Nguyễn Duy Thì sinh ngày 10/3 năm Nhân thân (1572), ở thôn Hợp Lễ, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc ( xưa là xã Thanh Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây),trong một gia đình khoa bảng.
Năm Mậu tuất 1598, đời vua Lê Thế Tông, Nguyễn Duy Thì thi đỗ Tiến sĩ ở tuổi 21, được vua phong chức quan ở Viện Hàn lâm. Tiếp đó ông làm Hiến Sát sứ ở Thanh Hoa, Đô cấp trung ở Hộ khoa. Năm tuổi 35, ông được triều đình cử làm phó sứ sang nhà Minh tuế cống. Trở về được vua ban thưởng và thăng chức Thiên đô Ngự sử (1608). Sau đó Nguyễn Duy Thì làm Bồi tụng trong phủ chú Trịnh Tùng. Là người liêm khiết, chính trực, ông thường dâng các điều trần về việc trị nước yên dân. Trong một tờ khải dâng lên chúa Trịnh, ông viết: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước cốt phải yên dân. Trời với dân đều là một lẽ, lòng dân vui thì thuận ý trời… nên người giỏi trị nước phải yêu dân như cha mẹ yêu con”.
Có thể nói, thêm một lần nữa chân lý ngàn đời “lấy dân làm gốc” đã được Nguyễn Duy Thì đề cao. Bằng ngòi bút của mình, Nguyễn Duy Thì đã khuyên vua chúa chuyên tâm vào triều chính, xã tắc, ngăn việc làm trái đạo. Chính là “văn ngang giời dọc đất” vậy. Sự việc này đã thấu động nhân tâm. Một văn nhân khi vãn cảnh Thanh Lãng xưa đã viết:
“Hoa đình một đám chanh vanh
Phụng sự dấu xưa lần tứ quý
Đất thiêng hằng dõi đấng kỳ anh
Làng Lễ bản sinh tài tuấn vĩ
Văn lắm sức ngang người dọc đất
Y Khương sự nghiệp đuốc thiên thu”.
Nguyễn Duy Thì là con người đa tài. Ông có cái nhìn thấu suốt thời cuộc, tư tưởng của ông mang nhiều điểm tiến bộ vượt ngưỡng đương thời. Ở vị trí là quan nhất phẩm triều đình nhưng ông không màng vinh hoa phú quý, mà chỉ
chuyên tâm vào chính sự. Vì thế, ông là nhà chính trị, nhà ngoại giao tài giỏi, có nhiều kế sách khiến triều đình hưng thịnh, ngoài bờ cõi được bình yên.
Chuyện kể rằng: năm 1620, lúc này Nguyễn Duy Thì đang giữ chức Tả thị lang bộ Lại, kiêm Tư nghiệp (hiệu phó) trường Quốc Tử giám. Ông được vua Lê Thần Tông cử sang nhà Minh tuế cống. Trên đường đi đoàn sứ bị quân Mạc Kính Khoan gây trở ngại. Bằng mưu trí của mình, Nguyễn Duy Thì đã bảo vệ sứ đoàn an toàn, việc bang giao giữa hai quốc gia được tốt đẹp.
Năm Quý Hợi 1623, trong phủ Chúa xảy ra biến loạn. Mạc Kính Khoan kéo quân xâm phạm huyện Gia Lâm. Nguyễn Duy Thì một mặt trong dùng kế sách dẹp loạn, mặt ngoài lo đối phó với quân Mạc. Với công lao đó, ông được phong từ Tả thị lang bộ Lại lên Vận tán trị công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu. Đến năm 1642, ông được thăng chức Thượng thư bộ Binh kiêm tế tửu (hiệu trưởng) trường Quốc Tử giám.
Với những công lao đặc biệt trong việc phò vua, giúp chúa trị nước, năm 1645, vua Lê Chân Tông và chúa Trịnh Tráng cùng triều thần bàn luận, gia thăng Nguyễn Duy Thì chức Thượng thư bộ Lại, kiêm coi công việc cả 6 bộ.
Nguyễn Duy Thì còn là nhà văn, nhà thơ mà các văn phẩm như 3 bài ký mới được phát hiện và 2 bài thơ chép trong sách “Toàn Việt thị lục” do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập là những bút tích rất đáng trân trọng, lưu giữ.
Ngày 19/9 năm Nhâm thìn 1652 trái tim Nguyễn Duy Thì – trái tim một con người mà suốt cuộc đời luôn đau đáu nỗi yêu nước thương nòi đã ngừng đập. Cuộc đời hơn 50 năm làm quan trải nhiều cương vị công việc, công lao của ông cống hiến cho dân, cho nước thật lớn lao. Tưởng nhớ tới người con ưu tú của quê hương luôn một lòng trung quân, ái quốc, phủ đường nơi Nguyễn Duy Thì làm việc khi xưa, sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã xây dựng đền ông gần 400 năm qua, người dân kẻ Láng vẫn quen gọi là Phủ thờ quan Thượng Láng.
Đền thờ Nguyễn Duy Thì được xây dựng từ thế kỷ XVII. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, đền được tùng tu, sửa chữa lại cho đến ngày nay, nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ ban đầu.
Đền thờ Nguyễn Duy Thì tọa lạc ở giữa khu dân cư. Từ ngoài vào đền phải qua cổng. Tiếp đến là sân đền, qua sân là đến 2 tòa nhà 5 gian song song hình chữ nhị. Mái đền lợp ngói mũi hài, xòe rộng, uốn cong mềm mại ở góc, tạo nên làn sóng gợn lô nhô của mũi ngói. Chính giữa mái đình đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt” sinh động.
Tòa tiền tế 5 gian, gồm 3 hàng cột, gồm cột cái, cột quân và cột hiên. Tất cả đều được làm bằng gỗ tốt, bào tròn, bão nhẵn. Thượng lương làm theo kiểu tứ trụ, kết cấu vững trãi. Kết cấu các vì làm theo kiểu chồng bồn, mang rõ nét dấu ấn của loại hình kiến trúc thời Lê – Trịnh ở vùng nông thôn trung du Bắc Bộ.
Nét độc đáo của đền thờ Nguyễn Duy Thì là có 2 tòa nhà 5 gian được xây dựng song song nhau, mỗi nhà cách nhau một khoảng sân nhỏ, tòa nhà thứ hai cũng được xây dựng kiểu chữ nhị. Bộ khung của đền được kết cấu xà ngang, xà dọc mộng khớp xít xao tạo nên một công trình kiến trúc bề thế, chắc chắn, khang trang. Đi đôi với kiến trúc, đền thờ Nguyễn Duy Thì còn lưu giữ được nhiều di vật cổ, quý giá.
Đáng chú ý là các đồ thờ tự có niên đại từ thế kỷ XVII bao gồm: Ngai kỷ, án gian, bộ chấp kích, và hệ thống hoành phi, câu đối; đặc biệt trong đền còn lưu giữ được chiếc đòn võng Quan Thượng Láng vẫn dùng khi đi từ triều đình về quê và ngược lại, một bản chúc thư do công thần Nguyễn Duy Trực sao lại năm 1780, với nội dung ghi các chức tước và ruộng đất được ban cấp của ông, 34 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, phong cho công thần Nguyễn Duy Thì và gia tộc của ông.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” có tự ngàn đời của dân tộc, hằng năm vào ngày 11/9 âm lịch, kỷ niệm ngày mất của danh nhân Nguyễn Duy Thì, chính quyền địa phương và dòng họ Nguyễn tổ chức lễ hội long trọng, trang nghiêm.
Có thể nói, bằng những giá trị đích thực, đền thờ quan Thượng thư Nguyễn Duy Thì là những di sản văn hóa quý giá của huyện Bình Xuyên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Vì thế, vấn đề bảo vệ và tôn tạo di tích luôn được chính quyền địa phương, các ngành chức năng quan tâm sâu sắc.
Phủ thờ quan Thượng Láng – nơi xưa Nguyễn Duy Thì lập công đường hành sự nay là đền thờ ông đã trở thành một di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Nơi đây trong khói hương huyền ảo, như vẫn còn vang vọng sang sảng lời khải của con người “văn ngang dọc trời đất” rằng: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước cốt phải yên dân…”, vẫn còn mãi với non sông đất Việt, như nhắc nhớ các thế hệ cháu con nguyện phấn đấu theo tấm gương người trung nghĩa.
ST