Thực tiễn đang đặt ra phải có một bộ tiêu chí làm thước đo trong việc đánh giá cán bộ, tránh tình trạng nhận xét theo cảm tính, dễ dẫn đến tiêu cực.
Việc xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ được đánh giá là cách làm khoa học, đảm bảo tính khách quan, minh bạch (ảnh minh họa)
Lâu nay, việc đánh giá cán bộ chưa có những tiêu chí để định lượng nên thường dẫn đến tình trạng cảm tính. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cả nhà làm quan”, hay thậm chí “cả họ làm quan” mà báo chí phản ánh.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời trước Quốc hội là: Bộ đã cử các đoàn thanh tra công vụ đi kiểm tra tại 9 địa phương có tình trạng này. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cần phải có một bộ tiêu chí làm thước đo trong việc đánh giá cán bộ, tránh tình trạng cảm tính, dễ dẫn đến tiêu cực trong công tác cán bộ.
Công tác cán bộ có nhiều khâu, trong đó mỗi khâu có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau, không thể coi trọng hay coi nhẹ khâu nào. Khi thực hiện bất kỳ khâu nào trong công tác cán bộ cũng đều phải thực hiện việc nhận xét đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, năng lực sở trường, khả năng phát triển… của cán bộ.
Vì vậy, có thể nói như ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương: đánh giá cán bộ là khâu tiền đề, quy hoạch cán bộ là khâu trọng yếu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, luân chuyển cán bộ là khâu có ý nghĩa đột phá.
Ông Hà nhấn mạnh: việc nhận xét, đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ. Để lượng hóa tiêu chí đánh giá cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã dự thảo đề án “Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Theo đó, 2 tiêu chí chính được lượng hóa bằng thước đo là thang điểm 100 gồm: phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Mỗi tiêu chí này lại được lượng hóa chi tiết hơn bằng 4 đến 5 mức để đánh giá cụ thể.
Ông Mai Thanh Dân, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ cho rằng: Đề án đã lượng hoá chấm điểm cụ thể với những tiêu chí rõ ràng trong công tác đánh giá cán bộ. Điều này sẽ khắc phục việc đánh giá cảm tính, chủ quan trong thời gian qua và giúp cho việc đánh giá cán bộ chính xác hơn, toàn diện hơn và chặt chẽ hơn. Ông Dân coi đây là việc làm có ý nghĩa đột phá.
“Từ trước đến nay, chúng ta chỉ tập trung đi sâu trong việc đánh giá cán bộ các địa phương và cấp cơ sở. Lần này Trung ương đưa ra nhưng tiêu chí cụ thể để đánh giá đội ngũ cán bộ Trung ương quản lý. Tôi cho rằng, đây là sự đi trước, sự đột phá để các địa phương có điều kiện thực hiện nghiêm túc và hiệu quả trong việc đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp” - ông Mai Thanh Dân nói.
Theo dự thảo đề án, việc đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao hay nói cách khác là về đức và tài của cán bộ được đánh giá thang điểm ngang nhau. Cũng có ý kiến góp ý, trong bối cảnh hiện nay, nên đánh giá cái tài của cán bộ cao hơn. Bởi nếu một cán bộ, nhất là người đứng đầu mà chỉ hiền lành, đức độ nhưng đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, làm ăn thua lỗ thì người đứng đầu ấy không xứng đáng.
Là người gần 60 tuổi đảng, ông Phạm Bá Lữ, Trưởng ban liên lạc các chiến sỹ bị địch bắt và tù đày toàn quốc khẳng định, hai tiêu chuẩn đức và tài được Bác Hồ coi trọng ngang nhau trong đánh giá cán bộ. Bác không coi nhẹ tiêu chuẩn nào.
Ông Lữ tâm niệm: Đức ở đây là trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân; đức là phục vụ tất cả, đem cái tâm huyết của mình phục vụ nhân dân, phục vụ cho Đảng. Đối với dân thì thương dân, đối với Đảng, với Tổ quốc thì trung thành. Tài có nghĩa là người đó có khả năng tổ chức, lãnh đạo, vận động quần chúng thực hiện được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Đánh giá cán bộ là một khâu khó trong công tác cán bộ, do vậy cần tuân thủ nguyên tắc công khai nội dung, tiêu chuẩn và phương pháp tiến hành, có sự giám sát của đảng viên và nhân dân. Cũng theo dự thảo đề án nói trên, các vấn đề về tiêu chí, phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ; về tiêu chuẩn, chức danh cán bộ; việc thẩm định, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ; về quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử… cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính đồng bộ, đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương nói: “Về quy trình bổ nhiệm cán bộ, còn nhiều vấn đề chúng ta cần bàn, cần trao đổi. Hay như là trong công tác đánh giá cán bộ, cũng còn nhiều vấn đề chúng ta cần phải được bàn, được tranh luận, trao đổi. Để khi chúng ta có đề án thì đảm bảo được yêu cầu, đạt kết quả tốt nhất”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng mới đây nhận định: Đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ…
Chính vì vậy, việc lượng hoá các tiêu chí đánh giá cán bộ là cách làm khoa học, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, cụ thể, góp phần để Đảng, Nhà nước ta từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, làm động lực cho sự phát triển đất nước./.
Theo Huy Sơn/VOV.VN