Các dòng sông có vai trò rất lớn đối với lịch sử phát triển của loài người. Trong lịch sử nhân loại, rất nhiều các nền văn minh cổ đại trên thế giới được hình thành bên cạnh các dòng sông, có thể kể đến như Ai Cập cổ đại tập trung dọc theo hạ lưu của sông Nile, văn minh Lưỡng Hà là vùng thung lũng giữa hai con sông Tigris và sông Euphrates, văn minh Ấn Độ phát triển dọc theo lưu vực sông Ấn, văn minh Trung Hoa dọc sông Hoàng Hà và sông Trường Giang… Vì vậy dọc các con sông tập trung nhiều thành phố, làng mạc, công trình di tích lịch sử văn hóa, những điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Du lịch đường sông là loại hình phát triển ở nhiều nước
Hiện nay, du lịch đường sông là xu hướng thịnh hành trên khắp thế giới. Không gì thú vị bằng ngắm thành phố mình ưa thích khi đang lướt trên sóng nước. Du lịch đường sông là hành trình dài ngày, khách du lịch có mức chi tiêu cao đem lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp và địa phương. Lượng du khách chọn loại hình du lịch đường sông mỗi năm tăng đều, thêm hàng triệu lượt khách trên toàn thế giới. Các nhà điều hành du lịch có tiếng phối hợp chặt chẽ với các hãng tàu du lịch lớn đưa ra những gói tour từ một tuần đến cả tháng, nhiều mức giá để thu hút đa dạng khách và gặt hái được những nguồn thu lớn. So với đường bộ thường xuyên kẹt xe và nhiều tai nạn giao thông, đường sắt giá cao và kém tiện nghi, giá tour trọn gói trên những con tàu lớn như các khách sạn nổi từ hơn mười cabin ngủ đến hàng trăm phòng cho khách, có bể bơi, phòng đọc sách, sàn khiêu vũ, phòng ăn lớn... đi dọc theo những con sông đẹp, cảnh quan êm đềm, dừng tại các điểm tham quan chính vài tiếng là rất hấp dẫn. Mọi đối tượng khách từ người trẻ hưởng trăng mật, nhóm thanh niên nghỉ hè, gia đình nhiều thế hệ quây quần, những người già yếu... đều thấy được điểm phù hợp của tàu du lịch đường sông dành cho mình.
Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng rất phát triển du lịch đường sông
Đến thời điểm này, một số địa phương ở Việt Nam có các tour đường sông như cảm nhận Miền Tây sông nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long, du khách được trải nghiệm cuộc sống miệt vườn với kênh rạch, cồn đất, chợ nổi trên sông; tour du lịch đường thủy nội đô ở Thành phố Hồ Chí Minh như 7 tuyến xuất phát từ bến Bạch Đằng đến các điểm đại lộ Đông Tây, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Bình Quới, nhà vườn Long Phước, địa đạo Củ Chi, đồng bằng sông Cửu Long – Long An, Cần Giờ, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới được khai thác cuối năm 2015; cảm nhận Đà Nẵng bằng du thuyền trên sông Hàn; vừa thưởng thức Ca Huế, vừa “ôm Huế vào lòng” với tour du thuyền trên Sông Hương; tour du lịch đường sông dọc một số tỉnh thành ven Sông Hồng. Nhưng ở Vĩnh Phúc, gần như các dòng sông vẫn chưa chảy ra tiền cho ngành du lịch.
Tiềm năng du lịch đường sông Vĩnh Phúc:
Vĩnh Phúc là tỉnh có hệ thống sông ngòi dày đặc với sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ … Trong đó sông Hồng và sông Lô là hai sông chính và có tiềm năng du lịch nhất. Phong cảnh dọc các con sông phong phú, hấp dẫn, bên cạnh những cây cầu là cảnh đồng quê trù phú đậm chất Bắc Bộ, đến địa phận huyện Sông Lô là những triền đồi nhấp nhô ven sông. Dọc sông Hồng, sông Lô có rất nhiều di tích lịch sử và làng nghề truyền thống như: Cụm làng rèn Lý Nhân, làng mộc Bích Chu và 3 đình Bích Chu, Thủ Độ, Cam Giá; Làng mây tre đan Triệu Xá, đền Đỗ Khắc Chung, đền Trần Nguyên Hãn, chùa Am; Tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh; làng nghề trạm khắc đá Hải Lựu, làng rắn Bạch Lưu; các sơ sở sản xuất bún, bánh cuốn, bánh kẹo… truyền thống cũng rất hấp dẫn với khách du lịch nước ngoài.
Trạm khảm gỗ Bích Chu
Thực trạng khai thác du lịch đường sông tại Vĩnh Phúc:
Vĩnh Phúc có tiềm năng về du lịch đường sông nhưng thời gian qua tỉnh chưa thật sự quan tâm để xây dựng sản phẩm của loại hình du lịch này. Trước đây chỉ có 1 đơn vị khai thác tuyến du lịch Sông Hồng là công ty Thăng Long GTC. Nhưng công ty này mới chỉ làm tour cho khách du ngoạn và tham quan các điểm thuộc địa phận Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh và hiệu quả chưa cao. Gần đây công ty du lịch Khám phá Châu Á (Inside Asia Travel) đã khai thác tuyến du lịch đường sông từ Quảng Ninh lên Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình dọc theo Sông Hồng, Sông Lô và Sông Đà. Hành trình khám phá của du khách khoảng 11 ngày và đối tượng là khách Âu Mỹ có thời gian và mức chi tiêu rất cao. Trong năm 2015, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc đã phối hợp cùng công ty du lịch Khám phá Châu Á đi khảo sát các địa điểm có tiềm năng du lịch của Vĩnh Phúc dọc Sông Hồng, Sông Lô là làng mộc Bích Chu, làng rèn Lý Nhân, tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh, làng đá Hải Lựu, làng rắn Bạch Lưu và các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp khác ven sông. Sau đó, công ty du lịch Khám phá Châu Á đã thử nghiệm đưa khách du lịch vào thăm quan, trải nghiệm tại làng mộc Bích Chu, làng rèn Lý Nhân và làng rắn Bạch Lưu. Nhưng cho đến nay vì một số lý do khác nhau mà hoạt động tham quan vẫn được diễn ra nhưng không đều đặn.
Các tuyến du lịch sông Hồng có đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc
Nguyên nhân chủ yếu là sự khó khăn trong việc neo đậu tàu du lịch. Vĩnh Phúc có 4 cảng sông là Chu Phan, Vĩnh Thịnh, Đức Bác, và Như Thụy nhưng hầu hết các điểm tham quan trên đều xa các cảng này. Các bến hàng hóa thường không đáp ứng được yêu cầu đối với tàu du lịch. Việc kết hợp đưa đón, neo đậu của tàu du lịch ở cảng, bến hàng hóa là rất khó khăn. Đây được xem là khúc mắc lớn khiến các doanh nghiệp “quay lưng” với du lịch đường sông. Bởi lẽ, việc xây dựng cầu tàu bến bãi rất phức tạp, không phải đơn vị lữ hành nào cũng đủ kinh phí để đấu thầu xây dựng. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp chịu đầu tư xây cầu tàu nhưng chỉ được khai thác ở một khu (xây cầu tàu ở đâu chỉ được đưa khách đến đó) thì hiệu quả kinh tế lại không bù đắp được kinh phí bỏ ra. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường thủy còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính. Một vấn đề phức tạp mà nhiều địa phương gặp phải là tình trạng chồng chéo trong quản lý đường sông: giữa Bộ Giao thông Vận tải (Cục Đường thủy Nội địa) và các địa phương, giữa ngành du lịch và giao thông. Khách du lịch phải chuyển từ bến bằng đường bộ đến điểm tham quan khiến chi phí tăng cao, khách không hứng thú. Ngoài ra, việc xây dựng các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn các con sông, việc khai thác tài nguyên (cát) cũng làm lưu lượng nước sông không ổn định kéo theo lịch trình thăm quan cũng không ổn định. Vào mùa khô Sông Lô ít nước nên tàu du lịch lớn không thể di chuyển trên sông dẫn tới tình trạng du lịch theo mùa vụ. Người dân địa phương chưa hiểu rõ lợi ích của hoạt động thăm quan và kinh doanh du lịch, điều này cũng cản trở sự phát triển của du lịch đường sông.
Giải pháp để khai thác có hiệu quả du lịch đường sông Vĩnh Phúc:
Để du lịch đường sông Vĩnh Phúc khai thác hiệu quả tiềm năng, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Định hướng phát triển: Vĩnh Phúc nên xem xét nghiên cứu xây dựng đề án Định hướng phát triển du lịch đường sông Vĩnh Phúc theo từng giai đoạn.
Về cơ sở hạ tầng: Vĩnh Phúc cần đầu tư xây dựng một số bến tàu, nâng cấp và xây dựng các cầu tàu, nhà chờ đón khách đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng các trạm dừng kết hợp đường bộ và đường sông.
Hoạt động quản lý nhà nước: Chú trọng đến quản lý và đảm bảo an toàn trong phát triển du lịch đường thủy; tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ quản lý Nhà nước về du lịch đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch đường thuỷ cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên… ngành du lịch; thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch đường thủy. Trước hết, các ngành chức năng của tỉnh cần chủ động liên hệ với các công ty lữ hành tiềm năng, tạo điều kiện để họ mở tour tham quan các điểm du lịch ven sông của Vĩnh Phúc. Các huyện, thành, thị có tuyến du lịch đường sông trực tiếp tham gia xác định nhu cầu, địa điểm các bến, trạm; nguồn kinh phí đầu tư và quy hoạch mạng lưới hệ thống các điểm dừng, bến tàu, bến đậu... Thông thường nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian, có thể cơ hội sẽ không còn với doanh nghiệp. Vì vậy, chính quyền cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp về mặt pháp lý và thủ tục hành chính.
Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đường sông: Tiếp tục mời các công ty lữ hành đồng hành cùng chính quyền khảo sát nhằm thu thập những số liệu cụ thể, đánh giá các điểm mới dọc sông làm cơ sở xây dựng quy hoạch và sớm đưa vào khai thác các tuyến du lịch trên sông. Điều quan trọng là phải tìm ra những sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Phúc. Ví dụ Hưng Yên, Bắc Ninh chú trọng thăm quan di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, Hà Nội gồm nhiều sản phẩm du lịch kết hợp, thì Vĩnh Phúc nên tập trung vào làng nghề truyền thống kết hợp thăm quan di tích lịch sử. Sản xuất những đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, những sản vật địa phương bán cho khách du lịch. Bố trí người dân tại các làng nghề sản xuất khi khách tham quan để họ trải nghiệm sống động nhất đời sống thường nhật của địa phương. Cần thiết có thể hỗ trợ kinh phí cho những hộ dân trong làng nghề để họ chuẩn bị đón tiếp khách du lịch. Tuyên truyền cho cộng đồng địa phương để họ thấy được những lợi ích bền vững của việc phát triển du lịch. Vận động cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Tạo dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn
Xúc tiến quảng bá: Tiến hành quảng bá rộng rãi về tiềm năng du lịch đường sông của Vĩnh Phúc để các hãng lữ hành, du khách biết đến.
Liên kết vùng: Du lịch có tính liên vùng, rộng hơn là liên quốc gia. Nhiều nước ở Châu Âu, Bắc Phi có những tour du lịch đường sông xuyên biên giới rất hiệu quả. Ở châu Á thì nổi danh với du lịch sông Mê Kông giữa các nước Myanmar, Lào, Campuchia và VN. Vì vậy Vĩnh Phúc cần phải phối hợp với các địa phương khác dọc các tuyến sông nhằm chia sẻ kinh nghiệm cùng khai thác phát triển sản phẩm du lịch đường sông.
Nhu cầu du lịch đường sông của du khách ngày càng tăng trong những năm gần đây. Vì thế, việc khai thác du lịch đường sông hiệu quả sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho du lịch Vĩnh Phúc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thiết nghĩ, Vĩnh Phúc cần sớm thực hiện những chiến lược phát triển phù hợp từng bước đánh thức loại hình du lịch nhiều tiềm năng này.
ST