Việt Nam biển bạc rừng vàng với những bãi biển trong xanh dài bất tận, những cánh rừng lâu năm cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lịch sử văn hóa lâu đời. Trong đó, Vĩnh Phúc may mắn có được nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật,... có khí hậu và không khí trong lành chính là tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Cùng với việc khai thác và quy hoạch các khu, điểm du lịch thì song song với đó cũng cần phải có kế hoạch bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên để gìn giữ cho đời sau.
Vĩnh Phúc ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, thuộc vùng trung du, chuyển tiếp giữa rừng núi và đồng bằng chia thành ba dạng địa hình rõ nét: đồng bằng, trung du và miền núi. Rừng rậm, núi cao, hệ thống sông suối và thác gềnh quanh co, đó đây điểm xuyết một vạt rừng, một mặt đầm,... làm cho cảnh quan thiên nhiên nhiều hình nhiều vẻ, cảnh đẹp tạo nên bộ mặt kì thú riêng của tỉnh, vừa nghiêm trang, vừa thơ mộng, vừa trữ tình. Những năm gần đây, khách du lịch đến với Vĩnh Phúc tăng nhanh, điểm đến của du khách đã không chỉ dừng lại tại các khu du lịch nghỉ dưỡng như Tam Đảo, Flamingo Đại Lải Resort,... Khám phá thiên nhiên và trải nghiệm những cảm giác mới lạ đang là xu hướng du lịch của đông đảo giới trẻ, đặc biệt, Vĩnh Phúc có hệ thống thác, suối phong phú, đa dạng, nhiều điểm du lịch mới chưa đc khai thác, vẫn giữ được nét hoang sơ tự nhiên, đây chính là tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng là nguyên ngân không nhỏ ảnh hưởng đến môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thác Ba Ao - điểm đến được ưa thích bởi thiên nhiên còn hoang sơ trong lành
Về mặt tích cực, du lịch phát triển tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên như: Tăng hiệu quả sử dụng đất nhờ sử dụng quỹ đất còn bỏ trống hoặc sử dụng không hiệu quả; giảm sức ép do khai thác tài nguyên quá mức, cải thiện các điều kiện về khí hậu, làm tăng mức độ đa dạng sinh học…, du lịch có thể giúp làm sạch môi trường thông qua các chương trình quy hoạch cảnh quan, thiết kế xây dựng.
Bên cạnh những mặt tích cực, du lịch cũng đem đến những tác động tiêu cực cho môi trường khi tốc độ phát triển du lịch quá nhanh trong điều kiện nhận thức của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch hạn chế, công cụ quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế, thiếu phương tiện xử lý môi trường, thiếu kinh phí...Đối với môi trường tự nhiên, du lịch làm tăng áp lực về chất thải, nước thải sinh hoạt; tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, các nguồn nước ngầm. Tuy được coi là ngành “công nghiệp không khói”, nhưng du lịch có thể gây ô nhiễm không khí thông qua phát, xả khí thải động cơ xe máy và tàu thuyền.
Bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển du lịch mà các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các đơn vị kinh doanh du lịch kể cả khách du lịch phải nhìn nhận đúng mới có những hành động đúng để cùng phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường du lịch.
Theo đó, cơ quan quản lý cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan đối với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên trong du lịch để đề ra những chính sách phù hợp; hướng dẫn cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý rác thải; quy hoạch chi tiết các điểm, khu du lịch, đề ra các quy định, giáo dục người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường sinh thái ở các điểm, khu du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa... Cơ quan quản lý cũng cần có chiến lược, chương trình hành động thực hiện đánh giá hàng năm về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân ở các vùng, tuyến, điểm du lịch làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo phong cách giao tiếp lịch sự với du khách, nâng cao nhận thức của người dân về tài nguyên du lịch và phát triển du lịch bền vững...
Chính quyền ở các địa phương cần tuyên truyền, giáo dục và vận động du khách và cộng đồng dân cư địa phương hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng, vận chuyển trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm, quản lý hệ thống thu gom, tập trung chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại. Xây dựng các bảng tin, khẩu hiệu tuyên truyền, pano cổ động bảo vệ môi trường ở các nơi có di tích, lễ hội. Đảm bảo ở mỗi di tích đều có hệ thống vệ sinh từng bước đạt chuẩn. Trong quá trình thẩm định, xét duyệt các dự án, chính quyền địa phương cần chú ý tác động của dự án đến môi trường và có những giải pháp xử lý…
Đối với cộng đồng địa phương, là những người chủ sở hữu các nguồn tài nguyên, họ có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch. Đồng thời, họ cũng có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hoá địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường; khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Đơn vị du lịch lữ hành cần tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch và trên các tuyến du lịch; tích cực tham gia bảo vệ môi trường tại nơi doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch, khắc phục hậu quả do sự cố tác động đến môi trường, khuyến khích và hướng dẫn khách du lịch tự mang rác đến địa điểm tập kết theo quy định. Khách du lịch phải tuân thủ các quy định và chỉ dẫn về bảo vệ môi trường, có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, không có những hành vi làm ảnh hưởng đến cảnh quan...
Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm với tương lai của các thế hệ sau này. Hãy đối xử tốt với thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường, ta sẽ tận hưởng được những giây phút thư giãn, thoải mái trong bầu không khí trong lành, được tận hưởng những cảnh đẹp từ thiên nhiên.
ST