Cập nhật: 12/11/2016 09:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng.

 

Đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hình thức ấn nút điện tử

Chiều ngày 11/11, với 391/402 đại biểu (chiếm 79,31% tổng số đại biểu) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2017.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.

Một trong những nội dung đáng chú ý là Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017.

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở.

Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

Về vấn đề tăng lương, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu rằng đời sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, người hưởng lương còn gặp khó khăn, vì vậy, Chính phủ đề nghị tăng mức lương cơ sở lên mức 1,3 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.

Mặc dù mức tăng này chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu nhưng trong điều kiện ngân sách gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, với mức tăng như trên, ngoài việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tự bố trí sắp xếp cân đối nguồn, ngân sách Trung ương phải chi khoảng 6.600 tỷ đồng, nếu tính cả 1.900 tỷ đồng hỗ trợ 50% nhu cầu tăng lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách Trung ương phải chi khoảng 8.500 tỷ đồng. Đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ trong thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng thể hiện rõ, năm 2017, điều tiết 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách Trung ương. Từ năm 2018, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sẽ xác định lại cơ chế theo quy định của pháp luật.

Thu vào ngân sách nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2017; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật...

"Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí" - Nghị quyết thể hiện./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Tệp đính kèm