Mặc dù tiền lương khu vực Nhà nước được đánh giá là thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp, nhưng nhiều người vẫn muốn vào làm việc tại các cơ quan nhà nước với suy nghĩ sẽ có thu nhập ổn định. Chính suy nghĩ dù làm việc hiệu quả hay không vẫn có tiền lương, việc làm ổn định trong các cơ quan nhà nước đang khiến chất lượng dịch vụ công còn thấp.
Chính sách tiền lương công chức hiện nay chưa tạo động lực để cải cách chất lượng dịch vụ công. (Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Cải cách tiền lương công chức theo hướng xác định lương gắn với hiệu quả công việc sẽ trở thành động lực xây dựng một hệ thống hành chính công hiệu quả, một Chính phủ kiến tạo, phát triển như yêu cẩu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hơn 20 năm duy trì một cách tính lương
Tại hội thảo quốc tế về xây dựng thang bảng lương và thực hiện cơ chế trả lương theo vị trí việc làm gắn với hiệu quả công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 21/11 tại Hà Nội, các chuyên gia đã phân tích những hạn chế của chính sách tiền lương khu vực Nhà nước hiện nay.
Trong lịch sử hình thành chính tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, thì chính sách cải cách tiền lương của Nhà nước vào năm 1993 được đánh giá là cuộc cải cách lớn nhất, toàn diện về cả nội dung và các điều kiện thực hiện. Đến năm 2004, Nhà nước tiếp thục hiện cải cách, ban hành chế độ tiền lương thay thế nhưng chủ yếu dựa trên quy định từ năm 1993.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: “Cải cách chính sách tiền lương năm 2004 thực chất vẫn dựa trên nền tảng cách tính lương năm 1993, chỉ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mở rộng quan hệ tiền lương, tách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực chi từ ngân sách…
Đến nay, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn được quy định bằng hệ số xếp theo chuyên môn, nghiệp vụ cộng với phụ cấp chức vụ. Như vậy, hơn 20 năm qua, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn duy một cách tính và đang dần bộc lộ những bất cập.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Chúng ta càng cải tiến chính sách tiền lương càng lộ ra nhiều bất cập, tính hệ thống của chính sách không được đảm bảo, không thích ứng với những yêu cầu của giai đoạn mới.”
“Chúng ta phải quyết định tiếp tục cải cách chế độ hiện hành hay đã đến lúc xây dựng một hệ thống tiền lương mới và thực hiện theo lộ trình. Đặc biệt, phải tìm ra được những vấn đề của chính sách tiền lương hiện nay,” phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quốc Toản nhận xét.
Lương công chức nên gắn với hiệu quả làm việc. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)
Bất cập bảng lương “cào bằng”
Đánh giá về chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, ông Đặng Như Lợi nhận định, tiền lương bình quân của cán bộ, công chức thấp hơn tiền lương bình quân của người lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh, không phù hợp với giá trị sức lao động của cán bộ, công chức, viên chức.
“Do đó, tiền lương không còn là động lực, hầu như không còn tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cải cách tiền lương không gắn bao nhiêu với hiệu quả của cải cách hành chính,” ông Đặng Như Lợi nhấn mạnh.
Trong thực tế, một chính sách tiền lương cào bằng, không đánh giá theo hiệu quả công việc đang là nguyên nhân của việc chậm thay đổi trong cải cách chất lượng dịch vụ công. Những chính sách tiền lương chung được áp dụng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức đang bộc lộ những bất cập mà nhiều ý kiến cho rằng đây là hình thức dàn hàng ngang cùng tiến.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quốc Toản cho rằng phải thiết kế phương thức trả lương gắn với thâm niên làm việc, chất lượng hiệu quả công việc và có khen thưởng… chứ không phải cứ ba năm lên lương một lần như hiện nay. Nếu không trả lương theo hiệu quả công việc thì sẽ không tạo động lực làm việc cho những cán bộ trẻ.
Mặc khác, theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia Quản trị công cao cấp của Ngân hàng thế giới (World Bank) thì muốn đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ công chức, viên chức thì phải xây dựng được hệ thống công chức với những vị trí việc làm cụ thể. Mặc dù từ năm 2009, vấn đề xác định vị trí việc làm đã được đề cập đến khi sửa đổi Luật Viên chức nhưng đến nay việc này vẫn bước một bước rất chậm, vẫn chưa có mô tả vị trí việc làm cho đội ngũ công chức, viên chức.
“Chúng ta phải nghiên cứu rõ ràng, tách bạch ra chức năng mỗi cơ quan khác nhau. Không thể nhìn tổng thể cho rằng vấn đề tiền lương của tất cả các bộ phận, cơ quan, tổ chức nhà nước như nhau,” bà Trần Thị Lan Hương nói.
Chia sẻ kinh nghiệp của Pháp, ông Franck Lefebvre, chuyên gia Trung tâm Công vụ địa phương cho biết, ở Pháp nguyên tắc trả lương chỉ khi công việc được hoàn thành và tỷ lệ thuận với thời gian làm việc. Đặc biệt, cùng một vị trí việc làm nhưng ở những vùng địa lý lớn hơn được trả mức lương cao hơn.
Hiện nay, theo các chuyên gia, vẫn chưa có đủ một nghiên cứu đánh giá sâu, cụ thể về hệ thống cán bộ, công chức, viên chức. Muốn thực sự bước ra khỏi cách tính lương đã làm từ hơn 20 năm trước đây chỉ có cách phải xây dựng được một hệ thống công chức với những yêu cầu, phân công việc làm, chuyên môn cụ thể từ trên xuống dưới./.
HỒNG KIỀU (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/cai-cach-tien-luong-cong-chuc-se-khong-con-dan-hang-ngang-cung-tien/417120.vnp