Nhiều nghề thủ công truyền thống của dân tộc Cao Lan (xã Quang Yên, Sông Lô) đang bị mai một bởi sự xâm nhập của cơ chế thị trường. Thực trạng này kéo theo nguy cơ “xói mòn” những nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc ít người này.
Cụ Sầm Văn Hoa (thôn Đồng Găng) là một trong những người cuối cùng của xã biết đan lát
Cao Lan (Sán Chay) là dân tộc thiểu số có số dân đứng hai toàn tỉnh (chiếm gần 4% dân số, đứng sau dân tộc Sán Dìu), tập trung ở một số xã thuộc các huyện miền núi Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo. Trong đó, riêng xã Quang Yên (Sông Lô) có 1711 người, thuộc 432 hộ (theo kết quả điều tra dân số đầu năm 2014). Từ xa xưa, người Cao Lan đã được biết đến bởi những tập tục văn hóa đặc sắc như: Rước dâu đêm, xây nhà xe cho người chết… Bên cạnh đó, họ còn biết làm nhiều nghề thủ công như đan lát, dệt vải, chế tạo vũ khí, nông cụ…
Theo các tài liệu dân tộc học, người Cao Lan (Vĩnh Phúc) không có nghề thủ công mỹ nghệ mang tính hàng hóa mà chỉ có một số nghề thủ công mang tính cộng đồng. Trong các thôn bản thường có những người đàn ông khéo tay biết đan những đôi dậu (gọi là tọi sù) bằng nan cật nứa làm dụng cụ gánh nông sản. Nhu cầu về tọi sù khá lớn, mỗi gia đình ít nhất phải có 2 - 3 đôi. Cả bản cũng cần hàng trăm đôi mỗi năm nhưng không phải ai cũng biết đan, do vậy đã xuất hiện một số người chuyên đan lát để bán hoặc đổi lấy nông sản. Ngoài tọi sù, người Cao Lan còn đan thêm các vật dụng khác như: Thúng, bồ, cót, bịch đựng lương thực, phên phơi thóc; một số dụng cụ bắt cá (như nơm, nắn thón đơm cá)… Các sản phẩm thủ công do người Cao Lan làm ra rất tinh xảo, độc đáo mang tính truyền thống, thể hiện nét phong phú trong đời sống vật chất và tinh thần của con người. Tuy nhiên, cho đến nay, những sản phẩm này chỉ còn là những “Cổ vật”, trong bản không còn mấy người biết đan lát. Cụ Sầm Văn Hoa (thôn Đồng Găng) là một trong những người Cao Lan cuối cùng của xã còn làm nghề này. Hàng ngày, vào những lúc rảnh rỗi, cụ thường mang cật nứa ra chẻ nhỏ thành những sợi mỏng rồi đan rổ, rá và các vật dụng khác trong gia đình. Cụ cho biết: Những sản phẩm này bây giờ ít người sử dụng, thay vào đó là các sản phẩm được làm bằng nhựa, nhôm, inox rất đẹp và bền. Rổ rá bằng cật nứa tuy rất đẹp và an toàn nhưng lại mất nhiều công sức. Cụ Hoa chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi đan lát một vài sản phẩm để con cháu dùng khi cần. Cụ tâm sự: Bây giờ cần thì mọi người ra chợ mua là có ngay, đủ thứ, đủ loại. Nhưng đẹp thế nào thì đẹp, hiện đại thế nào thì hiện đại, cũng không thể so sánh với đồ dùng truyền thống. Bởi nó không chỉ là đồ dùng mà còn là văn hóa.
Gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất nghèo Quang Yên, cụ Sầm Văn Hoa không chỉ am hiểu tường tận từng nét văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mà còn tận mắt chứng kiến sự đổi thay qua nấc thăng trầm thời gian. Cụ cho biết: Trước kia trong thôn bản có rất nhiều người phụ nữ biết thêu thùa, dệt vải nhưng bây giờ ít có cô gái trẻ nào biết đến nghề này. Hàng năm, cùng với việc phát nương trồng ngô, lúa, người phụ nữ Cao Lan còn phát thêm một vạt nương nhỏ để trồng bông dệt vải. Bông được trồng từ tháng 2 đến tháng 3 và thu hoạch vào tháng 6, tháng 7 hàng năm. Hầu hết thời gian rảnh rỗi trong ngày (chủ yếu là buổi tối), những người phụ nữ Cao Lan thường cán bông, kéo sợi rồi dệt vải. Công việc này phải làm quanh năm để có váy áo mặc, chăn màn nằm đắp. Những người đàn ông Cao Lan có thể giúp vợ tạo ra các dụng cụ để làm công việc này như cán bông, guồng quay xa, khung cửi. Việc cán bông, kéo sợi đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ. Vì vậy, xưa kia các gia đình giàu có kén dâu thường xem tấm vải mà những cô gái trẻ dệt ra. Nghề dệt vải, thêu thùa bị mai một khiến những nét đẹp trong văn hóa cũng dần mất đi. Nhìn cụ bà (vợ cụ Hoa) đang mải miết đan tấm thổ cẩm, cụ Hoa bùi ngùi: Vừa rồi, chiếc khung cửi cuối cùng trong bản đã được trưng thu làm hiện vật ở bảo tàng tỉnh. Lớp con cháu dân tộc Cao Lan bây giờ chẳng còn biết nghề truyền thống cha ông nữa. Chiếc khung cửi đó của gia đình chị Đào Thị Duy (thôn Xóm Mới) không còn nguyên vẹn bởi rất lâu chị không dùng đến. Chị kể: Trước kia hầu như gia đình nào cũng có một chiếc khung cửi để dệt vải. Vải được dệt quanh năm chỉ đủ cho người trong gia đình mặc. Người Cao Lan còn có áo nối là trang phục truyền thống với họa tiết đơn giản, trang nhã. Mỗi người chỉ có hai bộ mặc thay đổi trong cả năm. Nhưng đến nay, chỉ khi nào có lễ hội người ta mới mặc áo nối, còn thường ngày họ vẫn mặc trang phục như người kinh.
Sự xâm nhập của cơ chế thị trường khiến các nghề thủ công truyền thống bị mai một, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc cũng dần mất đi. Là một người phụ nữ dân tộc Cao Lan, chị Đào Thị Mai Hương, cán bộ văn hóa xã Quang Yên cho biết: Các nghề thủ công truyền thống thường gắn với văn hóa của dân tộc, bởi vậy, để giữ gìn bảo tồn văn hóa trước hết phải giữ gìn bảo tồn các nghề thủ công truyền thống. Tuy vậy, việc bảo tồn các nghề này không hề đơn giản khi không xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Các sản phẩm lâu ngày không dùng đến dần bị lãng quên. Thay vào đó, các sản phẩm sản xuất với công nghệ hiện đại, có nhiều ưu điểm sẽ thay thế sản phẩm thủ công truyền thống. Đó cũng là quy luật chung của thị trường. Chị Hương hy vọng trong tương lai không xa, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc Cao Lan sẽ được phục dựng để lớp trẻ có thể biết đến nghề truyền thống cha ông, từ đó có ý thức giữ gìn và bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình ./.
ST