Không biết từ bao giờ, điệu hát sọong cô đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với đồng bào dân tộc Sán Dìu. Bắt nguồn từ những công việc hàng ngày, trong lao động sản xuất, từ nếp sống gia đình đến sinh hoạt cộng đồng, những lời ca, tiếng hát chính là những bản tình ca trong sáng, mượt mà về tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi trữ tình, say đắm… Đó là bản sắc văn hóa riêng, độc đáo rất riêng của người Sán Dìu.Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca truyền thống này với thế hệ trẻ đang là một bài toán khó…
Phụ nữ dân tộc Sán Dìu Tam Đảo giao lưu hát Soọng cô trong Lễ hội Tây Thiên
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 câu lạc bộ hát Sọong cô, phân bố chủ yếu ở những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống như: Xã Trung Mỹ huyện Bình Xuyên, xã Ngọc Thanh thị xã Phúc Yên và hấu khắp các xã trên địa bàn huyện Tam Đảo. Chiếm phần đông dân số là người Sán Dìu, Tam Đảo được coi là cái nôi của điệu hát Soọng cô. Thế nhưng một thực tế hiện nay là thế hệ trẻ người Sán Dìu không còn mặn mà với làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình. Lo lắng nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng này bị mai một, các cụ cao niên trong thôn làng ở các xã như Yên Dương, Đại Đình, Hợp Châu, Minh Quang, Hồ Sơn đã thành lập các CLB Soọng cô nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Toàn huyện có 22 CLB Soọng cô, riêng xã Đạo Trù có 13 thôn dân cư thì tất cả các thôn đều có CLB Soọng cô thu hút sự tham gia nhiệt tình của trên 300 hội viên.
Ông Vi Văn Hai, Trưởng ban liên lạc CLB hát sọng cô của tỉnh, nguyên Trưởng ban văn hóa xã Đạo Trù, người có gần 20 năm tâm huyết với công tác văn hóa địa phương trong việc bảo tồn và phát huy điệu hát Sọong cô của đồng bào Sán Dìu cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập, CLB đã nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của rất nhiều người. Nhiều cụ cao niên đã 70-80 tuổi nhưng rất tâm huyết như cụ: Lý Thị Vòng, Trần Văn Vinh, Diệp Văn Yên, thôn Đồng Qụa, cụ Lý Thị Ba, thôn Đạo Trù Thượng, … có cả những cặp vợ chồng nên duyên từ những những buổi giao lưu soọng cô thuở còn thanh niên cũng nhiệt tình tham gia. Đến nay, lứa tuổi trung niên từ 40 -50 tuổi cũng tham gia khá nhiều. Người già truyền lại những bài sọng cô cổ, những người sau ghi chép lại, cùng những bài soọng cô mới truyền lại cho những người chưa biết. Hàng tuần, vào buổi tối mỗi CLB chia ra các nhóm để tập luyện. Những ngày cuối tuần, đặc biệt sau vụ mùa khi ngô, lúa đầy bồ, họ lại hẹn nhau quây quần hát cho nhau nghe. Không chỉ vậy, vào những ngày lễ, Tết hay những lúc nông nhàn, các CLB Sọng cô ở Tam Đảo lại tổ chức giao lưu với những CLB Sọong cô các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh để học hỏi, trao đổi kinh, tìm hiểu xem hát Soọng cô của đồng bào Sán Dìu nơi khác có gì khác biệt, và sưu tầm thêm những làn điệu Soọng cô cổ…
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều nghệ nhân cao tuổi, trăn trở lớn nhất của họ là thế hệ trẻ hiện nay không còn say mê với làn điệu Soọng cô truyền thống, thậm chí tiếng “Mẹ đẻ” cũng đang mai một dần, những làn điệu soọng cô sẽ mất dần theo thời gian. Ông Vi Văn Hai chia sẻ: “Năm 2003, xã Đạo Trù được Viện âm nhạc Quốc gia về tổ chức lớp học nhằm bảo tồn làn điệu soọng cô dành cho các em thiếu nhi, nhưng chỉ được một thời gian phải bỏ giữa chừng vì các em không đến học. Nguyên nhân một phần vì phần lớn thời gian các em phải đến trường, hơn nữa thời đại mới với nhiều nền văn hóa mới du nhập khiến các em không còn mặn mà với những bài hát truyền thống…” Bên cạnh đó, theo tìm hiểu, hầu hết các CLB Soọng cô khi thành lập đều chưa có sự hỗ trợ kinh phí hoạt động của chính quyền địa phương. Mỗi thành viên tham gia đều vì niềm đam mê và mong muốn lưu giữ làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình. Đây cũng là một trong những khó khăn khi mọi chi phí đều do các thành viên tự đóng góp để duy trì hoạt động như: Tiền may trang phục, dụng cụ biểu diễn, thuê xe đi giao lưu với các CLB tỉnh bạn…
Ông Đỗ Quốc Trọng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tam Đảo cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, để bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo của làn điệu Soọng cô, huyện Tam Đảo cũng đã có những hoạt động cụ thể. Năm 2014, Phòng Văn hóa huyện đã thực hiện Đề án nghiên cứu và sưu tầm những lời hát soọng cô cổ, trang phục truyền thống, trang sức phục vụ cho biểu diễn, hiện nay, đang triển khai. Huyện phối hợp với các xã thành lập các CLB soọng cô ở thôn dân cư, xây dựng quy chế hoạt động và tổ chức giao lưu văn hóa những dịp lễ, ngày kỉ niệm của dân tộc, đặc biệt là trong dịp Lễ hội Tây Thiên hàng năm. Huyện cũng cung cấp một phần kinh phí, trang phục cho các CLB tham gia Lễ hội Tây Thiên, hay tổ chức đưa những nghệ nhân hát sọng cô tham gia “ngày hội văn hóa các dân tộc” ở các tỉnh miền Bắc để giới thiệu nét văn hóa đặc sắc người Sán Dìu huyện Tam Đảo với đồng bào các dân tộc anh em. Huyện cũng khuyến khích các thành viên mỗi CLB tích cực truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình, giúp các cháu nhỏ tìm hiểu những cái hay, cái đẹp trong văn hóa tinh thần để bảo tồn làn điệu dân ca truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Bằng những hướng đi tích cực, những nét văn hóa độc đáo của làn điệu Soọng cô đang được nhân dân và chính quyền huyện Tam Đảo và những địa phương trên địa bàn tỉnh có đồng bào Sán Dìu sinh sống, nỗ lực gìn giữ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trước sự tác động nhiều mặt của đời sống xã hội luôn là vấn đề khó, cần có thời gian lâu dài, đặc biệt phải có sự chung tay vào cuộc, góp sức của các cấp, các ngành chức năng.
ST