Cập nhật: 11/11/2016 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đi dọc miền chân sóng, từ làng chài Cảnh Dương, Lý Hòa (Quảng Bình), đến phố biển Đà Nẵng, rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi… đến đâu chúng tôi cũng được nghe kể về những câu chuyện thắm đượm về tình biển, tình người.


Với ngư dân đi biển, nhìn thấy cờ tổ quốc tung bay là thấy quê hương - Ảnh: Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao cờ tổ quốc cho ngư dân Quảng Ngãi - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Thấy cờ Tổ quốc, biết đó là quê hương

Khi bình minh vừa ló rạng phía chân biển xa, cũng là lúc những con tàu từ khơi xa lũ lượt về bến, tấp nập dỡ những tấn hải sản tươi xanh và lại hối hả chuẩn bị cho chuyến biển mới.

Giữa hàng trăm tàu thuyền neo đậu ở Cảng Thọ Quang, chiếc tàu mới ĐNa 90657 TS của gia đình ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa và Trần Văn Vốn (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vừa hạ thủy, nổi bật với màu sơn mới tinh. Nét mặt rạng ngời, chị Huỳnh Thị Như Hoa chia sẻ: “Hồi tàu mới bị đâm chìm ngoài biển, vợ chồng chị mất ăn mất ngủ, bởi vốn liếng dồn cả vào đấy, lại còn nợ nần chồng chất. Nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của bạn nghề, của chính quyền và sự chung tay của đồng bào cả nước đã tiếp thêm nghị lực cho vợ chồng chị can trường đứng lên, quyết không bỏ biển, không bỏ nghề, bỏ khơi xa mà nhiều đời cha ông gắn bó.

Con tàu mới trị giá hơn 7,5 tỷ đồng có vốn liếng của người làng biển đang thắp thêm hy vọng một mùa biển mới được mùa tôm cá đầy thuyền. “Dù tàu cũ đã chìm, nhưng tấm lòng 13 các bạn tàu vẫn còn đó, họ vẫn đợi chị đóng tàu mới và tiếp tục trở lại ngư trường Hoàng Sa. Không bao giờ bỏ bạn lúc khó khăn, nguy nan…đó là cái tình nghĩa son sắt của người dân miền biển”, Chị Hoa xúc động nói.

 

Các tổ đội đoàn kết là chổ dựa cho ngư dân lúc gặp hoạn nạn, bão tố - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Với thời gian 25 năm đi biển, ngư dân Nguyễn Văn Năm (45 tuổi, trú tại Thanh Khê, Đà Nẵng) trải lòng: “Với ngư dân, biển là cánh đồng, là ruộng vườn, là quê hương đất nước. Ra khơi, giữa bốn bề chỉ trời mâyvà song nước, thấp thoáng phía chân trời một lá cờ đỏ sao vàng là biết đất tổ quốc mình ở đó. Khi gặp khó khăn thì kêu gọi bạn, giúp đỡ bạn nghề là việc bình thường, dân đi biển ai cũng thế”.

Ngư dân trẻ Trần Văn Độ, (Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nhớ lại: Hồi tháng 3 năm ngoái, tàu tôi chết máy vừa khi gió mùa đông bắc bổ sung. Anh em dự tính nếu tàu chìm, sẽ buộc áo phao vào nhau, sống chết không rời. May nhờ có máy liên lạc tầm xa, lời cầu cứu của tôi được tàu cá QNa 90315 ở xã Tam Quang bắt được tín hiệu, dù tàu đã vào gần bờ vẫn quay mũi ngược sóng ra lai dắt tàu chúng tôi về bến an toàn.

Sau chuyến ấy, hai thuyền trưởng Phạm Xuân Lệ và Trần Văn Độ từ chỗ chưa hề quen biết nhau, đã trở thành những người bạn thân thiết. Anh Phạm Xuân Lệ chia sẻ: “Trên biển, thấy cờ Tổ quốc là thấy đồng hương, đồng bào. Nhiều khi các tàu còn chia sẻ thuốc men, nước ngọt, lương thực hay đá cây để ướp cá”.

Không chỉ giúp bạn cùng nghề, cùng quê hương mà ngư dân còn tích cực tham gia ứng cứu tàu thuyền, ngư dân nước ngoài khi gặp nạn. Tháng 1 năm ngoái tàu cá QNg 90325TS của ngư dân Nguyễn Hữu Phúc (Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã cứu thành công 4 ngư dân Philippines gặp nạn.

Ngư dân Nguyễn Hữu Phúc kể, lúc ấy khi đang hành nghề lặn bắt hải sản ở vùng biển gần đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Trường Sa thì chúng tôi phát hiện 4 người đang đu bám trên phao xốp, hoảng loạn kêu cứu. Chúng tôi nhanh chóng tiếp cận đưa 4 ngư dân lên tàu trong tình trạng kiệt sức vì lạnh và đói, khát. Sau hai ngày ăn cháo loãng, sức khỏe của ngư dân nước bạn đã dần hồi phục, chúng tôi quay mũi tàu hướng vào Cảng Sa Kỳ để họ được kiểm tra sức khỏe, để cơ quan chức năng liên hệ đưa họ trở về quê hương…

Không chỉ riêng ông Phúc, mà hầu như thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ nào ở dọc dải đất miền Trung nhiều bão tố, cuồng phong này cũng sẵn sàng bỏ dở chuyến đi biển để cứu tàu, cứu người gặp nạn.

 

Những chuyến đi biển bội thu có sự chung vai, sát cánh của anh em bạn thuyền - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Những trái tim của biển

Đã gần chục năm qua đi, nhưng với làng chài Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) cơn bão dữ như chưa nguôi ngoai. Cuối tháng 5/2006, cơn bão Chan-chu ngoài khơi xa, dẫu không vào đất liền, nhưng cướp mất hơn ba trăm đàn ông cường tráng, trong đó, riêng làng chài Bình Minh mất 87 người cha, người chồng, anh trai, em trai, con cháu… ở đó, những đứa trẻ lớn lên không biết mặt cha, rụt rè hỏi: mẹ ơi, cha đâu?!”.

Mất đi những trụ cột lao động chính trong nhà, nén đau thương, người mẹ, người vợ này lại đứng lên, kiên cường tiếp tục bươn chải nuôi gia đình. Người tiếp tục theo tàu ra khơi, người buôn cá, làm mắm…họ thường động viên, chia sẻ, dựa vào nhau để sống mà không hóa đá vọng phu.

Hiện xã Bình Minh có 22 cơ sở thu mua chế biến cá, mắm… giúp giải quyết việc làm cho 450 lao động nữ, trong đó phần lớn là những người đơn côi, góa bụa.

May mắn sống sót trên biển trở về sau cơn bão Chanchu, anh Phạm Minh Tân, ở xã Bình Minh tích góp và vay mượn được 600 triệu đồng chuyển sang mở xưởng chế biến cá bò khô. Lao động tại xưởng của anh chủ yếu là những phụ nữ có chồng chết và mất tích trong bão Chan Chu.

Anh Tân cho biết, là một ngư dân nhiều năm lênh đênh trên biển mưu sinh nên anh hiểu được sự mất mát của những người mẹ, người vợ khi mất đi người thân của mình trên biển. Vì vậy, anh tâm nguyện khi trở về mình phải có trách nhiệm giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với người thân của những ngư dân đã gửi thân lại nơi biển cả.

Chị Trần Thị Chính, ở thôn Hòa Bình, xã Bình Minh, tâm sự: Sau cơn bão, chồng mất để lại cho chị một đứa con nhỏ, cũng nhờ bà con hàng xóm động viên, đùm bọc tạo việc làm ở xưởng chế biến cá nên cuộc sống dần ổn định để nuôi con ăn học. Những chị em có cùng hoàn cảnh cũng đã vượt lên nỗi đau để xây dựng cuộc sống mới.

 

Nén đau thương mất người thân, phụ nữ làng biển kiên cường trở thành trụ cột gia đình - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Những ngày khốn khó đang qua, Bình Minh hôm nay không còn cảnh đói nghèo triền miên nơi con sóng bạc đầu ngày đêm vỗ vào bờ cát trắng. Trong những lúc khó khăn nhất cũng là lúc tinh thần đùm bọc, chia ngọt, sẻ bùi của ngư dân nơi đây thể hiện rõ nhất. Chính nhờ vậy, chỉ ít thời gian sau trận bão Chanchu, nghề đi biển ở Bình Minh nhanh chóng được phục hồi.

Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: Những năm gần đây, ngư dân trong xã đã mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng tàu mới, nâng tổng số tàu thuyền toàn xã lên 130 chiếc, trong đó phần lớn là tàu có công suất lớn trên 90 CV trở lên. Từ đầu năm đến nay, các đội tàu đánh bắt xa bờ của xã đã mang về hơn 5.930 tấn hải sản. Qua đó giúp tạo việc làm cho một lực lượng lớn lao động đi biển và lao động làm dịch vụ hậu cần nghề cá trong bờ. 

Trước sóng gió của biển cả, những người con của biển vẫn ngày đêm can trường xiết chặt tay nhau vượt khó, vươn khơi. Dù ở trong đất liền hay ở ngoài khơi xa thì tình người miền biển luôn sâu đậm, là chỗ dựa tinh thần giúp người dân vượt qua mọi bão tố.

Và cứ thế, đi dọc miền chân sóng, từ làng chài Cảnh Dương, Lý Hòa (Quảng Bình), đến phố biển Đà Nẵng, rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi…đến đâu chúng tôi cũng được nghe kể những câu chuyện thắm đượm về tình biển, tình người.

Lưu Hương

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm