuyền đưa Ngài sang bên kia sông Hồng. Ngài gặp một ông lão đánh cá và hỏi từ sáng đến giờ ông có đánh được nhiều không? Ông Lão đáp cả sáng nay chưa đánh được một con nào cả. Thấy vậy, Thánh Tản Viên dạy dân kéo vó và bắt được 100 con cá, sau đó ngài phóng sinh một con cá trê đang có mang. Về sau con cá này sinh được 9 con, đều hoá đá, đầu chầu về hướng đền Và hay còn gọi Đông Cung  thuộc phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Tp Hà Nội. Sau đó, Ngài đã Hóa Thánh trên đỉnh núi Ba Vì hiện nay vẫn có đền thờ Ngài.

Đoàn rước bắt đầu tiến lên bờ

Qua tìm hiểu thì lễ Mộc dục (Lễ tắm tượng thần hay thần vị) và lễ Tiến đốn tại đền Ngự Dội (lễ chính) được tiến hành 3 năm một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão và Dậu trong vòng một giáp (12 năm). Tám năm còn lại trong giáp, cứ vào giờ Mùi ngày 14 tháng Giêng hàng năm, từ đền Ngự Dội, nhân dân rước kiệu ra sân để thu thuỷ. Chiếc thuyền rước chóe và cờ lệnh vượt qua dòng nước đôi sông Hồng theo hiệu cờ lệnh. Thật lạ kỳ, trong tiết trời mùa xuân lộng gió, cờ tự nhiên rủ xuống rồi bất thần phần phật tung bay. Khi ấy, thuyền mới được đảo 3 vòng rồi thu nước rước về.

Theo lời của người dân địa phương: Bất luận thời tiết thế nào, giờ Mão, sáng rằm tháng Giêng của những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu bao giờ cũng có một đợt gió mạnh từ non Tản thổi thẳng vào cửa Ngự Dội. Và ngày rằm tháng Giêng của  năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nhân dân thập phương nô nức về đền Ngự Dội để cử hành lễ Mộc Dục và lễ Tiến đốn. Lễ Tiến đốn bằng một con lợn sống, được mổ sạch sẽ, để lại một chòm lông gáy, mỡ chài phủ kín và cơi trầu không vào vôi để dâng lên Đức Ngài.

Quay kiệu 3 vòng trước khi vào đền

Trải qua những năm chiến tranh, đền Ngự Dội vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ, bảo vệ như một di tích lịch sử quý giá. Nhiều liệt sĩ đã ngã xuống tại đây và cả thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, đến Ngự Dội là cơ sở kháng chiến của ta trong vành đai trắng giữa vùng tề ngụy. Đã có một thời, do điều kiện chiến tranh, bát hương thờ phụng Đức Ngài chỉ được đặt trên một miếng ván nhỏ, che nắng che mưa bằng phên gianh lá mía. Gian khổ là vậy, nhưng không một lúc nào nén hương không thơm toả trên bát hương thờ phụng Đức Ngài.

Năm 1989, đền Ngự Dội chính thức được xây dựng lại với 3 gian hậu cung; rồi xây thêm nhà Đại Bái, cổng phụ vào đền, tường bao quanh, cổng Tam quan có chạm nổi voi chầu và rước tượng Thánh vào đền... Cửa đền hướng thẳng về Tản Viên Sơn hùng vĩ; trước cửa đền là dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, 2 bên là 2 cánh bãi sa bồi, lưng đền dựa vào đất Tổ Phong Châu, tạo thành dáng Long chầu - Hổ phục. Năm 1994 (Giáp Tuất), Đền được xếp hạng và công nhận Di tính Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh.

Bàn thờ chính tại đền Ngự Dội

Cho đến nay, tuy không còn vẻ cổ kính và chưa thật khang trang, nhưng Đền Ngự Dội vẫn luôn toát lên sự tôn nghiêm, thành kính. Và dù là truyền thuyết, song đền Ngự Dội luôn là biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của người dân Vĩnh Ninh nói riêng về đức Thánh Tản Viên trên đường độ thế, giúp dân.

Do vậy, thành lệ, hàng năm, không chỉ người dân địa phương, mà du khách ở mọi nơi đều về đây trẩy hội, cầu an tưng bừng náo nhiệt. Từ năm 1996, lễ hội Đền Ngự Dội được tổ chức theo vùng. Cứ vào dịp rằm tháng Giêng của 4 năm chính, nhân dân xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường và phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đều tổ chức rước kiệu từ Đền Và (Sơn Tây) về Ngự Dội (Vĩnh Tường).

Những năm gần đây, không chỉ chờ đến ngày rằm tháng Giêng, mà ngay từ khi Tết ra (khoảng từ mùng 3, mùng 4 cho đến rằm), người dân các nơi đã đến lễ đền này.

Hiện đền Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh đang nằm trong quy hoạch tu bổ và tôn tạo với nguồn vốn xã hội hóa ước tính mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, thiết thực vào việc khôi phục, bảo tồn, phát huy một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, là di sản văn hóa phi vật hể của tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 ST

 

 

Tệp đính kèm