Cách thị trấn Bình Liêu 15km, đường vào xã Húc Động nhiều đoạn uốn lượn như dải lụa mềm, hai bên đường, xa xa những ngôi nhà của đồng bào Tày yên bình bên những thửa ruộng vào mùa lúa chín đẹp như bức tranh vẽ. Trong khung cảnh ấy, du khách dễ cảm thấy như mình đang đi vào một hành trình khám phá nét đẹp thiên nhiên và bản sắc con người miền biên ải. Đó cũng là con đường đi tới thác Khe Vằn - thắng cảnh của huyện Bình Liêu đã được xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2011.
Theo những người già ở địa phương, tên thác Khe Vằn ban đầu là Khe Vân, dần dần, người dân nơi đây đọc chệch đi gọi là Khe Vằn. Chẳng biết điều đó có đúng hay không nhưng chí ít nó gợi cho du khách cảm giác tò mò và thích thú. Thác Khe Vằn cách trụ sở UBND xã Húc Động khoảng 3km, du khách có thể đi đến thác bằng xe máy hay đi bộ. Thác cao khoảng 100m, không gian rộng, vào mùa mưa, nước nhiều, ba tầng nước chảy rì rào như bản hùng ca đêm ngày của núi rừng. Mỗi tầng thác mang một hình thế, một dáng vẻ khác nhau.
Thác Khe Vằn.
Tầng thứ nhất là dòng nước lớn được chảy từ các vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước rộng. Nước hồ trong xanh, cùng với thác nước tung trắng trời điểm thêm cỏ cây hoa lá trên vách đá, khiến khung cảnh càng trở nên đẹp và thi vị. Bên góc phải của hồ nước là một quần thể đá sừng sững và góc cạnh tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.
Tầng thứ hai được chia thành hai dòng thác chảy (dòng thác bé và dòng thác lớn). Nước chảy từ trên cao đổ xuống, gặp đá tạo thành nhiều tầng nước tung ra những bọt nước trắng xoá. Dưới chân thác, nước chảy mạnh xối vào núi đá lâu dần hình thành nên một bể nước. Thác Khe Vằn có những hòn đá khổng lồ và bằng phẳng là không gian nghỉ ngơi lý tưởng.
Tầng thứ ba, dòng nước chảy từ tầng hai xuống và đổ ra suối. Không gian chân thác là các tảng đá to, ở giữa có một hòn đá giống con voi đang phủ phục. Các khối đá nhô lên giữa vùng nước trong xanh, tạo nên một sức cuốn hút và hấp dẫn kỳ lạ đưa du khách khám phá cảnh quan đá và nước hoà quyện vào nhau.
Từ thác Khe Vằn, dòng nước đổ vào suối Pắc Hoóc chảy ra sông Tiên Yên. Vì thế, có thể coi Khe Vằn như là thượng nguồn của sông Tiên Yên.
Với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, thác Khe Vằn từng là nơi trai gái Sán Chỉ hẹn hò, hát đối Soóng Cọ. Các cuộc hát này thường được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội hát này gọi là Hội hát tháng ba và thường thu hút đông đảo cả nam, nữ dân tộc Sán Chỉ của xã Đại Dực (Tiên Yên) và các vùng lân cận. Không ít đôi đã nên duyên vợ chồng từ những ngày hội hát như thế.
Thác Khe Vằn hiện là danh thắng nổi tiếng nhất của Bình Liêu, là điểm đến của nhiều bạn trẻ từ các địa phương trong và ngoài tỉnh yêu thích du lịch “phượt”, khám phá. Hướng phát triển của huyện đây sẽ là địa điểm du lịch sinh thái - văn hoá cộng đồng dân tộc. Trong tương lai, đến với thác Khe Vằn, du khách sẽ được thưởng thức văn hoá văn nghệ của các câu lạc bộ hát Soóng Cọ. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những bản sắc văn hoá dân tộc được phát huy, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách...
ST