Vừa qua, tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử và nhân dân địa phương về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Lễ hội cầu Trâu xã Xuân Quang, xã Hương Nha và Hội Phết xã Hiền Quan.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Lễ hội cầu Trâu xã Xuân Quang, xã Hương Nha và Hội Phết Hiền Quan được tổ chức vào những ngày đầu năm mới để người dân địa phương thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc và gắn kết sức mạnh đoàn kết cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp truyền thống, các lễ hội trên vẫn còn tồn tại những hình ảnh mang tính bạo lực, gây phản cảm, không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay như nghi thức đập trâu đến chết; sự chen lấn, xô đẩy, bạo lực trong cướp phết...
Tại hội thảo, đa số người dân xã Hương Nha, xã Xuân Quang có nguyện vọng được tiếp tục duy trì, tổ chức Lễ hội cầu Trâu và ủng hộ quan điểm cần cải tiến, loại bỏ tục đập đầu trâu đến chết.
Thừa nhận có sự lộn xộn, xô đẩy, bạo lực trong tranh cướp phết tại Hội Phết Hiền Quan trong những năm gần đây, đại diện xã Hiền Quan đã rút kinh nghiệm và sẽ điều chỉnh lại cách tổ chức để Hội Phết thực sự trở thành món ăn tinh thần lành mạnh.
Đồng thời, xã cũng mong muốn mọi người tham gia Hội Phết cần ứng xử phù hợp, đúng nội quy, tránh những điều đáng tiếc xảy ra để hình ảnh của lễ hội đẹp hơn trong mắt du khách.
Tại hội thảo, trên cơ sở phân tích các nguồn tư liệu, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và quản lý văn hóa đã làm rõ hơn nghi thức truyền thống xưa trong tổ chức lễ hội.
Các đại biểu cho rằng Lễ hội cầu Trâu Hương Nha, Xuân Quang nên tổ chức 5 năm một lần vào năm chẵn 5 và năm chẵn 10; loại bỏ nghi thức lạc hậu, hành vi phản cảm; lựa chọn nghi thức tượng trưng và không tổ chức cảnh “nồi da nấu thịt."
Đối với Hội Phết Hiền Quan, các đại biểu cho rằng Hội Phết Hiền Quan là một trong những lễ hội lớn của tỉnh nên việc tổ chức lễ hội cần có sự định hướng quản lý của Nhà nước; đồng thời phải làm tốt công tác tổ chức; tư liệu hóa lễ hội để đưa vào hồ sơ di sản; lấy ý kiến của cộng đồng để nhận dạng những vấn đề cần thay đổi và thay đổi như thế nào cho phù hợp.
Các ý kiến đưa ra tại hội thảo đã khẳng định giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của Lễ hội cầu Trâu Hương Nha, Xuân Quang và Hội Phết Hiền Quan, cũng như đánh giá thực trạng, những mặt tích cực, tiêu cực, nguyên nhân tồn tại và đề ra một số giải pháp để tổ chức các lễ hội trên phù hợp với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân hiện nay.
Đây là căn cứ quan trọng để từng bước hoàn thiện văn bản quản lý nhà nước về hoạt động các lễ hội trên; đồng thời góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh./.
http://www.vietnamplus.vn/phu-tho-ung-ho-loai-bo-tuc-dap-dau-trau-den-chet-tai-le-hoi/415161.vnp