Cập nhật: 21/11/2016 08:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có lẽ tự lâu rồi, đê làng như một chứng nhân đặc biệt, chứng kiến và gắn bó cùng với những vui, buồn, cả khi no đủ, cùng những lúc tháng ba ngày tám, cả những lúc vụ năm, vụ mười lúc đầy cót, đầy bồ, cũng như lúc đồng trắng nước trong…của quê làng. Buổi được mùa, dân làng xóm ngõ tưng bừng, rộn rã, tiếng kẽo kẹt của những chiếc gánh lúa trẫm vai đang hối hả bước dọc chiền đê về làng. Ngày giáp hạt con đê làng cũng lặng lẽ một niềm xẻ chia, đùm bọc tình làng nghĩa xóm. 

Đê làng, sự hiện diện đầy ắp những kỷ niệm đẹp trong tâm hồn tuổi ấu thơ đến lục đầu bạc răng long. Tuổi thơ con đê làng là nơi chúng tôi in đậm nhiều kỷ niệm, tâm hồn như được chắp cánh theo con diều giấy có gắn ống sáo lượn bay giữa tầng không vang vọng âm thanh trầm bổng. Lần đầu tiên cắp sách tới trường, trang vở, vần chữ cái còn thưa, nhưng mực quả mồng tơi chín thì đủ ướt nhòe trên hai bàn tay, và cứ thế khi hoàng hôn bảng lảng đang lặn xuống rặng tre, những cô cậu học trò nhỏ lại bước dọc chân đê về làng. Giữa thảm cỏ xanh chân đê, ta dễ nhận ra có đài hoa cúc dải sắc vàng, hoa sâm bay cánh tím…cùng với cây gạo đầu làng tháng ba trổ màu hoa lửa nối bến sông với thôn làng. Tháng giêng cánh én bay từ hướng bãi sông lượn qua mặt đê, dệt nắng ấm lên má mạ chiêm, tháng bảy mùa nước lên, tiếng chim tu hú ướt nhòe chân đê. Trên mặt đê, ta gặp chim sẻ đồng tha cọng rơm vàng làm tổ, mùa chim Ngói đem tháng mười no đủ đến với mỗi bếp lửa hồng.

Trong đê làng không chỉ là nơi định cư của nhân dân, mà còn là nơi lưu giữ cội nguồn văn hóa dân tộc, với những thuần phong mỹ tục, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Những gì tinh túy nhất của đời người được ông, bà, cha, mẹ truyền lại qua lời ru ta bên bậu cửa, từ “cái cò, cái vạc, cái nông”, đến “bầu ơi thương lấy bí cùng” và cả những câu ca dao thấm đẫm những giọt mồ hôi “một nắng hai sương” của bà, của mẹ, những ai đã từng sinh ra và lớn trong đê làng chắc hẳn đều có hồi ức đẹp đến nao lòng như thế.

Trên khắp dải đất hình chữ S này, từ miền xuôi đến miền ngược, từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, đâu đâu cũng có đê làng và ở mỗi làng quê Vĩnh Phúc cũng vậy, đều được bao bọc bởi những con đê làng, làm nên giá trị kiên cố như một thành trì bảo vệ làng xóm. Đê với người như thế đã mấy ngàn năm, đồng vọng từ câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh của buổi đầu hồng hoang dựng nước, đến các cuộc chiến chống hồng thủy của dân tộc, đê làng là thành trì vững chắc đẩy lùi lũ lụt. Mùa khô dòng sông khép lại dòng chảy, đê làng dường như cao hơn, dài rộng hơn. Mặt đê hôm nay đã trải bê tông, đá răm gồng mình vào nhịp thở xây dựng đô thị hóa làng quê. Mùa bão giông, đê làng vươn tay chống đỡ những cơn lũ xoáy cuồn cuộn đập vào chiền đê bảo vệ làng mạc, đồng ruộng, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Những con đê còn là những con đường giao thông, nối tình người của những miền đất xuôi, ngược, mang những vật phẩm, hoa trái của miền nọ, giao hảo với miền kia. Đê làng – tuyến đường giao thông quan trọng, nối ngược xuôi tình người, tình đất và tôi biết: Dẫu mình có đi xa đến đâu đi chăng nữa thì cả đời cũng không đi hết được con đê làng bình yên mà ngàn năm vẫn luôn thao thức.  

Dẫu biết rằng xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, làng quê Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng đã có nhiều khởi sắc, con đê làng đã được làm mới to, đẹp hơn, với sự chung sức của Nhà nước và nhân dân, song dù cuộc sống có đổi thay đi bao nhiêu chăng nữa thì hình ảnh con đê làng vẫn thể hiện cho diện mạo, cốt cách và tâm hồn của mỗi làng quê Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.

          “Con đê là tình nghĩa mẹ cha tôi

          Sau rạn nứt, bão giông không thể vỡ

          Có giữ đất, đất nuôi đời duyên nợ

          Tình duyên tôi không xói lở bao giờ...”

 

ST

Tệp đính kèm