Ở Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, xa đất liền, nơi thời tiết khắc nghiệt nhưng đây đó vẫn ngời lên màu xanh của rau cỏ, vẫn vang tiếng gà ríu rít, tiếng cười con trẻ nô đùa... Tất cả làm nên nhịp sống Trường Sa.
Vườn rau trên đảo Phan Vinh. Ảnh: VGP/Thế Phong
Trong chuyến công tác ở Trường Sa, đoàn chúng tôi còn đến các đảo Phan Vinh, Đá Tây và nhà giàn Quế Đường. Dù thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực tăng gia sản xuất rau xanh, nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao.
Rau, cá vườn nhà
Bước chân lên hòn đảo mang tên Anh hùng liệt sĩ Phan Vinh (thuyền trưởng tàu không số C235 đã hy sinh anh dũng trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại trong những năm chống Mỹ), chúng tôi cảm nhận được sức sống sinh sôi. Nổi bật là các khu tăng gia sản xuất tập trung như khu chăn nuôi, sản xuất rau trong nhà kính và nhiều chuồng trại nuôi gà, nuôi chim bồ câu.
Trung tá Ngô Đình Duyên, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh cho biết bên cạnh nhiệm vụ chính trị huấn luyện, bộ đội còn rất tích cực trồng rau xanh, chăn nuôi, đánh bắt hải sản.
Cùng với một nhà kính do Bộ NN&PTNT hỗ trợ lắp đặt, các chiến sĩ đã tận dụng vật liệu lắp thêm hai nhà kính khác để trồng rau mồng tơi, rau dền, rau muống, ớt, cải…
Nhà kính ở đảo được thiết kế kiểu nhà vòm với khung sắt chịu được gió mạnh và hơi nước mặn, mái lợp nhựa trong chịu lực, bốn bề có rèm lưới nhôm giảm nhiệt. Trong nhà kính, rau được trồng trong giá thể chứa phân hữu cơ và mụn dừa đưa từ đất liền ra đảo.
Công nghệ trồng rau trong nhà kính đã hạn chế tác động của ánh nắng, giữ ẩm, đồng thời giúp che chắn tốt vào mùa mưa, vừa tăng giá trị dinh dưỡng cho cây trồng và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Năm 2015, đảo Phan Vinh đã trồng được trên 14 tấn rau xanh; thịt, cá các loại được trên 5 tấn và hàng nghìn kg đậu phụ, giá đỗ. Số tiền bình quân thu được 1,2 triệu đồng/người/năm.
Đàn vịt tại đảo Phan Vinh. Ảnh: VGP/Thế Phong
Cũng giống như nhiều đảo khác ở Trường Sa, đảo Phan Vinh không có giếng nước ngọt song bộ đội chẳng quản ngại gian lao, vất vả, tích cực lấy nước mưa, sử dụng tiết kiệm để bảo đảm bình quân nước sinh hoạt 20 lít/người/ngày. Từ một đảo đá san hô nay đã trở thành một hòn đảo xanh tươi rợp bóng mát.
Không chỉ ở đảo chìm, đảo nổi có rau mà ngay ở nhà giàn vẫn có những vườn rau lơ lửng trên không rất ấn tượng. Tại nhà giàn Quế Đường, những vườn rau mini sinh trưởng tốt, sản lượng hằng năm đạt 1.350 kg, góp phần nâng cao mức sống mỗi bữa ăn cho bộ đội.
Nhìn những khóm rau tươi tốt chúng tôi có cảm nhận rau xanh ở đảo như ngon hơn rau ở đất liền. Bởi để trồng được rau, bộ đội đã dày công xây dựng hệ thống trữ nước, dựng lên mấy “ngôi nhà” lưới, gỗ, bạt… để chống lại nắng nóng oi bức vào mùa hè và sức giật của gió biển. Lắm lúc trời mưa gió, bộ đội phải thức để che chắn, bảo vệ các chậu rau trên đảo…
"Vườn treo" trên nhà giàn Quế Đường, đảo Phan Vinh. Ảnh: VGP/Thế Phong
Làng chài ở Trường Sa
Trên tuyến hải trình đến đảo Đá Tây (điểm B), chúng tôi thấy có nhiều lồng bè nuôi hải sản. Ông Đặng Văn Bình, đội trưởng đội nuôi cá tại đảo Đá Tây cho biết: Đội nuôi cá của Công ty Hải sản Trường Sa đã và đang triển khai nuôi cá tại các hồ Đá Tây theo công nghệ Na Uy.
“Sau một thời gian nuôi trồng, kết quả cho thấy chỉ có loài cá chim trắng đạt năng suất cao và thích nghi với điều kiện khí hậu ở đảo. Trong những năm gần đây, chúng tôi tập trung nuôi cá chim trắng. Kết quả từng năm tăng lên rõ rệt, năng 2015 đạt 4.634 kg, vượt chỉ tiêu đơn vị giao”, ông Bình cho biết.
Năm 2016 này, đơn vị sẽ triển khai nuôi thêm một số lồng nuôi tại đảo và một số điểm nuôi khác ở đảo Tốc Tan, hướng tới thành lập làng chài nuôi trồng và khai thác hải sản ở quần đảo Trường Sa.
Đảo Đá Tây là khu vực có điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản. Ở giữa các điểm đảo Đá Tây là hồ nước hình vành khuyên có độ sâu thuận lợi neo đậu tàu thuyền. Ở phía đông của đảo, Bộ NN&PTNT đã xây dựng một cụm dịch vụ kinh tế, khoa học với diện tích 7,5 ha, âu tàu 13 ha, là nơi cung cấp nước ngọt miễn phí, sửa chữa tàu, bán dầu, thực phẩm, thu mua hải sản… cho các tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân có thể bám biển dài ngày.
Hy vọng, trong tương lai gần đảo Đá Tây cùng với đảo Trường Sa Lớn sẽ trở thành một căn cứ hậu cần nghề cá, khu vực nuôi trồng, thu mua, chế biến hải sản…
Nẻo đường yên bình trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: VGP/Thế Phong
Trường Sa - quê hương bình dị giữa trùng khơi
Đến đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh thân quen của quê hương với làng mạc, ngõ xóm, với tiếng trẻ nô đùa, tiếng chuông chùa, tiếng kêu vui của gia súc, gia cầm… Dù ở đảo xa nhưng chúng tôi thấy gần gũi như ở đất liền.
Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa có diện tích khoảng 40 ha được bao bọc bởi hệ thống kè chắn sóng hiện đại. Trên đảo phủ bóng cây xanh và có nhiều công trình dân sinh thân thuộc như giếng nước, âu tàu, trạm y tế, trường học, trạm hải đăng, trung tâm cứu hộ cứu nạn, nhà văn hóa…
Từ cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi men theo những lối nhỏ rợp bóng bàng vuông dẫn vào khu dân cư. Những ngôi nhà san sát nhau ở nơi đầu sóng ngọn gió xôn xao tiếng cười, tiếng nói. Từ đây nhìn ra phía biển là khu neo đậu tàu thuyền đang được thi công, hứa hẹn trở thành một căn cứ hậu cần nghề cá quan trọng trên quần đảo Trường Sa.
Tay bắt mặt mừng đón khách, Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Trường Sa, ông Hoàng Phước Sơn cho biết những ngôi nhà ở đây được xây dựng khang trang, mỗi nhà có ba phòng và một căn bếp, có điện, nước và ga đầy đủ. Các hộ dân đều có tivi, điện thoại, tủ đông bảo quản thức ăn và nhiều tiện nghi khác như những hộ trên đất liền.
Biết có đoàn từ đất liền ra thăm đảo, vợ chồng anh Thái Nhật Trường và chị Nguyễn Bình Phương Ái đã chuẩn bị sẵn nước trà để mời khách. Anh Trường tâm sự: Được sự quan tâm của các cấp và bộ đội, hiện nay đời sống vật chất và tinh thần của gia đình được bảo đảm khá tốt. Bên cạnh hai đứa con đầu đang học ở Trường tiểu học Trường Sa, một bé gái của vợ chồng anh vừa cất tiếng khóc chào đời ngay trên đảo này.
Mái ấm. Ảnh: VGP/Thế Phong
“Bé hiện nay đã 5 tháng tuổi. Vợ chồng tôi đặt tên cho cháu là Thái Bình Hải Thùy với mong muốn một cuộc sống bình yên nơi hải đảo biên thùy”, anh Trường chia sẻ, đồng thời cho biết dù ở xa đất liền nhưng tất cả trẻ nhỏ ở đây đều được đến trường, được chăm sóc y tế chu đáo.
Cuộc sống ở đảo bước đầu đã khởi sắc, song những khó khăn, vất cả đâu phải đã hết. Cũng giống như các đảo nổi, đảo chìm khác, nguồn nước ngọt ở Trường Sa Lớn cũng hiếm vào các tháng cao điểm của mùa khô. Cạnh khu dân cư có giếng nước lợ dùng cho tắm giặt, tưới cây, còn để ăn uống vẫn phụ thuộc vào nguồn nước trời. Trong mỗi bữa cơm của người dân vẫn còn nhiều đồ hộp…
Song vượt lên trên hết là tình người, tình quân dân luôn nồng thắm bền chặt. Anh Lê Đức Phép, một người dân trên đảo cho biết: Lúc mới ra đảo cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của bộ đội, các hộ dân đã đoàn kết, chia sẻ cho nhau từng bao đất, nhúm phân, hạt giống. “Đất không phụ lòng người”, để hôm nay đằng sau mái ấm của các gia đình nơi đảo xa vẫn có rau, chuối, đu đủ…
Trò chuyện với người dân, chúng tôi còn nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình người. Lắm lúc giông tố, mưa sa, nắng hạn gay gắt không trồng rau và đi biển được, những lúc như vậy quân dân trên đảo đã san sẻ từng cọng rau xanh, miếng thịt tươi, bìa đậu phụ. Mỗi khi có người đau ốm họ lại đến với nhau bằng tình yêu thương như những người anh em một nhà.
Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa khẳng định quân và dân trên đảo có ý chí quyết tâm cao, không ngại khó khổ, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đảo cũng tích cực hỗ trợ nhân dân, ngư dân ra đánh bắt hải sản, qua đó thắt chặt tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa quân và dân, tạo chỗ dựa niềm tin cho ngư dân. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi lành mạnh, tạo không khí sôi nổi trong các ngày nghỉ. Do vậy, dù ở đảo xa nhưng mọi người đều cảm thấy như ở đất liền.
Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Trường Sa. Ảnh: VGP/Thế Phong
Ở Trường Sa còn có những công trình văn hóa, lịch sử và tâm linh gắn kết quân và dân trên đảo, đó là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa Trường Sa.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây theo phong cách truyền thống với mái ngói cong có biểu vật trang trí hình sóng biển cách điệu.
Tượng Bác Hồ được đặt trang trọng giữa gian chính của nhà tưởng niệm nổi bật dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trong không gian trang nghiêm này còn có những hình ảnh kỷ niệm ngày Bác Hồ đến thăm Quân chủng Hải quân với lời dặn dò “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Đây là một không gian trang nghiêm ở nơi đảo xa, là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân trên đảo.
Trong chuyến công tác đến Trường Sa chúng tôi còn được đến thăm các ngôi chùa như Sơn Linh ở đảo Sơn Ca, Nam Huyên ở đảo Nam Yết, Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh và chùa Trường Sa Lớn.
Những ngôi chùa tọa lạc ở cạnh chân sóng, được xây dựng theo phong cách truyền thống với kết cấu nhà chính điện ba gian, hai chái và gian hậu cung nối ở vị trí chính giữa gian chính điện. Bước chân vào các ngôi chùa này chúng tôi đều có chung một cảm giác bình yên, thánh thiện và ấm áp như ở trên đất liền.
Trong chùa Trường Sa Lớn có một tượng phật ngọc do nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng với lời nhắn nhủ: “Mong cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi; cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập toàn vẹn lãnh thổ-dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; cho vùng Biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng”.
Pho tượng phật ngọc trong chùa là của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Myanmar khoảng 6 năm về trước.
Ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: VGP/Thế Phong
Sư thầy Thích Nhuận Tựu, chủ trì chùa Trường Sa Lớn cho biết cũng giống với các ngôi chùa ở đất liền, chùa ở đảo là điểm tựa tâm linh, mang đến cảm giác thư thái và bình an, tạo sự gắn kết cho mọi người trên đảo.
Những ngôi chùa ở Trường Sa cũng là những công trình văn hóa, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam...
Rời cầu cảng Trường Sa Lớn, chúng tôi lên tàu hướng về đất Mẹ. Ngày chia tay, quân và dân Trường Sa hát vang những bài hát về biển đảo, về nỗi nhớ đất liền. Trong những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ đó, chúng tôi thấy ngời lên niềm tin và khát vọng hòa bình từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người Việt Nam.
Thế Phong
Theo baochinhphu.vn