Cập nhật: 21/11/2016 09:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, cửa biển La Gi (Bình Thuận) thường xuyên bị bồi lấp. Nhất là vào mùa mưa bão, lượng cát bồi lấp rất lớn, nhiều thời điểm tàu thuyền không thể lưu thông, bị mắc cạn hoặc sóng đánh chìm tại cửa biển. Đặc biệt, mỗi khi có mưa to trên thượng nguồn sông Dinh đều xảy ra tình trạng này, gây thiệt hại lớn cho ngư dân...

 

Thuê tàu kéo qua cửa biển La Gi, chủ tàu phải trả từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/lượt.

Ngư dân thiệt hại, kinh tế địa phương bị ảnh hưởng

Thị xã La Gi là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền khai thác hải sản nhiều nhất tỉnh Bình Thuận với khoảng 2.000 chiếc, trong đó hơn 230 chiếc có công suất từ 400 CV trở lên. Hầu hết neo đậu tại cảng hoặc các khu neo đậu dọc theo sông Dinh thuộc địa bàn thị xã. Mỗi khi tàu thuyền xuất bến đi đánh bắt hoặc cập cảng bán hải sản đều phải qua cửa biển La Gi.

Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên, hằng năm cửa biển thường xuyên bị bồi lấp, cho nên tàu thuyền rất khó khăn trong việc ra vào, dễ bị mắc cạn. Theo ngư dân địa phương, để ra vào cảng an toàn thì cửa biển phải có độ sâu tối thiểu là ba mét. Song do bị cát bồi lấp, nhiều chỗ giảm xuống còn

2,5 m, có chỗ chỉ còn khoảng 1,5 m. Vì vậy, để tránh bị mắc cạn, các chủ tàu lớn thường phải thuê tàu kéo lai dắt đi qua cửa biển này với chi phí khá cao. Riêng trong năm 2016, chỉ từ tháng 6 đến tháng 11, đã có hai lần nước lũ từ trên nguồn đổ xuống kéo theo nhiều tàu thuyền ra cửa biển bị mắc cạn và 12 chiếc đã bị sóng biển đánh chìm, thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng. Bà Huỳnh Thị Thu Yến (trú tại khu phố 1, phường Tân Thiện, thị xã La Gi), chủ của cặp tàu giã cào đôi cho biết: Cặp tàu của gia đình mỗi lần ra vào cửa đều phải thuê tàu kéo với chi phí từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/lượt. Tuy nhiên, có lúc vẫn bị mắc cạn không thể ra được. Với chi phí một chuyến đi biển từ 350 đến 400 triệu đồng mà tàu bị mắc cạn nằm lại thì coi như bị lỗ nặng. Ông Nguyễn Thanh Bình (trú tại khu phố 5, phường Bình Tân, thị xã La Gi) bức xúc: Cứ vào mùa mưa bão hoặc gió mùa đông bắc, do cửa biển bị bồi lấp cho nên các tàu thuyền ra vào cửa biển đều bị thiệt hại.

Nhiều trường hợp, khi đánh bắt trở về, tàu không thể vào cảng cá La Gi để tập kết hải sản và bổ sung nhiên liệu, thực phẩm cho chuyến biển tiếp theo cho nên phải di chuyển tới cảng Phan Thiết hoặc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gây tốn thêm chi phí xăng dầu, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động trên tàu. Bên cạnh đó, mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hoặc có bão trên biển, tàu thuyền cũng phải di chuyển tới các địa phương khác neo đậu để bảo đảm an toàn.

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã La Gi, số lượng tàu thuyền công suất lớn của thị xã chiếm gần 30% tổng số tàu thuyền của tỉnh Bình Thuận, bình quân hằng năm, sản lượng khai thác đạt gần 60 nghìn tấn. Từ năm 2014, khi Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, ngư dân thị xã La Gi đã mạnh dạn vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi xa bám biển. Tất cả tàu được đóng mới hoặc cải hoán đều có công suất lớn từ 400 CV trở lên. Đây là cơ sở để thủy sản La Gi có bước phát triển mới. Thế nhưng, việc cửa biển thường xuyên bị bồi lấp đã làm nhiều người lo ngại không dám đầu tư đóng mới vì sợ thiệt hại khi ra vào cửa biển này.

Ông Bạch Lòng, ngư dân phường Bình Tân, chủ tàu cá có công suất 823 CV được đóng bằng vốn vay theo Nghị định 67, tâm sự với chúng tôi: Mỗi lần cho tàu thuyền ra vào cảng La Gi là lại thấy thấp thỏm lo âu, với con tàu trị giá hơn 13 tỷ đồng, nếu mà bị mắc cạn, chắc chắn thiệt hại về tài sản, lúc đó không chỉ tốn chi phí sửa chữa mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động khai thác và trả nợ theo quy định.

Nan giải nguồn vốn đầu tư nạo vét

Việc đầu tư nạo nét, khơi thông cửa biển La Gi là yêu cầu cấp thiết, được nhân dân địa phương kiến nghị tới các cấp chính quyền. Năm 2014, UBND thị xã La Gi đã giao cho Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tâm thực hiện phương án nạo vét thông luồng tạm cửa biển La Gi, bảo đảm độ sâu cho tàu cá ra vào thuận lợi, tận thu cát nhiễm mặn, lấy thu bù chi. Theo đó, từ cuối năm 2014 đến tháng 6-2016, Công ty TNHH Tuấn Tâm tổ chức được ba đợt nạo vét với khối lượng hơn 45 nghìn m3 cát. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời chỉ giải quyết nhu cầu bức xúc trước mắt, luồng cửa biển nhanh chóng tái bồi lấp và có xu hướng nghiêm trọng hơn so với trước khi nạo vét do nền cát bị tác động không còn cố kết.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi Võ Văn Hoàn cho biết, đây là dự án đầu tư được xã hội hóa, doanh nghiệp thực hiện tận thu cát nhiễm mặn, lấy thu bù chi, nhưng do không bán được cát, cho nên doanh nghiệp chỉ làm cầm chừng, không liên tục dẫn đến việc nạo vét cửa biển La Gi không được giải quyết triệt để. Thị xã đang đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ vốn ngân sách để thực hiện công tác nạo vét này, nhưng cũng chưa biết đến khi nào mới có, do ngân sách tỉnh đang rất hạn hẹp.

Tháng 3-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Công trình mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá, cửa biển La Gi với tổng mức đầu tư hơn 135 tỷ đồng từ nguồn vốn T.Ư hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững; huy động từ các thành phần kinh tế khác. Mục tiêu của dự án là tạo khu vực an toàn cho 1.600 tàu cá có công suất 600 CV neo đậu nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản khi có gió, bão; góp phần phát triển ngành khai thác đánh bắt, chế biến hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá; bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và củng cố an ninh quốc phòng trong khu vực; nâng cao năng lực cảng cá, đạt công suất 175 lượt/ngày. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn từ 2016 đến 2020.

Tuy nhiên, nếu dự án được triển khai mà cửa biển không được nạo vét thì sẽ không phát huy được hiệu quả như mục tiêu đề ra. Vì vậy, UBND thị xã La Gi đã đề nghị đưa gói thầu nạo vét cửa biển La Gi vào dự án này và đã được tỉnh chấp thuận. Nhưng do kinh phí đầu tư lớn, việc thu xếp vốn cho dự án là rất khó khăn. Đây là vấn đề mà tỉnh Bình Thuận đang rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ từ các bộ, ngành T.Ư.

Cửa biển La Gi bị bồi lấp là nỗi lo lắng không chỉ của nhân dân mà của cả chính quyền địa phương. Việc sớm có giải pháp bảo đảm ổn định luồng cửa biển La Gi thông suốt lâu dài, căn bản sẽ giúp ngư dân La Gi tháo gỡ khó khăn, yên tâm ra khơi, phát triển sản xuất góp phần vào phát triển kinh tế thủy sản ở địa phương nói riêng và của tỉnh Bình Thuận nói chung.

Đình Châu

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm