Mặc dù chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam có sự tăng bậc nhưng sự chuyển biến này vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Nhiều giải pháp để cải cách chỉ số thương mại qua biên giới nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. (Ảnh minh họa: KT)
Chỉ số thương mại qua biên giới là 1 trong 10 chỉ số đánh giá mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam đã tăng 15 bậc.
Tuy nhiên, chỉ số này vẫn chưa đạt mục tiêu yêu cầu của Nghị quyết 19 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, vẫn còn nhiều vướng mắc làm trì trệ sự tăng trưởng của chỉ số này.
Thời gian qua, Tổng cục hải quan đã triển khai 9 điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung đối với hàng hóa nhập khẩu tại địa phương có lưu lượng hàng hóa lớn trên cả nước. Cơ chế 1 cửa quốc gia kết nối với 9/14 bộ, ngành, với 31 thủ tục trên 90.000 hồ sơ và hơn 6.000 doanh nghiệp đã tham gia.
Tổng cục Hải quan cũng hợp tác thu thuế nhập khẩu bằng điện tử với 27 ngân hàng. Về cải cách kiểm dịch thực vật, hồ sơ đã được đơn giản hóa, giảm khoảng 2/3 thời gian. Về quản lý chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, giảm từ thủ tục 2 bước thành thủ tục 1 bước.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu giúp chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam có sự tăng bậc, tuy nhiên, sự chuyển biến này vẫn chưa đạt kỳ vọng được đề ra theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ thép Khương Mai, thời gian qua, nhờ cải cách thủ tục hành chính, việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đã có nhiều thuận lợi nhưng vẫn chưa như doanh nghiệp kỳ vọng, còn rất nhiều điểm nghẽn, gây khó cho doanh nghiệp, nổi bật như kiểm tra chuyên ngành vẫn làm tốn thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
“Thép nguyên cuộn, nguyên tấm, nguyên cây nhưng khi cắt 1 miếng, một góc trong tấm hoặc cây đó thì giá trị thương mại của cây thép đó giảm đi, giá rẻ đi. Doanh nghiệp phải tốn phí từ 4-5 triệu/mẫu thử, phần kiểm tra chuyên ngành của ngành hải quan thì chậm nên nhiều khi hồ sơ mẫu gửi đến quy định là 15 ngày nhưng thực tế có những lô hàng mẫu gửi hải quan kéo dài 2-3 tháng chưa có kết quả trả cho doanh nghiệp”, ông Khương bày tỏ.
Không chỉ có điểm nghẽn trong kiểm tra chuyên ngành, các quy định chưa hợp lý trong các văn bản pháp luật có liên quan cũng đang làm trì trệ sự cải thiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, từ đó, trì trệ trong cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, việc công bố hợp chuẩn, hợp quy vừa mất thời gian và chi phí xã hội, vừa kéo dài và làm mất cơ hội cạnh tranh với các nước khác. Đặc biệt việc này không thể làm được trong một số trường hợp nhập các nguyên liệu phải ghi nhãn phụ, phải có số công bố hợp chuẩn, hợp quy.
“Trong quá trình sản xuất hiện nay với những quy định như vậy trong nhiều trường hợp không thực hiện được, hoặc nếu muốn thực hiện được thì doanh nghiệp sẽ mất cơ hội đơn hàng vì kéo thủ tục kéo dài hàng tháng, không khách hàng nào chờ được lâu như thế”, ông Nam cho biết.
Chính phủ đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ chung phải phấn đấu là cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh. Theo Nghị quyết 19 năm 2016, mục tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam phải bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Theo đó, thời gian giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam cũng phải ngang bằng với các nước ASEAN 4.
Tuy nhiên, theo công bố của Ngân hàng Thế giới, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu của nước ta đã giảm 39 giờ, tức là giảm từ 147 giờ xuống còn 108 giờ, nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với mức 56 giờ của các nước ASEAN 4. Thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu giảm 39 giờ, tức là giảm từ 177 giờ xuống còn 138 giờ, vẫn cao hơn nhiều so với mức 73 giờ của các nước ASEAN 4.
Theo ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, 3 năm qua, Chính phủ tập trung nhiều giải pháp để cải cách chỉ số thương mại qua biên giới, tuy nhiên kết quả vẫn chưa như mong muốn.
“Sau khi công bố hợp quy lại kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu, dẫn đến việc kiểm tra quá rộng, gây nên tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Cần phải áp dụng phương thức quản lý rủi ro và phân loại hàng hóa với một số ít hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, còn phần lớn phải kiểm tra sau thông quan, như thế thì mới đảm bảo thời gian thông quan nhanh”, ông Bình chỉ rõ.
Theo các chuyên gia, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới như mục tiêu Chính phủ đề ra, cần thực hiện điện tử hóa các thủ tục trong nộp hồ sơ, trả kết quả, thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, minh bạch hóa quản lý chuyên ngành. Đồng thời, kết nối thủ tục giữa các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành với cổng thông tin một cửa quốc gia và cơ chế một cửa quốc gia ASEAN./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN