Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, anh Nguyễn Hoàng Sơn sinh năm 1980 tại thôn Lê Lợi - xã Nhân Đạo - huyện Sông Lô phải nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Trải qua nhiều năm làm thuê nơi đất khách, anh đã tích lũy được khoản vốn nho nhỏ. Năm 2013 anh lập gia đình và mở một xưởng mộc tại địa phương. Trong quá trình làm nghề mộc nhiều đêm trăn trở anh Sơn nhận thấy nếu mình tận dụng cám mùn cưa để làm nấm sẽ tăng thêm thu nhập và cho hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, anh mạnh dạn trồng nấm, ban đầu anh trồng thử nghiệm với diện tích nhỏ, sau thấy việc trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết định mở rộng trang trại nấm với tổng diện tích là 400m2 . Hiện nay gia đình anh có khoảng trên 12.000 bịch nấm các loại như: Nấm mèo (mộc nhĩ), nấm sò, nấm linh chi. Bắt đầu từ khi đóng bịch và chăm sóc, bình quân mất khoảng 6 tuần nấm cho ra sản phẩm. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm anh trồng được hơn 2 lứa nấm, mỗi năm xuất khoảng trên 3 tấn các loại với giá 120- 130.000đồng/kg nấm mèo; linh chi là 100.000đồng/kg; Nấm sò 40.000đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng. Bên cạnh việc trồng nấm lấy sản phẩm cung cấp ra thị trường, gia đình anh còn cung cấp giống cho bà con trong xã cũng như các vùng lân cận giá bán một bịch dao động từ 15 – 20.000 đồng.
Anh Sơn chia sẻ: Trồng nấm, điều quan trọng nhất là khâu lựa chọn và ủ nguyên liệu, bởi mạt cưa giống như đất của các loại cây trồng khác, nếu mình chỉ ủ vôi với mạt cưa thì một bịch như vậy chỉ nuôi được 2 tháng là cạn kiệt dinh dưỡng; ngược lại, khi ủ trộn thêm các phụ phẩm: cám gạo (3–5%), hạt ngô xay nhuyễn (3–6%), vôi (0,5%), lân (0,5%), Urê (0,1%) thì bịch mùn cưa đó có thể khai thác 5-6 tháng. Trong trồng nấm việc xây dựng trang trại là quan trọng nhất, bởi bịch nấm rất nặng, nếu không đầu tư bài bản thì khi gió lớn dễ bị gãy đổ dẫn đến thất thu. Phải xịt nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho nấm, nếu không nấm sẽ bị khô, phát triển chậm ảnh hưởng đến năng suất; ngược lại, tưới nước nhiều quá, nấm sẽ bị chết thối. Vì thế, người trồng nấm phải kiên trì, tỉ mỉ, phải thường xuyên thăm nom, tuyệt đối không để có chuột và kiến trong trại, bởi đây là những loại côn trùng trung gian cắn phá, gây bệnh cho các loại nấm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trại nấm của gia đình anh Sơn còn tạo công ăn việc làm cho 5-6 lao động tại địa phương với mức thu nhập dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng/người.
Mô hình trồng nấm của gia đình anh Nguyễn Hoàng Sơn xã Nhân Đạo huyện Sông Lô đang được bà con trong xã và các vùng lân cận đến học tập kinh nghiệm, anh luôn nhiệt tình hướng dẫn các kỹ thuất trồng nấm cho mọi người với mong muốn được nhân rộng. Vì đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế. Nấm là một loại rau sạch có nhiều giá trị dinh dưỡng nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
ST