Với những giá trị hiện có, khu bảo tồn Hòn Cau cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
San hô dưới biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận
Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau nằm trên vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong 6 khu bảo tồn biển của Việt Nam, có hệ sinh thái đa dạng, đã được các tổ chức quốc tế công nhận. Với những giá trị hiện có, khu bảo tồn Hòn Cau cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cách đất liền 9 km, Hòn Cau là đảo nhỏ, có tên gọi khác là cù lao Câu nằm gần vịnh Cà Ná thuộc địa giới hành chính huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Xung quanh đảo nhỏ này là vùng biển trù phú với hệ sinh thái đa dạng, là bãi đẻ của hàng trăm loài hải sản, cung cấp nguồn giống tự nhiên cho ngư trường. Trong hệ sinh thái đa dạng ấy, rùa biển là loài động vật quý hiếm còn xuất hiện ở vùng biển này. Gia đình bà Nguyễn Thị Mươi là gia đình duy nhất lập nghiệp trên đảo này.
Bà Mươi kể: “Sống ở đây, bán hàng ở đây đã 33 năm, tôi rất nhiều lần thấy rùa lên ấp trứng. Nó hay lên ở bãi này, cũng chỗ hòn đá bên kia. Nó lên nó đẻ ở chỗ đó”.
Khu bảo tồn bao gồm vùng biển và đảo Hòn Cau có tổng diện tích 12.500 héc-ta. Vùng nước xung quanh Hòn Cau có sự hiện diện của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình là rạn san hô và thảm cỏ biển. Vùng biển Hòn Cau có đến 234 loài san hô tạo rạn, 163 loài rong biển,trên 175 loài thực vật phù du; 324 loài cá rạn san hô... Trong đó, rất nhiều loại quý hiếm. Riêng các bãi cát nhỏ ven khu vực phía nam đảo được xem là những bãi đẻ quan trọng đối với rùa biển.
Rùa biển lên đẻ trừng ở Hòn Cau
Theo Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, do nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước trồi, nên khu vực này có ý nghĩa đặc biệt trong việc duy trì, bổ sung đa dạng sinh học nội tại và phát tán ra những vùng lân cận.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau được thành lập vào năm 2010. Ban quản lý khu bảo tồn với 10 nhân viên, chính thức hoạt động vào năm 2012 đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái khu vực này, thông qua các hoạt động như: phổ biến, tuyên truyền về lĩnh vực bảo tồn biển ở các xã ven biển; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn và phối hợp xử lý các vi phạm nghiêm trọng như giã cào bay sai tuyến, sử dụng chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển san hô trái phép của các hộ dân trên địa bàn... Riêng hoạt động bảo vệ rùa biển đã thành công khi năm nay có đến 17 lượt rùa biển về đảo Hòn Cau đẻ trứng. Hiệu suất nở cao với gần 1.700 rùa con được thả về đại dương.
Chị Lưu Yến Phi, một trong số các nhân viên của Ban quản lý tham gia bảo tồn rùa biển tại đây chia sẻ: “Lúc làm công việc bảo tồn, lần đầu tiên thấy rùa mẹ lên đẻ trứng, rồi thấy rùa con nở, tôi cảm thấy hồi hộp lắm. Làm công việc này tôi thấy rất có ý nghĩa”.
Từ xưa đến nay, nguồn lợi hải sản xung quanh khu vực Hòn Cau nói riêng và vùng biển Vĩnh Tân và Cà Ná nói chung đã góp phần duy trì, nâng cao đời sống của các cộng đồng dân cư ven biển. Sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật biển cùng với cảnh quan độc đáo là cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ngành kinh tế khác nhau phát triển như: thủy sản, du lịch...
Người dân thả rùa con mới về biển
Tuy nhiên, gần đây, với sự hiện diện của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, nguy cơ ô nhiễm môi trường là nỗi lo thường trực của những làm công tác quản lý khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau.
Ông Huỳnh Văn Thải, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn Hòn Cau nói: “Khu bảo tồn này có tầm quan trọng đối với biển quốc gia, có ý nghĩa đối với vùng biển Ninh Thuận và Bình Thuận. Nói chung, làm công tác bảo vệ môi trường, thì khi có sự hiện diện của khu nhà máy nhiệt điện thì Ban quản lý chúng tôi rất lo lắng. Mong sao các cấp các ngành, làm sao phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường”.
Những ngày qua, thông tin Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 gửi hồ sơ xin Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đổ hơn 1,5 triệu mét khối bùn và vật liệu nạo vét ra biển Vĩnh Tân, càng làm cho những người làm công tác bảo tồn biển Hòn Cau trăn trở, lo lắng. Họ mong sao các cấp có thẩm quyền cần xem xét kỹ lưỡng tác hại của hoạt động này đối với môi trường biển trong khu vực trước khi có quyết định cuối cùng./.
Theo Việt Quốc/VOV.VN