Địa chỉ: xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Tỉnh Vĩnh Phúc
Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 3211-QĐ/BT ngày 12/12/1994.
Chùa Hoa Dương ở xã Tuân Lộ, tổng Tuân Lộ, huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây. Nay là thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường. Chùa được xây dựng vào năm Chính Hoà thứ nhất (Canh Thân 1680), đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp.
Mặt bằng cổng chùa hình chữ Công (I). Tiền đường 7 gian, thượng điện 4 gian, nhà tổ 5 gian. Tổng diện tích 262m2. Hai Tảo Mạc dài tới 20 gian, chiếm diện tích 196m2.
Chùa có lối kiến trúc bộ vi kiểu chồng rương giá chiêng, cột lim có chu vi tới 1,5m, chân kê đá tảng vuông. Hệ thống tượng của chùa là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình điển hình của thời Lê. Khả năng tư duy và trình độ tay nghề của các nghệ nhân đã thật sự thổi hồn vào từng thớ gỗ để nổi bật từng sắc thái, tâm tư từng pho tượng. Cùng với các tác phẩm mang tính trang trí có giá trị nghệ thuật cao. Chữ Hán viết theo lối khả thư, khắc rất đẹp, viền riềm kỷ hà thanh nhã. Đặc biệt trên bức hoành phi có 3 chữ công mạc trắc, nói về ơn đức của phật, tiên, mẫu đối với chúng sinh và dân làng không thể đo đếm được, nét viết rắn rỏi mà vẫn uyển chuyển.
Tám bộ hoành phi, nghi môn, các bức mộc bài, thể hiện sắc thái văn hoá, văn hiến kết hợp nho, đạo, thích rất nhuần nhuyễn về tư duy, về đời sống và tâm linh của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Chùa Hoa Dương có lịch sử trên 300 năm tuổi Giá trị nổi bật của chùa Hoa Dương là nghệ thuật điêu khắc, được biểu hiện ở hệ thống tượng tròn và các tác phẩm điêu khắc gỗ (nghi môn, hoành phi, câu đối…). Đó là các lớp tượng cơ bản, đại diện chung cho hệ thống tượng được bài trí trong một ngôi chùa thờ phật theo phái Đại thừa ở miền Bắc Việt Nam. Chùa Hoa Dương là một trong những ngôi chùa có giá trị kiến trúc - mỹ thuật dân gian tiêu biểu của chùa truyền thống Bắc Bộ ở Vĩnh Phúc còn lại đến ngày nay.
ST