Để tạo bước đột phá cho du lịch phát triển, Vĩnh Phúc đã và đang chú trọng nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng qua việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư như: nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động vốn từ doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong nước, nguồn vốn vay, tài trợ của các tổ chức quốc tế.
Ảnh minh họa
Từ đó, nhiều công trình trọng điểm được đầu tư với nguồn vốn lớn, tạo dấu ấn mạnh mẽ góp phần nâng tầm du lịch của tỉnh. Dự án Quần thể du lịch sinh thái FLC Vĩnh Thịnh – An Tường, huyện Vĩnh Tường đã, đang được thực hiện sẽ là một điểm sáng trên bản đổ du lịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Phản ánh của phóng viên Trung Đông về Dự án này.
Dự án Quần thể du lịch sinh thái FLC Vĩnh Thịnh – An Tường có quy mô trên 250ha, với tổng giá trị đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khi dự án hoàn thành sẽ trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng cao cấp, giống như khu du lịch Đại Nam của tỉnh Bình Dương. Đến nay, sau gần 9 tháng khánh thành, giai đoạn I của dự án đi vào hoạt động đã thu hút nhiều đoàn khách trong và ngoài nước với trên 3.000 lượt khách đến nghỉ dưỡng. Điều này, đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc đến du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, tập đoàn FLC - chủ đầu tư dự án đang tiến hành triển khai các hạng mục lớn như: Học viện golf; khu tâm linh; khu công viên giải trí Disneyland; khu vườn thú tự nhiên; khu biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn đạt chuẩn 5 sao quốc tế. Dự tính các hạng mục này sẽ được vận hành và đón khách ngay trong năm 2017, đưa khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Phúc Resort trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng cao cấp, góp phần tạo đột phá trong du lịch.
Riêng việc chuyển đổi cơ cấu nghề cho các hộ dân có đất thuộc Dự án, dự kiến khi dự án chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động, FLC Vĩnh Thịnh – An Tường sẽ cần khoảng 4.000 lao động, trong đó có khoảng 1.500 lao động phổ thông. Như vậy, dự án sẽ giải quyết trên 80% nhu cầu việc làm của người dân địa phương 2 xã Vĩnh Thịnh và An Tường, 20% nhu cầu việc làm của huyện Vĩnh Tường và các vùng lân cận, với mức thu nhập bình quân từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả dự án mang lại cho thấy đây là dự án phù hợp với định hướng phát triển du lịch và dịch vụ của tỉnh nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân. Trước đó, khi nhận được đề xuất của Tập đoàn FLC về triển khai dự án tại huyện Vĩnh Tường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu tổng thể về dự án cũng như các tác động của dự án đến đời sống của người dân và môi trường sinh thái xung quanh. Cùng với đó tổ chức các buổi làm việc, lấy ý kiến nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân trước khi dự án được triển khai. Từ quy hoạch tỷ lệ 1/2000, cùng với tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch 1/500 và đang chuẩn bị các bước tiếp theo cho các công đền bù, giải phóng mặt bằng cho giai đoạn II của dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các xã và huyện Vĩnh Tường đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của người dân để từng bước tháo gỡ các khó khăn, tạo sự đồng thuận trong dân và lên phương án để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho nhân dân.
Có thể nói, với việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, Vĩnh Phúc đang gây dựng cho mình thế và lực để phát triển du lịch một cách bền vững; đưa Vĩnh Phúc in dấu đậm nét trong những trải nghiệm của du khách mỗi khi đến và nghĩ về mảnh đất này./.
Trung Đông