Cập nhật: 29/10/2016 10:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tuyến bờ biển khu vực xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân. Để bảo đảm ổn định đời sống người dân, phát triển sản xuất rất cần đầu tư xây dựng một tuyến kè chắn sóng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, đến nay, tuyến kè bờ biển vẫn chưa được xây dựng.

Âu thuyền tự nhiên tại xã Quảng Nham, huyện Quảng

Xương (Thanh Hóa) có nguy cơ bị mất do biển xâm thực.

Biển tiến sát nhà dân

Hiện tượng xâm thực diễn ra từ nhiều năm qua và đang diễn ra rất nghiêm trọng dọc bờ biển xã Quảng Nham. Trung bình mỗi năm, nước biển ăn sâu vào đất liền khoảng 15 đến 20 m, làm 1.890 người dân trong xã luôn phải sống trong tình trạng thấp thỏm, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Điều đáng nói là khoảng hai năm trở lại đây, sự xâm thực diễn ra rất nhanh. Trong năm 2015, có những điểm bị nước biển xâm thực đến 30m.

Tuyến bờ biển khu vực xã Quảng Nham có chiều dài hơn 4,2 km, phạm vi cuối tiếp giáp với cửa sông Yên. Đây là khu vực sinh sống lâu đời của 515 hộ dân thuộc hai thôn Tân và thôn Tiến. Với địa hình đặc biệt, vùng đất này đã hình thành một âu tránh trú bão tự nhiên cho hơn 300 tàu thuyền đánh bắt hải sản của xã Quảng Nham và các xã lân cận. Tuy nhiên, do giáp cả biển lẫn sông, khu vực này chịu tác động trực tiếp, thường xuyên của thủy triều, gió bão. Tính từ năm 2005 đến nay, bờ biển khu vực này đã bị xâm thực sâu hơn 70m, làm mất đi hơn 30 ha rừng phòng hộ ven biển, chỗ hẹp nhất chỉ còn 70 m (tính từ mép nước phía biển sang mép nước phía sông), đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân, gây nguy cơ xóa sổ hoàn toàn 282 ha diện tích đất sản xuất, rừng phòng hộ của thôn Tân và thôn Tiến, có thể làm mất khu tránh trú bão tự nhiên cho tàu thuyền của ngư dân trong khu vực.

Bà Đinh Thị Trọng, người dân thôn Tân cho chúng tôi biết, sạt lở đã diễn ra nhiều năm, nhưng mạnh và đỉnh điểm nhất là từ tháng 9-2015 đến nay, với chiều dài hơn 3 km. Chỉ ngôi nhà ngay trước mặt, bà Trọng cho biết thêm, gia đình bà trước đây cách bờ biển khoảng 150m, nhưng đến nay chỉ còn cách có 30m.

Chị Bùi Thị Hoa ở thôn Tân chia sẻ: Nhà tôi ở một bên là biển, một bên là sông. Những ngày mưa, bão, sóng biển chực đánh vào nhà. Sợ lắm, chạy ra đằng trước thì nước sông dâng lên chẳng biết đi đâu. Chồng đi biển xa thì lo cho người ở nhà, còn người ở nhà thì lo cho người đi xa. Chỉ mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn sạt lở. Đã có những hộ gia đình bán nhà di dời đi nơi khác vì lo sợ biển xâm thực. Nhiều gia đình muốn nâng cấp, sửa chữa nhà cửa nhưng lo sợ bị biển cuốn đi trong nay mai nên đành cố gắng ở trong ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp.

Cần một tuyến kè

Đó là mong mỏi của người dân cũng là quyết tâm thực hiện của chính quyền xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Theo thống kê của địa phương, chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây, 87 ha rừng phòng hộ bao bọc người dân Quảng Nham mỗi mùa mưa bão nay chỉ còn lại 51 ha; nghĩa là đã có 36 ha biến thành mặt biển.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Sơn cho biết, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành, T.Ư sớm bố trí kinh phí để triển khai thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương. UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung danh mục dự án cấp bách thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, với kinh phí dự kiến khoảng hơn 200 tỷ đồng, bao gồm xây dựng một tuyến kè đá dài hơn 4 km chắn sóng, ngăn chặn biển tiếp tục xâm thực vào đất liền, đồng thời tái tạo, trồng mới rặng phi lao bảo vệ nhà dân phía trong kè.

Trong thời gian chưa bố trí kịp kinh phí, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Quảng Xương chuẩn bị vật tư, nhân lực và phương án phòng, chống lụt bão theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý trong trường hợp có sự cố. Tuy nhiên đó mới chỉ là giải pháp trước mắt. Để giải quyết hiện tượng biển xâm thực gây sạt lở, về lâu dài cần có giải pháp xử lý đồng bộ, khôi phục và trồng mới rừng phòng hộ ven biển và bảo vệ an toàn cho nhân dân trong khu vực, đồng thời bảo vệ được khu tránh trú bão tự nhiên cho tàu thuyền của ngư dân.

Bài, ảnh: TUẤN NGỌC và HOÀNG HÙNG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm