Cập nhật: 22/11/2016 08:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Được gọi là thành phố “đầu biển - cuối sông” với những ưu đãi tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cùng các giá trị di sản văn hóa lâu đời, Đà Nẵng đã và đang khai thác thế mạnh tiềm năng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo dựng thương hiệu về một thành phố du lịch biển, điểm đến tổ chức của các sự kiện và lễ hội. Mới đây, Đà Nẵng đã được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards (WTA) trao tặng danh hiệu “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.

Du khách tham quan Hội chợ du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và MICE 2016 do TP Đà Nẵng tổ chức.

Khai thác hiệu quả tiềm năng

Với lợi thế có biển, có sông, là điểm kết nối có vai trò trung tâm đối với các di sản văn hóa thế giới, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong khu vực như: Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng..., Đà Nẵng hội tụ đủ điều kiện để phát huy các tiềm năng sẵn có. Những năm qua, với hơn 200 đơn vị kinh doanh lữ hành, gần 500 khách sạn, hơn 17.670 phòng, trong đó có 88 khách sạn ba đến năm sao với hơn chín nghìn phòng, thành phố xây dựng thành công và hướng đến các sản phẩm du lịch mới, thu hút nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế. Nhiều khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, tuyến điểm tham quan được đầu tư, xây mới như Bà Nà Hills, Công viên châu Á, danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đến nay, Đà Nẵng có 23 đường bay, trong đó có chín đường bay trực tiếp thường kỳ và 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến. Tại thành phố cũng đang tập trung hơn 20 thương hiệu khách sạn quốc tế như Accor, Hyatt, Melia, Crown, Intercontinental, Mercure, Furama, Novotel, Vinpearl.

Nhiều sự kiện được thành phố tổ chức định kỳ, đã trở thành thương hiệu và mang lại hiệu quả kinh tế, quảng bá cao như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Cuộc thi ma-ra-tông quốc tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện mang tầm thế giới và châu lục như: Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015-2016; Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và hội nghị, hội thảo (MICE); Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á - ABG5… Thành phố đang chuẩn bị cơ sở, vật chất để tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC vào năm 2017. Động lực để kết nối, phát triển là những giải thưởng danh giá về du lịch mà Đà Nẵng được trao tặng những năm qua như Tốp 10 điểm đến hàng đầu châu Á trong hai năm 2013 - 2014, Tốp 10 điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2015 do khách du lịch trang Trip Advisor bình chọn và mới nhất là Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á 2016. Để giành được danh hiệu này, Đà Nẵng đã vượt qua hơn tám điểm đến hàng đầu của châu Á như Băng Cốc (Thái-lan); Bắc Kinh, Hồng Công, Thượng Hải, Ma Cao (Trung Quốc); Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), Xơ-un (Hàn Quốc) và Xin-ga-po.

Bốn tiêu chí mà Đà Nẵng đạt được để nhận giải thưởng, bao gồm: sự hấp dẫn tài nguyên và sản phẩm du lịch của điểm đến; khả năng cung ứng và chất lượng điểm đến; các sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế và độ hài lòng của du khách đối với điểm đến. Theo lãnh đạo thành phố, trong tương lai, dựa trên những tiêu chí được bình chọn nêu trên, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ gìn và khai thác tốt tài nguyên đang có; xây dựng sự khác biệt trong các sản phẩm du lịch cũng như phát triển du lịch MICE, hướng đến gói sản phẩm du lịch cao cấp.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết: Giải thưởng này đã khẳng định thương hiệu của du lịch Đà Nẵng. Nhờ thương hiệu này, bạn bè quốc tế biết đến Đà Nẵng nhiều hơn, mang lại hiệu quả quảng bá, đầu tư rất lớn cho du lịch Đà Nẵng thời gian tới.

Những khó khăn khi phát triển thương hiệu

Năm 2017, chính quyền và ngành du lịch thành phố đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước. Nhiều sản phẩm du lịch, công trình mới sẽ được đưa vào sử dụng như Khu công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; Công viên châu Á với nhiều hạng mục mới; Dự án Cocobay; khu biệt thự và khách sạn Biển Đông Phương; Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Furama; Dự án nhà hàng và bến du thuyền phía nam cảng Sông Hàn, Nhà ga hành khách quốc tế bảo đảm phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017. Theo đề án phát triển dịch vụ TP Đà Nẵng năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, sẽ triển khai xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tiếp và phân phối khách du lịch của miền trung - Tây Nguyên, thu hút và mở thêm các đường bay đến Đà Nẵng, phối hợp các địa phương khu vực miền trung xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, phối hợp xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Đà Nẵng và đa dạng hóa thị trường mục tiêu.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Vitour Lê Tấn Thanh Tùng cho biết: “Lâu nay, dù chúng tôi chủ động tạo sự kiện du lịch quốc tế tại Đà Nẵng nhưng gần như khách quốc tế ít quan tâm, nhưng nay việc thành phố được công nhận là Điểm đến sự kiện lễ hội châu Á đã mở ra nhiều cơ hội. Chúng tôi sẽ chủ động tổ chức một số chương trình du lịch kết hợp thể thao, văn hóa và hy vọng thu hút được một lượng khách quốc tế lớn”. Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Đà Nẵng nên tập trung xúc tiến đường bay đến các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu Hiệp định được thông qua và triển khai tại 12 nền kinh tế, sẽ hỗ trợ cho Đà Nẵng rất nhiều về sự kiện lễ hội, nhất là du lịch MICE và du lịch công vụ mà Đà Nẵng đang hướng đến. Thành phố cũng cần nghiên cứu bài bản để có thêm nhiều dịch vụ giải trí, trên biển, trên sông, nhất là dịch vụ giải trí về đêm, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin để tăng tính kết nối.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, từ phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ xây dựng nhiều sự kiện quốc tế và tạo điều kiện cho người dân tham gia, tổ chức các sự kiện. Tuy nhiên, để tận dụng hết lợi thế và phát huy tối đa giá trị các giải thưởng về du lịch, Đà Nẵng đang cần một “nhạc trưởng” thật sự để xây dựng chiến lược phát triển, điều phối, liên kết các sự kiện và tổ chức một cách bài bản, ấn tượng. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay số lượng khách sạn bốn đến năm sao tại Đà Nẵng chiếm chưa đầy 10% tổng số khách sạn, vì thế việc cải tạo chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú vẫn là bài toán “đang để ngỏ”. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết: Cái khó lớn nhất của ngành du lịch thành phố là nguồn nhân lực; hướng dẫn viên và chuyên viên làm trong lĩnh vực du lịch còn yếu, thiếu tiếng Anh, không chủ động giao tiếp được. Đây là một cản trở rất lớn nếu muốn hội nhập. Các sản phẩm du lịch phải đổi mới, cải tạo chất lượng dịch vụ để hướng ra thế giới. Thành phố cũng cần hướng đến xây dựng một cơ quan chuyên về phát triển du lịch MICE làm đầu mối, thống kê các sự kiện diễn ra trong từng năm tại thành phố để từ đó phân tích, lên kế hoạch tổ chức, thu hút các sự kiện quốc tế về Đà Nẵng. Về lâu dài, thành phố cần có kế hoạch thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn chiến lược phát triển du lịch theo một định hướng rõ ràng.

Đà Nẵng đã có thương hiệu về du lịch, nhưng sản phẩm vẫn nghiêng về hướng khai thác các thế mạnh tự nhiên, cho nên du lịch Đà Nẵng vẫn còn thiếu phần “hồn”, đó là các lễ hội truyền thống, các dịch vụ giải trí có bản sắc. Đánh thức tiềm năng du lịch ngay từ tài nguyên sẵn có cùng sự kết nối, đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng du lịch, sẽ là phương thức phát triển du lịch bền vững đối với Đà Nẵng. Thương hiệu chỉ là bước đệm, bảo vệ và phát triển thương hiệu vươn tầm mới là thách thức đang đặt ra đối với chính quyền và ngành du lịch Đà Nẵng.

 

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm