Cập nhật: 20/11/2016 15:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tháp Bình Sơn, công trình kiến trúc Cổ tích không chỉ mang một giá trị tự thân cao cả về lịch sử và nghệ thuật mà còn thể hiện khả năng sáng tạo của dân tộc ta, đồng thời với vẻ đẹp cân đối như sự tổng hòa nhiều mặt của kiến trúc, mỹ thuật trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của ông cha. Với màu đỏ của gạch, rực rỡ giữa màu xanh của bầu trời nhiệt đới và cây cỏ để hội thành một trục thông linh mang màu lửa tam muội tràn tới muôn nơi đem lại hạnh phúc tới muôn nhà…

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh K.L

Chẳng thế mà theo đánh giá của người Pháp, Tháp Bình Sơn là một công trình có kiến trúc độc đáo, là một cây tháp đẹp nhất xứ Bắc Kỳ, được quan Toàn quyền ký nghị định năm 1935 công nhận là Cổ tích. Ngày 28/4/1962, tháp Bình Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 313/VH-QĐ của Bộ Văn hoá - Thông tin.

Nếu bạn có thời gian tìm hiểu, tới chiêm ngưỡng Tháp Bình Sơn tại thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, chắc hẳn sẽ nhận định, sự đánh giá ấy quả không sai.

Tháp Bình Sơn được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIV, căn cứ vào kiến trúc nghệ thuật của tháp để xác minh niên đại. Tương truyền, tháp có 15 tầng. Theo các cụ cao niên địa phương kể lại, trên nóc tháp còn có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát vươn cao.

Theo sử, sách ghi chép, Tháp hiện chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ vì phần chóp của tháp đã bị vỡ, có chiều cao đo được 16,5 mét. Tháp cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về phía ngọn với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét.

Toàn bộ phần còn lại của tháp, căn cứ vào thống kê phân loại trong tiến trình tháo dỡ phục dựng, cho thấy tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung. Trong lòng tháp là một khoảng rỗng nhỏ chạy suốt chân tháp lên đến ngọn. Tháp Bình Sơn không những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị mỹ thuật cao, được gọi là “Hòn ngọc báu của kho tàng dân tộc”, trên các hòn gạch có rất nhiều loại hoa văn trang trí.

Các nghệ nhân khi xây dựng tháp đã dựa vào tầm nhìn của người chiêm ngưỡng mà trang trí hoa văn tinh xảo, tỉ mỉ hay đơn giản. Đẹp nhất là từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6 mét, là khoảng cách mắt thường có thể cảm nhận dễ dàng. Ở hai tầng này có họa tiết trang trí kỹ lưỡng, phức tạp mà nổi bật nhất là những hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẫn, rồng chạm nổi, cùng mô típ "sư tử hí cầu"…. Những tầng trên trang trí thưa dần và hình dáng cũng đơn giản hơn như hoa chanh, lá sòi (hoa dấu phảy). Các viên gạch trang trí đều có chân và sau khi xếp vào vị trí cố định thì liên kết thành một khối.

Bệ tháp khá lớn, cao 1,62 m, mỗi cạnh dài 4,45 m. Xếp từ nền lên, là sáu hàng gạch khẩu. Các hàng gạch này cứ thụt vào dần theo chiều cao của bệ. Tiếp đến là một hàng “hoa cúc”. Trên nữa, úp xuống sáu hàng gạch “lợi chậu” trơn. Rồi đến hàng “sư tử hý cầu” mà khung viền là những “cánh hoa cúc” (dấu phẩy). Bên trên khung, có hàng riềm lá “sòi” và một hàng gạch trang trí bằng hình “cánh sen dẹo”(tức cánh sen cách điệu, úp xuống, mũi uốn cong tròn). Rồi đến hàng gạch “vành song” hình “vỏ măng”. Trở lên, hai hàng gạch trang trí bằng hình “cánh sen ngửa” kết thúc tầng bệ, các cánh sen cách điệu này cũng uốn cong mũi, giữa có những vòng tròn cạnh nổi khắc chìm theo kiểu hoa “mặt nhẫn”, vòng to ở giữa, các vòng con sắp cạnh nhau ở bốn phía.

Tiếp trên tầng bệ là tầng thứ nhất, cao 2,72 m, cạnh rộng 3,3 m, bốn phía có “cửa tò vò” “chém góc” trên. Khuôn cửa được trang trí bằng hình “lá lật uốn nổi”. Hai bên cửa, có sáu “đố” dọc hình chữ nhật. Trong mỗi “đố” có ba “ô” tròn chứa rồng chạm nổi: đầu quay vào giữa, chân rồng đạp ra ngoài, nền là các sống “cúc dây” nhỏ. Cả ba ổ rồng nằm trong khung có riềm khắc chìm các nét “cánh hoa cúc (dấu phẩy). Bên trên ở các “đố” là hàng “gạch gờ” có vạch lõm “hoa dây”. Trên nữa, là hàng “đấu ba chạc” (con sơn). Chen giữa hai “đấu ba chạc”, có một “lá đề” trang trí bằng “hoa dây uốn nổi”. Kết thúc tầng thứ nhất, là sáu hàng “gạch khẩu” “từng cấp” nhô ra thay mái. Tầng thứ hai cao 1,68 m, cạnh rộng 2,72 m. Mở đầu là chín hàng “gạch khẩu” nhô ra thụt vào. Rồi đến hàng “cánh sen ngửa”đỡ lấy hàng gạch. Các hàng gạch này được phối hợp thành tám khung hình chữ nhật, mỗi cửa tò vò có tám khung kẹp hai bên. Trong mỗi khung, là hình đắp nổi một khung tháp nhỏ năm tầng chiếu diễu hào quang (những đường kẻ thẳng toả ra tứ phía). Viền khung, cũng là những hàng “cánh hoa cúc” (dấu phẩy) vạch chìm. Như tầng thứ nhất, tầng thứ hai cũng có các “đấu ba chạc” và “lá đề”, và cùng kết thúc bằng sáu hàng “gạch khẩu” nhô ra thành mái. Hàng cuối cùng được in nổi hình “cúc dây” uốn. Góc mái cong được trang trí bằng một “lá đề”, có hình “hoa dây uốn nổi” bên trong. Từ tầng này trở lên không có hình rồng nữa.

Tầng thứ ba cao 1,27 m, rộng 2,40 m, và được bố trí tương tự tầng hai, nhưng hàng “cánh sen” và hàng “gạch khẩu” bị rút bớt đi.

Từ đây trở lên, các tầng đều tương tự tầng ba, nhưng không còn hình “cúc dây” ở riềm mái; thay vào đó là hình “cánh hoa cúc” (dấu phẩy). Do rút bớt các hàng gạch khẩu, hay do cắt xén các viên gạch trang trí bằng hình tháp, các tầng cứ cao càng hẹp dần. Tầng thứ tám được trang trí bằng hình tháp, xen kẽ có hình “hoa chanh” “bổ ô vuông mắt cáo”.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, di tích đã bị hủy hoại nặng nề, chỉ còn lại một số dấu vết ít ỏi minh chứng cho sự tồn tại lâu đời và các giá trị vốn có của di tích. Sau những trận lụt liên miên trước thập niên 1960, Tháp Bình Sơn có nguy cơ bị đổ sụp hoàn toàn khi bị nước lũ cuốn lở mảnh chân đế phía bắc và phía tây, chỏm tháp bị vỡ một mái. Năm 1969, nước ngập chân móng đến 60 cm buộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phú phải dựng một khung sắt và dùng vành đai thép để ghì chống cho tháp. Tháng 5 năm 1972, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thông tin, xưởng phục chế Tháp Bình Sơn được lập tại thị trấn Hương Canh nhằm đảm bảo tháp được dựng đúng từng chi tiết, đảm bảo phục chế đúng nguyên tác. Nhân lực và biện pháp thực hiện đều làm theo lối thủ công với từng hòn gạch được tháo dỡ, đánh dấu từng cạnh, từng mặt, từng tầng theo các hướng, đổ khuôn thạch cao rồi xếp vào từng gian nhà theo đúng thứ tự đã ghi chép, chụp ảnh từ trước. Việc phục chế từng viên gạch với kích thước, đường nét hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi người tạo tác phải tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại. Công nhân phải làm tới 100 viên gạch phơi mới có một viên đúng mẫu và sau khi nung hầu như cứ 48 viên mẫu mới được một viên gạch đạt quy cách. Việc làm gạch để thay thế và bổ sung những chỗ bị vỡ trên tháp, bị nát, bị khuyết, bị lũ quét, phải kéo dài đến hai năm. Khi gắn lắp lại tháp, người ta phải căn cứ vào khuôn in thạch cao, đồ họa và ảnh chụp ban đầu, theo số mục đánh dấu trên từng viên gạch và thứ tự của từng kho dựng gạch. Hiện nay, toà tháp vẫn giữ nguyên hình dạng từ cuộc đại trùng tu năm 1972.

Liên quan đến Tháp Bình Sơn, có không ít truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian như truyền thuyết cánh đồng Tháp ở Tứ Yên; Đài quan sát ca nô của Pháp; truyện ông Ngụy Đồ Chiêm. Ngoài ra còn có tích nói về con vịt (cũng có cụ nói là đôi) vàng xuất hiện ở giếng. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ở phía tây tháp Bình Sơn còn có một cây tháp nữa màu xanh. Một đêm nọ, dân xung quanh chợt nghe một tiếng ầm lớn, rồi từ phía cây tháp vọt lên trời một luồng sáng ngũ sắc. Mọi người chạy ra thì cây tháp đã biến mất, nơi vị trí cây tháp tụt xuống thành cái giếng hình tựa bàn chân khổng lồ, gót quay về phía tây nam, nước luôn thay đổi màu sắc: lúc trong vắt, lúc vàng, lúc đỏ, lúc xanh ... các cụ già quanh vùng còn kể lại vào những đêm trăng sáng thường thấy con vịt vàng bơi ở giếng. Giếng ấy hiện nay vẫn còn.

Suy cho cùng, trên mảnh đất của Tháp Bình Sơn đã hội biết bao dòng di sản văn hóa cả về vật thể và phi vật thể, cả về Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, về đạo và đời… để tạo nên những tinh hoa đặc biệt của văn hóa truyền thống mà điển hình là ngôi Tháp Bình Sơn mang tính chất vô tiền khoáng hậu.

Trước đây, hàng năm ở khu di tích, người dân địa phương chỉ tổ chức có hai ngày lễ chính là ngày mùng 4 tháng Giêng là ngày khai hạ của các vãi, có tổ chức lễ ăn chay và ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch là ngày khai hạ của toàn dân, thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan vãn cảnh. Hiện nay, Khu di tích lịch sử Tháp Bình Sơn - Chùa Vĩnh Khánh được địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng giêng hàng năm, gọi là “Lễ hội chùa tháp”.

Có thể nói, Khu di tích tháp Bình Sơn có giá trị cao về lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Nơi đây bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể mang tính quốc gia. Chính vì vậy, năm 2016, Tháp Bình Sơn được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Trong tương lai, khu di tích Tháp Bình Sơn sẽ trở thành một địa danh văn hóa, du lịch đáp ứng được các nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương trong và ngoài nước. Vì vậy, Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo Khu di tích Tháp Bình Sơn – Chùa Then được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận tại Công văn số 1995/BVHTTDL-DSVH ngày 18/6/2014. Quy hoạch tổng thể khu tích trên nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng yếu tố gốc của di tích, trong đó lấy Tháp Bình Sơn làm trung tâm. Phạm vi quy hoạch khu di tích được khoanh vùng bảo vệ bằng hệ thống tường bao xung quanh, diện tích khu vực khoanh vùng bảo vệ hiện nay là 17.200 m2. Căn cứ vào ghi chép và tư liệu cổ phục dựng lại lối vào chính trong khu di tích theo hướng Tây Nam, lối này làm trục thần đạo chính cho công trình. Công trình Tháp Bình Sơn và giếng mực đối xứng so le nhau qua trục thần đạo….

ST

Tệp đính kèm